Dự lễ kỷ niệm có: NSNA Trần Thị Thu Đông - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV; NSNA Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ VHTT&DL; NSNA, Nhà báo Hồ Sỹ Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống, Trưởng Ban lý luận phê bình Nhiếp ảnh; NSNA Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật; đại diện lãnh đạo 3 Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, Huế, TP.HCM.
Hoạt động này vừa kỷ niệm ngày truyền thống của giới Nhiếp ảnh Việt Nam; vừa tôn vinh danh nhân Đặng Huy Trứ, đồng thời góp phần giữ gìn, giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản dòng họ Đặng làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế ra với công chúng yêu thích nhiếp ảnh trong và ngoài nước.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam Trần Thị Thu Đông đã ôn lại truyền thống 71 năm qua của ngành Nhiếp ảnh Việt Nam: "Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, nền Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam và nòng cốt là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp chung vào sự phát triển của nền Văn học Nghệ thuật nước nhà. Từ đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, giữ gìn bản sắc dân tộc và quảng bá hình ảnh Đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè Quốc tế. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh giúp lưu giữ những thời khắc lịch sử quan trọng cho đất nước, nhiều tác phẩm đã trở thành di sản, tài sản vô giá..."
Ghi nhớ công ông, nhiều năm qua, cứ đến ngày 15/3, ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, giới nhiếp ảnh cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng vẫn thường xuyên cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà - quê hương của ông để tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến nhiếp ảnh và thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam. Nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với tất cả các nhà nhiếp ảnh trên cả nước.
Năm nay là dịp đặc biệt kỷ niệm tròn 155 năm ngày khai trương Hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, được xem là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, mở ra trang sử cho sự phát triển của ngành nhiếp ảnh hiện đại ngày nay. Trong đó, chính Đặng Huy Trứ đã làm hai câu đối “quảng cáo” nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh:
Câu đối 1: “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”, dịch nghĩa là: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”.
Câu đối 2: “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”. Khương Hữu Dụng đã dịch nghĩa là: “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.
Từ đó đến nay, hằng năm vào dịp Kỷ niệm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh của Huế và các tỉnh, thành lân cận lại cùng nhau tụ về từ đường họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) - quê hương của ông để thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ về ông tổ của ngành nhiếp ảnh Việt Nam, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với tất cả nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước.
Nhân kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2024, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng, trong đó có hoạt động dâng hương ông tổ nghề Đặng Huy Trứ sáng nay và trưng bày bộ ảnh đạt giải và triển lãm tại cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia với chủ đề Tổ Quốc bên bờ sóng lần II, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội NSNAVN và các đơn vị có liên quan tổ chức.
Triển lãm nhằm lan tỏa, quảng bá tiềm năng vẻ đẹp của biển, đảo Việt Nam, tình yêu quê hương đất nước, sự gắn bó của các thế hệ người Việt Nam với biển, đảo và tôn vinh những tác giả, tác phẩm đã đạt đươc nhiều kết quả tốt trong năm qua. Triển lãm bắt đầu từ chiều 15/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế.
Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm.