Lễ cúng Mở cửa kho lúa của người dân tộc Rơ Mâm trên cao nguyên Kon Tum

Bài và ảnh: Hoàng Đình Chiểu|09:51 11/04/2023

(NADS) - Cuộc sống của người dân tộc thiểu số Rơ Mâm ở làng Le, xã vùng cao biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum chủ yếu dựa vào nguồn lương thực chính là lúa. Kho lúa của người Rơ Mâm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Bởi đó là nơi cất giữ nguồn lương thực chính để nuôi sống cả gia đình trong suốt một năm.

W_cuoc-song_6.-kho-lua.jpg
Kho lúa tại rẫy của người dân tộc Rơ Mâm ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Theo phong tục người Rơ Mâm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong, họ đem cất kĩ trong nhà kho làm tại rẫy, sau đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lễ Cúng Mở cửa kho lúa. Sau lễ cúng, các gia đình mới được phép lấy lúa ra để sử dụng hàng ngày trong cuộc sống.

Những ngày cuối năm, công việc của người Rơ Mâm ở làng Le rất bận rộn. Bà con tranh thủ thời gian tập trung lên nương rẫy thu hoạch lúa đưa vào kho cất giữ. Sau đó, họ lại chuẩn bị các cơ sở vật chất như heo, gà, dê, trâu, bò, rượu cần và cây nêu… để tổ chức lễ Cúng Mở cửa kho lúa. Ngoài tổ chức lễ cúng chung tại nhà rông làng, mỗi gia đình còn tổ chức riêng tại nhà theo từng hộ. Đây là nghi lễ không thể thiếu được đối với dân tộc Rơ Mâm ở tỉnh Kon Tum trong những ngày Tết đến, Xuân về.

W_cuoc-song_1-len-ray-.jpg
Người dân Rơ Mâm lên rẫy thu hoạch lúa đưa cất vào kho

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Ông A Ý, người dân tộc Rơ Mâm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Theo phong tục người Rơ Mâm, hàng năm sau khi thu hoạch lúa đem cất vào kho, sau đó người dân phải tổ chức lễ Cúng Mở cửa kho lúa, không làm thì không được. Trước khi làm thủ tục lễ Cúng Mở cửa kho lúa, thì mình đi vào rừng kiếm con cá, đọt mây đắng, rau rừng, rồi phải làm con heo, hoặc gà đưa vào rẫy, thui tại kho lúa, thui xong mổ lấy ruột, lấy gan con vật, làm lễ cúng tại kho, rồi về nhà cũng làm lễ cúng như vậy một lần nữa. Sau lễ cúng, mời cả gia đình, bà con, thôn làng đến cùng ăn, uống rượu cần.

W_cuoc-song_4ruou-candsc_1766.jpg
Chuẩn bị rượu cần, gà để làm lễ cúng mở kho lúa của người Rơ Mâm

Ông A Reng là già làng của làng Le cho biết: không tổ chức như thế này, thì Yàng (thần linh) không phù hộ cho người dân về sản xuất vụ lúa tới nói riêng, cũng như mọi việc ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong làng nói chung. Nếu không tổ chức chung cả làng, thì mỗi hộ gia đình cũng phải tự tổ chức tại nhà. Chỉ cần dùng con heo, gà, rượu cần và cây nêu, không bắt buộc phải có con trâu, dê khi làm lễ Cúng Mở cửa kho lúa. Tổ chức chung cả làng thì phải có con trâu đen, trâu trắng và con dê trắng, dê đen để thể hiện sự đoàn kết cả làng, khấn Yàng bảo vệ mùa màng, che chở tất cả con cháu, người dân trong làng đều khỏe mạnh, không bị dịch bệnh, ốm đau.

W_cuoc-song_4cong-tac-dung-cay-neu-truoc-nha-rong-de-chuan-bi-cung-mo-kho-lua-cua-nguoi-ro-mam-2-.jpg
Dựng cây nêu trước nhà rông để chuẩn bị cúng mở kho lúa của người Rơ Mâm

Sau khi chọn ngày tổ chức lễ cúng, già làng tổ chức họp dân thông báo cho toàn thể dân làng biết triển khai công việc; phân công lựa chọn các con vật hiến sinh như trâu, dê, heo, gà; cắt cử những người có kinh nghiệm làm các cây nêu. Già làng cùng với những người cao tuổi dắt các con vật hiến sinh đã chọn và nuôi nhốt riêng trước đó cả tháng ở cánh rừng vào cột dưới cây nêu làm vật hiến sinh cho Yàng.

