Tấm ảnh trở thành biểu tượng cho dân tộc trong chiến tranh
Thời học sinh phổ thông, thế hệ chúng tôi hơn 40 năm trước đã quá quen thuộc với tấm ảnh nổi tiếng của nhà báo Phan Thoan và bài thơ “O du kích nhỏ” của nhà thơ Tố Hữu. Có nhiều năm liên tục, bài thơ này được đưa vào trong đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Tấm ảnh “O du kích nhỏ” là tác phẩm ảnh đen trắng của nhà báo Phan Thoan (quê ở Đức Thọ, phóng viên báo Hà Tĩnh). Tác phẩm mô tả hình ảnh một nữ dân quân du kích vóc dáng nhỏ bé, đội mũ cối, đang cầm súng, đi hiên ngang áp giải một phi công Mỹ to lớn hơn rất nhiều, đầu cúi thấp.
Người phụ nữ đó chính là bà Nguyễn Thị Kim Lai, quê xã Phong Phú, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh). Lúc đó bà mới 17 tuổi, chỉ cao 1,48m và nặng có 37kg. Người phi công Mỹ đó là Wiiliam Andrew Robinson, 22 tuổi, với sự đồ sộ về hình thể và trọng lượng, cao 2,2m và nặng 125kg.
Năm 1966, tấm ảnh trên được trưng bày tại một triển lãm ảnh toàn quốc và ngay lập tức thu hút sự chú ý, tạo nên sự xúc động mạnh của nhiều người xem. Nhà thơ Tố Hữu sau khi xem tấm ảnh đặc biệt đó đã đề tặng 4 câu thơ:
“O du kích nhỏ giương cao súng
Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu
Ra thế! To gan hơn béo bụng
Anh hùng đâu cứ phải mày râu!”.
Năm 1967, hình ảnh "O du kích nhỏ giương cao súng" được đưa lên tem thư của Bưu điện Việt Nam nhân dịp máy bay thứ 2.000 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Tem thư này được gửi đi 167 nước trên thế giới, trong đó có cả nước Mỹ.
Tấm ảnh ấn tượng đó trở nên nổi tiếng và truyền cảm hứng, tạo động lực cho cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tấm ảnh đã truyền đi thông điệp rõ ràng: Một dân tộc nhỏ bé nhưng với ý chí, quyết tâm sắt đá giành độc lập thì có thể khuất phục được cả một siêu cường hùng mạnh. Tấm ảnh cũng là một biểu tượng sáng chói của phụ nữ Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tác phẩm của nhà báo Phan Thoan còn đạt Huy chương Vàng tại cuộc thi ảnh của Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 9 tại Bungary năm 1968. Năm 2007, tác phẩm “O du kích nhỏ” được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, là một trong những kiệt tác của “Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam”.
Trở lại bối cảnh lịch sử của tấm ảnh, trong cuộc trò chuyện gần 2 giờ đồng hồ với tôi tại nhà riêng của “O du kích nhỏ”, bà Nguyễn Thị Kim Lai vẫn còn nhớ rất cụ thể, chi tiết.
Ngày 5/8/1964, Mỹ gây nên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc hậu phương với miền Nam tiền tuyến và muốn làm lung lay ý chí, quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân ta. Cùng với Ngã 3 Đồng Lộc (huyện Can Lộc) thì Hương Khê - quê hương của bà Lai cũng trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như nhiều chàng trai, cô gái khác ở xã Phú Phong, bà Nguyễn Thị Kim Lai xung phong vào đội dân quân du kích của xã, ban đêm đào công sự, ban ngày trực chiến.
Sáng ngày 20/9/1965, khi một máy bay phản lực Mỹ đang bắn phá cầu Lộc Yên thì bị súng phòng không của ta bắn trúng, bị bốc cháy. Phi công Mỹ nhảy dù xuống vùng rừng núi Hương Khê để ẩn nấp.
3 trực thăng Mỹ đã nhanh chóng bay đến để tìm kiếm phi công. Một trong 3 chiếc tiếp tục trúng đạn từ dân quân du kích Nông trường 20/4 khiến 3 phi công Mỹ phải nhảy dù để thoát thân.
Bà Nguyễn Thị Kim Lai cùng với dân quân du kích huyện Hương Khê đã gọi nhau trong đêm, chạy lên núi tìm bắt phi công, quyết không để chúng trốn thoát.
Đến 9h sáng ngày 21/9/1965, tại khu rừng xã Hương Trà, bà Lai phát hiện một phi công đang co ro, sợ hãi nấp mình trong hốc đá. Bà rất ngạc nhiên vì cơ thể người phi công quá to lớn nhưng bà cũng nhanh chóng trấn tĩnh và bắn 3 phát đạn chỉ thiên. Người phi công đó đã giơ tay đầu hàng và bị bắt đưa về Huyện đội Hương Khê.
Sau sự kiện đó, phi công William Andrew Robinson bị bắt làm tù binh, giam giữ 2.703 ngày, đến tháng 12/1973 thì được thả về nước.
Nữ du kích trở thành y tá
Một thời gian không lâu sau cuộc bắt sống phi công Mỹ, bà Nguyễn Thị Kim Lai được cử đi học một lớp y tá, rồi xung phong vào phục vụ chiến đấu mặt trận B5, miền Tây tỉnh Quảng Trị.
Năm 1971, bà xuất ngũ, về quê làm y tá ở Bệnh viện huyện Thạch Hà. Tại đây, cô y tá Kim Lai đã gặp anh thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị. Hai người đem lòng yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng. Ông bà có với nhau 3 người con gồm 2 gái, 1 trai.
Năm 1977, bà Lai chuyển công tác về Bệnh viện Đông y Hà Tĩnh làm cho đến lúc nghỉ hưu.
Khi trò chuyện với tôi, bà Kim Lai say sưa kể về thời gian làm y tá của bệnh viện. Bà nói, được chăm sóc, điều trị cho thương binh trong bệnh viện cũng là một hạnh phúc của bà.
Những ngày chiến tranh còn gian khổ, ác liệt trong mưa bom, bão đạn của chiến trường Khu 4, điều kiện khám và điều trị cho thương binh vô cùng thiếu thốn, bà Kim Lai và các y tá, điều dưỡng của bệnh viện phải thường hái lá chuối non cho các thương binh nằm để làm dịu đi các vết bỏng.
Năm 2005, chồng bà không may bị đột quỵ và mất. Bà một mình vất vả, tảo tần khuya sớm nuôi 3 người con ăn học, trưởng thành, lập thân, lập nghiệp, lập gia đình.
Cuộc hội ngộ của 2 người trong tấm ảnh
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, cả đất nước bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Đến năm 1995, Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, từ đó có những cuộc hội ngộ của cựu binh Mỹ với xứ sở mà họ từng gây tội ác.
Bất ngờ vào một buổi sáng tháng 9/1995, khi bà Kim Lai đang bồng đứa cháu sang nhà hàng xóm chơi thì nghe tiếng gọi về vì có người nước ngoài tìm gặp. Và người nước ngoài không hẹn mà gặp đó chính là người phi công 30 năm trước bà áp giải ở rừng núi huyện Hương Khê. Hai con người từng ở hai chiến tuyến đã gác lại quá khứ, cởi mở kể chuyện cho nhau nghe về cuộc sống, công việc, gia đình như những người bạn lâu ngày gặp nhau.
Trong cuộc hội ngộ hôm đó, ông William Andrew Robinson cho biết, từ lâu đã rất muốn trở lại Việt Nam để tìm gặp bà Kim Lai, nhưng điều kiện và hoàn cảnh chưa cho phép. Đến khi hãng truyền hình NHK của Nhật Bản mời ông sang Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu “Cuộc hội ngộ sau 30 năm” thì ông mới có cơ hội quay lại gặp bà Kim Lai.
Khi tâm sự về nỗi khổ và sự mất mát bởi chiến tranh, ông Robinson nói với bà Lai: “Chúng ta cầu mong để không có bức ảnh này lần thứ hai”; “Nếu như hồi đó, một trong 2 người chĩa súng bắn về đối phương, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”.
Khi tôi ngỏ ý muốn xem, chụp lại một số tấm ảnh, kỷ vật, huân huy chương kháng chiến của bà Kim Lai, bà bảo rằng: “Tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ so với sự hy sinh anh dũng của 10 nữ thanh niên xung phong ở Ngã 3 Đồng Lộc của quê hương Hà Tĩnh nói riêng và rất nhiều sự mất mát lớn lao của dân tộc vì nền độc lập tự do”.
Tới thăm bà Kim Lai trong tháng 7 linh thiêng, tháng của đất nước hướng về Ngày Thương binh, Liệt sĩ, tôi vô cùng xúc động khi được ôn lại câu chuyện năm xưa của “O du kích nhỏ”.
Hiện giờ, nữ thương binh hạng 4/4 ấy vẫn mang trong cơ thể những viên bi từ những loạt bom bi mà không quân Mỹ thả xuống. Bà vẫn thường xuyên đối mặt với những cơn đau khi trái gió, trở trời. Người y tá tận tụy với nhiều thương binh năm xưa ấy vẫn tiếp tục ngoan cường chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.
Trần Trung Hiếu