Theo báo cáo, trong phân khúc đất nền, có hơn 5.100 lô được giao dịch với tổng giá trị lên đến hơn 4.900 tỷ đồng, nhưng thanh khoản cũng có xu hướng giảm so với quý trước.
Cụ thể, Đà Lạt đã ghi nhận hơn 340 lô giao dịch, tương đương tổng giá trị 1.475 tỷ đồng, tức giá trung bình khoảng 4,2 tỷ đồng mỗi lô, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bảo Lộc, 390 lô đã được giao dịch với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng, tức giá trung bình khoảng 770 triệu đồng mỗi lô. Những địa phương từng "nóng" về đất nền như Di Linh hay Đức Trọng cũng chứng kiến sự giảm sút trong thanh khoản. Ngược lại, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà có dấu hiệu giao dịch cải thiện nhẹ so với quý trước.
Đối với loại hình căn hộ chung cư, Lâm Đồng chỉ có 17 giao dịch trong quý này với tổng giá trị 35 tỷ đồng, giảm 37% so với quý II. Mặc dù số giao dịch giảm, nhưng giá trị trung bình mỗi căn hộ lại có xu hướng tăng, từ 1,4 tỷ đồng lên 2 tỷ đồng. Theo UBND TP Đà Lạt, lĩnh vực bất động sản đóng góp khoảng 20% vào tổng thu ngân sách hàng năm của thành phố, với đặc điểm giao dịch nhỏ lẻ giữa các hộ dân và giá bán biến động theo từng khu vực.
Thị trường bất động sản Lâm Đồng đã trải qua giai đoạn bùng nổ vào năm 2021-2022, với hơn 48.000 giao dịch đất nền. Tuy nhiên, sự suy giảm bắt đầu từ năm 2023 do chính quyền tăng cường ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền, khiến số lượng giao dịch và giá trị giảm đến 60% so với năm trước.
Tình hình khó khăn của thị trường, thanh khoản thấp cùng với giá nguyên vật liệu tăng cao đã tạo áp lực lên doanh nghiệp, khiến nhiều chủ đầu tư phải thu hẹp quy mô, gia hạn hoặc dừng triển khai dự án. Chính quyền tỉnh cũng đã tăng cường thanh tra để giảm thiểu tình trạng "sốt đất cục bộ."