Các công việc chuẩn bị xong, già làng là người chủ lễ đứng ra cúng khấn thần linh (Yàng) với nội dung: “Hỡi Yàng sông, Yàng suối, Yàng đồi núi, hôm nay dân làng Le làm lễ Cúng Mở cửa kho lúa, các lễ vật kính dâng lên Yàng có trâu, dê, heo, gà, rượu cần, xin mời các Yàng vui lòng nhận lấy và hãy che chở, giúp đỡ dân làng chúng tôi ngày càng có nhiều trâu, nhiều bò, nhiều dê, heo hơn, nhiều lúa, nhiều bắp, để dân làng được no đủ quanh năm suốt tháng, mọi người có sức khỏe, không bị bệnh tật, ốm đau”.

W_cuoc-song_4cay-neu-va-vat-hien-sinh1799.jpg

Khi đến dự lễ Cúng Mở cửa kho lúa tại nhà rông làng, mỗi gia đình đều phải mang theo ghè rượu cần ngon nhất. Các thiếu nữ (trừ người đang mang thai không được đến khi già làng làm lễ cúng) mang cối, chày và gùi lúa đến trước nhà rông để giã. Tiếng cồng chiêng, hòa cùng tiếng giã gạo nhịp nhàng tạo ra bản họa tấu rộn ràng. Khi lúa giã thành gạo, mọi người gùi gạo về nhà. 

W_cuoc-song_1dua-gao-nep-vao-ong-lam.jpg
Đưa gạo nếp vào ống lô ô chuẩn bị nấu cơm lam

Sau lễ cúng, tất cả mọi người dân trong làng từ già, trẻ, gái trai tập trung về nhà rông cùng chung tay chế biến các món ăn, sau đó cùng ăn, cùng uống và đánh chiêng, múa xong đến khi no say mới về nhà nghỉ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chỉ Nhiếp ảnh và Đời sống, ông A Thái là trường thôn làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum cho biết: Người dân tộc Rơ Măm có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, nên thích cuộc sống tự do, phóng khoáng, yêu thích thiên nhiên, núi rừng, thích ca hát, nhảy múa. Ngoài các hoạt động lao động sản xuất, còn có những nét phong tục tập quán văn hóa cổ truyền đặc sắc, đậm nét và khá riêng biệt của người Rơ Măm luôn được chú trọng, duy trì từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Trong đó, có lễ Cúng Mở cửa kho lúa mang ý nghĩa rất quan trọng. Ngoài cầu mong Yàng phủ hộ mùa màng bội thu, cuộc sống an lành, còn là dịp để truyền đạt lại phòng tục tập quán của người Rơ Mâm cho các thế hệ sau.

W_cuoc-song_2phu-nu-nguoi-ro-mam-nuong-com-lam-lam-le-cung-mo-kho-lua..jpg
Phụ nữ người Rơ Mâm nướng cơm lam làm lễ cúng mở kho lúa

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Quang, Phó giám đốc Bảo tàng, thư viện tỉnh Kon Tum, thi việc tổ chức lễ hội Mở cửa kho lúa này nó mang lại những giá trị về bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Rơ Mâm. Đây cũng là dịp để cộng đồng sau khi thu hoạch mùa màng xong, bà con tổ chức lễ hội là dịp để bà con cảm ơn thần linh sau một năm thu hoạch mùa màng bội thu. Cũng như là để trao truyền lại những tri thức dân gian cho các thế hệ trẻ, nhằm bảo tồn lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc Rơ Mâm. Đồng thời, cũng là dịp để bà con nghỉ ngơi, giao lưu, tạo sự gắn kết cộng đồng trong thôn làng.

W_cuoc-song_5moi-khach-chung-vui-ca-lang-sau-le-cung-mo-kho-lua-cua-nguoi-ro-mam.-.jpg
Mời khách chung vui cùng cả làng sau lễ cúng mở kho lúa của người Rơ Mâm

Tỉnh vùng cao biên giới Kon Tum hiện có 7 dân tộc thiểu số bao gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Mâm. Mỗi dân tộc thiểu số đều gắn với một vùng cư trú đặc thù, có phong tục tập quán cổ truyền và lối sống khắc nhau, tạo nên một vùng văn hóa nhiều bản sắc, đậm đà văn hóa dân gian. Theo thống kê của UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy thì đến cuối năm 2022, người Rơ Mâm ở làng Le hiện có 178 hộ, với 526 khẩu. Đây là một trong bốn dân tộc thiểu số ít người nhất trên toàn quốc


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lễ cúng Mở cửa kho lúa của người dân tộc Rơ Mâm trên cao nguyên Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO