
Cách cửa tri thức mở rộng
Trước đây, từ lúc học cấp 2, Đoàn Lục Nghi cũng không nghĩ mình sẽ học ngành Y vì khi thi đậu vào trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa TP. HCM, em được xếp học lớp 6A1 chuyên về toán vì đạt điểm số đầu vào rất cao của em. Từ đó, em bị cuốn hút bởi môn toán với cách tư duy, suy luận rạch ròi chặc chẽ. Đoàn Lục Nghi đã theo đuổi môn học này ngày một hoàn thiện kiến thức của mình. Năm lớp 9 em được vào đội tuyển toán của nhà trường đi thi học sinh giỏi toán cấp thành phố dành cho học sinh cấp 2 vào năm 2012, khi đó em đạt giải 3.
Sau khi lên cấp 3, em học trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP. HCM và được chọn vào lớp chuyên Toán CT1. Giai đoạn THPT là khoảng thời gian mà mỗi học sinh bên cạnh việc học, còn phải định hướng cho nghề nghiệp tương lai của mình. Và từ đây, những cánh cửa của học vấn đã được mở ra để cho em có được những lựa chọn thiết thực.

Tuy học lớp chuyên toán, nhưng trong quá trình học tập, Đoàn Lục Nghi lại cảm thấy môn học hóa học và sinh học có nhiều điều thú vị riêng, đặc biệt là môn sinh học. Khi tìm hiểu về cấu trúc tế bào, vật chất di truyền DNA, RNA… làm em cảm thấy rất hứng thú vì nó gắn liền với thực tế ở bên trong con người chúng ta.
Đoàn Lục Nghi trúng tuyển vào trường Đại học Y dược TP.HCM năm 2015, với số điểm là 28.25, trong đó môn Toán: 9.25, Hóa: 9 và Sinh: 10.
Trước khi rời mái trường chuyên Lê Hồng Phong, em được nhà trường tuyên dương đạt thành tích cao trong kì thi THPT Quốc gia.
Từ đó, sự yêu thích đã tạo nên một bước ngoặt, ngã rẽ mới đối với Đoàn Lục Nghi. Và em đã chọn khối B làm khối thi đại học của mình. Bên cạnh việc học tập rèn luyện cho kì thi THPT Quốc gia, em cũng dành một phần thời gian của mình cho chương trình chuyên của lớp Toán. Kết quả là năm lớp 11 em được chọn vào Đội dự bị Quốc gia môn Toán. Trong 2 năm học lớp 11 và 12, em liên tiếp đạt được giải Nhất kì thi học sinh giỏi cấp thành phố. Trong một kì thi thử đại học do nhà trường tổ chức, em cũng đạt được giải nhất khối A với 29.05 điểm.
Nhiều bạn bè thắc mắc tại sao Nghi lại chọn một ngành không liên quan gì đến toán vậy. Thế nhưng, Đoàn Lục Nghi nghĩ rằng: Trước hết đó là nghề mà em cảm thấy yêu thích nhất và thật sự thì toán bổ trợ rất nhiều trong cách tư duy của em. Nó giúp em có một tư duy chặt chẽ, có thể áp dụng vào việc ghi nhớ rất hiệu quả. Quan trọng hơn là rèn luyện cho em khả năng suy luận vấn đề, nhận định tình huống.
Bước vào ngưỡng cửa Đại học Y, với số lượng kiến thức rất nhiều, Đoàn Lục Nghi tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để hoàn thiện bản thân. Bởi đây là môi trường mới, nơi tiếp cận một khối lượng kiến thức lớn, rất cần thiết cho thực tiễn sau khi ra trường. Bên cạnh việc vùi đầu miệt mài với các loại sách chuyên môn trong trường, với những kiến thức hoàn toàn mới mẻ, Nghi còn tìm đọc các sách y khoa bằng tiếng Anh.
Đoàn Lục Nghi nói: “Với em, đó là một cách linh hoạt để rèn luyện, tăng cường thêm khả năng tiếng ngoại ngữ của mình. Mặt khác, quan trọng hơn là bổ sung nhiều kiến thức mới cập nhật ở các sách nước ngoài”.

Vốn tiếng Anh vững vàng đã giúp cho việc đi lâm sàng thực hành hàng ngày ở bệnh viện được thuận tiện hơn. Khi gặp một ca bệnh với các triệu chứng lạ hay một hướng xử trí mà Nghi thắc mắc tại sao sách vở không đề cập, thì việc tìm thông tin trên các cơ sở dữ liệu như Uptodate, BMJ Best Practice… hay các đầu sách chuyên ngành đã hỗ trợ em tra cứu nhanh và vận dụng trên thực hành tốt hơn.
Đoàn Lục Nghi ghi nhận: “Vào tháng 9/2019, trường Đại học Y Dược TP. HCM có mở hội thảo về cấp cứu, có mời đoàn thầy cô là các bác sĩ người bản xứ Mỹ về huấn luận kĩ năng hồi sức cấp cứu cũng như giảng dạy lí thuyết một ngày với sinh viên. Đó là là dịp mà tiếng Anh giúp rất nhiều cho em trong việc tiếp thu kiến thức cũng như trao đổi các thắc mắc trực tiếp với thầy cô. Đó quả là trải nghiệm khó quên trong thời sinh viên của em”.
Bên cạnh việc học Y, để bổ sung cho bản thân về những kĩ năng mềm trong giao tiếp và làm việc nhóm, Nghi còn tham gia vào câu lạc bộ tiếng Anh HEI của Đại học Y Dược. Em tham gia gần được 5 năm với hầu như các chương trình của câu lạc bộ với vai trò cộng tác viên.
Tìm về khung trời yêu thương
Từ lúc Đoàn Lục Nghi còn học cấp 2 rồi lên cấp 3 và trong 6 năm ở đại học, mỗi khi có được học bổng ở mỗi học kì, ngoài phục vụ cho việc học tập, em đều trích ra một phần để làm từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân nghèo ở nhiều bệnh viện như BV Nhi đồng, BV Ung bướu, chương trình Ước mơ của Thúy… Trong đó, Đoàn Lục Nghi còn cộng tác thường xuyên với Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy.

