Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã chủ động đổi mới để tổ chức linh hoạt các hoạt động thi, triển lãm, trại sáng tác và công bố tác phẩm ảnh, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp, tập hợp sự tham gia đông đảo nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh và những người yêu nhiếp ảnh trong cả nước, tạo được sự ủng hộ, chia sẻ của hội viên và sự quan tâm xã hội.
Trại sáng tác và tập huấn nghiệp vụ
Phối hợp và tổ chức 08 trại sáng tác và tập huấn nhiếp ảnh cho hơn 200 lượt hội viên, tại các địa phương: Cam Ranh, Hải Phòng, Long Khánh (Đồng Nai), Yên Bái, Nha Trang, Bình Thuận, Điện Biên, Quảng Ninh.
Cách thức tổ chức trại được đổi mới nội dung, công tác tổ chức nhằm nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác và nhận thức chính trị cũng như mọi mặt đời sống xã hội, phù hợp với nhiều đối tượng. Đổi mới hình thức hoạt động sáng tạo nghệ thuật, định hướng sáng tác cũng nhằm mục đích thu hút được nhiều người cầm máy trẻ tham gia vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật nhiếp ảnh.
Tổ chức thành công 10 cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế và liên hoan khu vực
Năm nay, Cuộc thi Ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng” lần thứ II - năm 2023 về đề tài biển, đảo quê hương do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, giao cho Hội NSNAVN và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Cuộc thi đã nhận được 9.595 tác phẩm (ảnh đơn: 8.464 tác phẩm; ảnh bộ: 1.131 tác phẩm) của 2.590 tác giả từ 63/63 tỉnh/thành phố gửi về tham dự. Lễ trao giải được tổ chức hoành tráng nhất so với các lễ trao giải từ xưa đến nay.
Tại sân khấu ngoài trời ở Quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, được truyền hình trực tiếp trên 63 tỉnh/thành với màn trình diễn ánh sáng bằng 200 chiếc flycam xếp hình theo nội dung lập trình làm cho Lễ trao giải hết sức đặc biệt và ấn tượng. Đây là cuộc thi đạt được nhiều tiêu chí nhất: chất lượng ảnh tốt nhất, số người tham gia dự thi đông nhất, lễ trao giải hoành tráng nhất, các tác giả đoạt giải có mặt đầy đủ nhất trong lễ trao giải, số đại biểu và du khách dự lễ trao giải đông nhất.
Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 tại Việt Nam năm 2023 (VN-23), có 04 đề tài: tự do màu, tự do đen trắng, trẻ em, ý tưởng.
Ban Tổ chức đã nhận được 10.336 ảnh của 963 tác giả ở 34 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Hội đồng giám khảo chọn được bộ ảnh gồm 1.155 tác phẩm, trong đó chọn ra 499 tác phẩm triển lãm của VAPA, trao giải thưởng cho 72 tác phẩm xuất sắc nhất. Lễ khai mạc triển lãm và trao giải được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Phối hợp tốt với các tỉnh, thành phố tổ chức thi, liên hoan ảnh và triển lãm nghệ thuật cho 8 khu vực thành công tốt đẹp, không để xảy ra những sai sót đáng tiếc. Từ khâu giám khảo, đến tổ chức trưng bày triển lãm có sự đổi mới. Chất lượng ảnh các khu vực đã có bước tiến bộ rõ rệt so với những năm trước. Hội đã trao tổng số 10 Huy chương Vàng, 21 Huy chương Bạc, 34 Huy chương Đồng, 54 giải Khuyến khích và gần 900 Giấy chứng nhận trưng bày triển lãm. Những cuộc triển lãm ảnh Liên hoan khu vực đã thu hút hơn 12.000 tác phẩm từ hàng ngàn hội viên và những người yêu ảnh trong cả nước gửi về tham dự.
Ngoài ra, Hội cũng bảo trợ, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương, các khu vực và tỉnh/thành phố để phối hợp tổ chức, bảo trợ các cuộc thi và triển lãm ảnh. Tăng tính chuyên môn và chất lượng cho từng cuộc thi và triển lãm. Nổi bật là phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức các triển lãm ảnh với chủ đề Trường Sa, “Tự hào một dải biên cương”; Triển lãm 75 tác phẩm về các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước với Văn học Nghệ thuật nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội VHNT VN; phối hợp với Bộ Ngoại giao - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trưng bày ảnh về đất nước con người Việt Nam phục vụ chương trình “Xuân quê hương 2023”. Tuyển chọn 70 tác phẩm triển lãm, in sách giao lưu tại Hàn Quốc… Bảo trợ 27 cuộc thi cấp khu vực và tỉnh/thành phố.
