Tham dự buổi lễ có NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội; NB-NSNA Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, Trưởng Ban Lý luận phê bình Nhiếp ảnh; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội; NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội; NSNA Xuân Chính - UV BCH, Phó ban Sáng tác triển lãm Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Sau hơn 2 tháng phát động Ban Tổ chức đã nhận được 1712 tác phẩm của 227 tác giả của 02 chủ đề: “Làng nghề Hà Nội” với 778 tác phẩm và “Vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc” với 934 tác phẩm.
Ở đề tài “Làng nghề Hà Nội” có tổng cộng 52 tác phẩm được triển lãm, trong đó có 16 tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng gồm 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 10 Giải Khuyến khích. Các tác phẩm đã phản ánh đa dạng về làng nghề, khắc họa, tôn vinh những người lao động cần cù vẫn đang không ngừng, gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của quê hương thông qua những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống.
Ở đề tài “Vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc”, có 60 tác phẩm lọt vào vòng triển lãm, trong đó có 06 tác phẩm xuất sắc đạt giải thưởng gồm 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì và 03 Giải Ba. Các tác phẩm phản ánh sinh động những nét độc đáo về phong cảnh, phong tục tập quán, sinh hoạt đời thường, ở mọi vùng miền đất nước.
Với chủ đề “Làng nghề Hà Nội”, tác phẩm “Người lưu giữ hồn tranh dân gian Hàng Trống” - tác phẩm xuất sắc đoạt giải Nhất, ghi lại khoảnh khắc nghệ nhân Lê Đình Nghiên trong căn nhà nhỏ trên phố Cửa Đông đang vẽ và phục chế tranh dân gian với tư duy hình ảnh rõ rệt, biết vận dụng và xử lý kỹ thuật cơ bản, thậm chí khá nhuần nhuyễn trong lựa chọn góc nhìn và khuôn hình sáng tạo.
Tác phẩm đoạt giải Nhì. “Nghệ nhân kim hoàn phố Hàng Bạc” Ông Nguyễn Chí Thành sinh sống tại số nhà 83 phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội là một trong những nghệ nhân ít ỏi còn lại duy trì được nghề chạm vàng bạc truyền thống, với góc chụp tinh tế của tác giả đã cho khán giả cảm nhận được tình yêu và niềm đam mê nghề của nghệ nhân để gìn giữ cho mai sau và giữ bằng được nghề chạm vàng bạc truyền thống. Bởi ông quan niệm rằng, nghề truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và thường cho ra những sản phẩm vô cùng đẹp mắt. Cùng đó, tác giả Lê Hoàn Diệu đem đến cho người xem hình ảnh “Làng nghề trồng đào Nhật Tân truyền thống” sắc đỏ rực rỡ của hoa đào luôn mang lại không khí ngày Tết đặc trưng ở miền Bắc cùng với sự phát triển của Thủ đô. Tác phẩm có bố cục chặt chẽ, mầu sắc nhẹ nhàng.
Với chủ đề “Vẻ đẹp mọi miền Tổ quốc”, tác phẩm đoạt Giải Nhất “Hoàn thành công tác lồng Rotor vào Stator trong nhà máy thủy điện” được chụp trong không gian dưới lòng đất với hình ảnh các kỹ sư đang hoàn thiện công đoạn cuối để đưa tổ máy vào hoạt động, Đây cũng là tác phẩm có kỹ thuật hậu kỳ chỉnh chu, sắc xảo, thể hiện tốt ý tưởng của tác giả.
Các tác phẩm khác trong bộ giải đã truyền tải được giá trị về nội dung cũng như hình thức thể hiện bảo đảm tính thẩm mỹ, truyền tải nội dung rõ ràng, có sự đầu tư đáng kể trong sáng tác và xử lý hình ảnh.
Nhìn chung, những tác phẩm đoạt giải và triển lãm của 2 chủ đề lần này đều tôn vinh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống, con người Hà Nội nói riêng và vẻ đẹp của Việt Nam hôm nay. Các tác phẩm được khắc hoạ sinh động, có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao, có nội dung tư tưởng tốt, bám sát chủ đề cuộc thi.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những bức ảnh kỹ thuật yếu, nội dung không rõ ràng, bố cục ảnh sáng kém, đặc biệt khâu xử lý hậu kỳ, cẩu thả. Nhiều bức ảnh bị sai lệch màu so với thực tế.
Một số hình ảnh tại buổi lễ.