Mỗi lần nhận được thư cám ơn của Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, Đoàn Lục Nghi đều cảm thấy hạnh phúc vô cùng bởi dòng chữ “Nối nhịp sống, chở niềm tin” được gắn tại phòng. Thông điệp tuy ngắn nhưng vô cùng sâu sắc, ý nghĩa về tinh thần tương thân tương ái của các y, bác sĩ nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Đó chính là niềm tin như một mục tiêu mà Đoàn Lục Nghi muốn đóng góp một phần nhỏ sự cống hiến của bản thân, tiếp sức được cho bệnh nhân cho những bệnh nhân khó khăn dù là những đóng góp nhỏ.
Mỗi lần thực hành tại các bệnh viện, gặp các bệnh nhân, sau khi hoàn thành phần thăm khám hàng ngày cũng như ghi hồ sơ phụ các bác sĩ, Đoàn Lục Nghi thường đến hỏi thăm thêm về hoàn cảnh gia đình để thấu hiểu hơn về tâm tư của từng bệnh nhân. Nghi tâm niệm, mình đang điều trị một con người chứ không phải điều trị một căn bệnh, do đó việc thấu hiểu họ sẽ giúp em dễ dàng hơn trong việc chăm sóc cho bệnh nhân.
“Chưa kể những vấn đề về tài chính phần nào tác động đến lựa chọn phương pháp điều trị của thân nhân và bệnh nhân. Mỗi lần đứng trước các hoàn cảnh khó khăn khi cần một can thiệp cấp cứu mà không có chi phí đủ, em rất xót thương cho các bệnh nhân”- Đoàn Lục Nghi chia sẻ.

Đoàn Lục Nghi cho hay, mỗi lần đi thực tập, khi biết được các hoàn cảnh khó trong khoa mà bệnh nhân mới vừa vào bệnh việc còn bỡ ngỡ, em tận tâm hướng dẫn bệnh nhân cách liên hệ phòng công tác xã hội của bệnh viện để xem có thể thảo luận các giải quyết vấn đề khó khăn về tài chính. Chính vì vậy, mỗi ngày đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện của em là một ngày hết sức có ý nghĩa, vì ở đó em có sự chia sẻ và đồng cảm với nỗi đau của những người bệnh, những người đang đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Đoàn Lục Nghi đã dành ra hẳn một cuốn album để lồng vào những bức thư cám ơn của các bệnh viện. Trong những thời khắc rảnh rỗi, Nghi lại lần giở ra, xem lại và thấy ấm lòng hơn. Đó cũng là một trong những niềm hạnh phúc đong đầy của một bác sĩ tương lai, để Nghi có thêm động lực trong học tập và tích cực hơn nữa trong công tác xã hội-từ thiện mà em đã gắn bó suốt nhiều năm qua.
Đoàn Lục Nghi tâm sự: “Qua những trải nghiệm thực tế, em nhận thấy nghề y tuy vất vả nhưng lại vô cùng cao đẹp. Đó là nghề mà em có thể dùng kiến thức học được áp dụng vào thực tế để giúp đỡ mọi người”.
Con đường ở phía trước còn dài và ngày một khó khăn hơn nhưng Nghi tự nhủ sẽ cố gắng hết sức của mình tích góp thật nhiều kiến thức bổ ích để có thể áp dụng cho mai sau.
“Trước mắt, em sẽ phấn đấu để hoàn thành chương trình học năm 6 thật tốt để có những kiến thức làm hành trang sau này”- Đoàn Lục Nghi nói.
Khi nhắc đến Đoàn Lục Nghi, Ths. BS Lê Minh Hiển-Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy không giấu được cảm xúc: “Từ nhiều năm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, em Đoàn Lục Nghi đã đến Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy để giúp đỡ người bệnh nghèo. Giờ Nghi trở thành sinh viên y khoa trường Đại học Y Dược, em vẫn tranh thủ thời gian đến bệnh viện để giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, số tiền Nghi đem tặng cho bệnh nhân là tiền thưởng học sinh giỏi do trường và cơ quan của ba em khen tặng.
Phòng Công tác xã hội trân trọng cảm ơn tấm lòng của em cùng sự dạy bảo của thầy cô và gia đình dành cho em Nghi. Thay mặt người bệnh đã nhận được giúp đỡ của em, xin chúc em luôn mạnh khỏe, đạt kết quả tốt trong học tập. Mong em sớm trở thành một bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu lòng nhân ái”.
Ths. BS Lê Minh Hiển-Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy: Có rất nhiều tấm lòng khiến chúng tôi cảm động.
“Một trong những tấm lòng đó là một nhà hảo tâm nhỏ tuổi Đoàn Lục Nghi, đã nhiều lần giúp đỡ bệnh nhân nghèo của BV Chợ Rẫy, từ khi bạn ấy còn là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong,TP.HCM.
Mỗi lần nhận được học bổng, bạn đều mang đến bệnh viện. Bây giờ bạn đã là sinh viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Bạn ấy học rất giỏi. Năm nào cũng có 1-2 lần nhận học bổng. Lần nào có cũng mang vào đây giúp bệnh nhân nghèo".