Công tác giám khảo, thẩm định ảnh
Đây luôn là lĩnh vực được Hội đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng Nghệ thuật, Ban Chấp hành thông qua danh sách 48 thành viên giám khảo cấp khu vực và tiếp tục bổ sung lớp kế cận. Đây là lực lượng có năng lực chuyên môn được mời tham gia giám khảo ở các cấp độ khác nhau để rèn luyện… Bên cạnh đó, các thành viên giám khảo còn tham gia hội đồng giám khảo của các cuộc thi do bộ, ban ngành tổ chức và giải thưởng VHNT 05 năm của các tỉnh/thành phố; các cuộc thi, triển lãm từ cấp tỉnh, khu vực, toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, phối hợp tổ chức, bảo trợ.
Phương pháp chấm giải cũng có nhiều đổi mới. Sau các vòng sơ khảo chấm online, ở vòng chung khảo, các hội đồng đã chấm trực tiếp hoặc trực tuyến, để có sự tương tác, bình luận, phản biện trực tiếp, trực tuyến nên tránh được các sai sót, tạo sự đồng thuận cao và đạt kết quả tốt hơn. Đặc biệt Ban thường vụ đã dành thời gian để xem xét tất cả các tác phẩm vào chung khảo và đề cử giải nhằm cùng Hội đồng Giám khảo phát hiện những sơ suất, sai sót khi đề cử giải, tránh bớt sự trùng lặp ý tưởng đề tài của những kỳ liên hoan trước.
Sự kiện đặc biệt
Hội đã tổ chức long trọng, thành công Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) và 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản số đầu tiên (1978 - 2023) với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, thiết thực, tạo được dấu ấn với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và trong lòng công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản số đầu tiên được tổ chức long trọng, ý nghĩa.
Lễ kỷ niệm 70 năm vinh dự đón đồng chí Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng và nhiều lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội Trung ương, lãnh đạo các Liên hiệp Hội/Hội chuyên ngành văn học nghệ Trung ương và địa phương, văn nghệ sĩ tiêu biểu và Ban Chấp hành, các chi hội trực thuộc Hội NSNAVN các tỉnh phía Bắc...
Dịp này Hội đã kết hợp với Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Nhân dân xây dựng và phát sóng phim tài liệu “Nhiếp ảnh Việt Nam - 70 năm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” với thời lượng 30 phút và phim tài liệu “45 năm vì sự phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam” với thời lượng 20 phút. Kết hợp với các nhạc sĩ sáng tác một số ca khúc về nhiếp ảnh nhằm lan toả và khẳng định thành tựu 70 năm nhiếp ảnh Việt Nam.
Đặc biệt cũng nhân dịp này, Hội NSNAVN đã vận động từ các nguồn xã hội hóa để mở rộng khuôn viên khu di tích lịch sử địa điểm khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, diện tích đất mở rộng thêm là 976,6m2.
Một số hoạt động khác
Góp ý nhiều đợt để xây dựng văn bản vào Luật Thi đua Khen thưởng (sửa đổi) và đã được Ban Soạn thảo tiếp thu bổ sung đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” tại điểm b, khoản 1, Điều 66 và hiện đang tiếp tục góp ý vào dự thảo sửa đổi Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Tổ chức 02 cuộc Tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” và Tọa đàm về nội dung sách “Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam”.
Công tác đổi ngoại được khơi dậy, ngoài tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế, gửi ảnh dự thi quốc tế, Hội đã kết nối với Hiệp hội Nhiếp ảnh gia Hàn Quốc tổ chức giao lưu sáng tác và triển lãm tại Hàn Quốc và tại Việt Nam.
Các hoạt động nhiếp ảnh, nghệ thuật bổ ích được Hội tổ chức trong năm nay đã góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh đẹp đất nước, cho các địa phương, tạo thêm cho khu vực hoạt động văn hoá nghệ thuật nâng cao nhận thức về nghệ thuật nhiếp ảnh, qua đó có thêm nhiều tay máy mới, nhiều nhiếp ảnh trẻ tham gia đạt giải, phát hiện nhiều người đam mê và tài năng và nhiều hội viên trẻ được kết nạp vào hội.
Nhìn lại một năm qua với nhiều sự kiện hoạt động sôi nổi, nổi bật, đổi mới đã tạo dấu ấn và vị thế của nhiếp ảnh Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò của nhiếp ảnh đã có truyền thống 70 năm và giá trị của nhiếp ảnh trong xu thế mới, trong thời đại công nghiệp 4.0.