Gặp gỡ báo chí thông tin về Cuộc thi và Triển lãm ảnh “Chim hoang dã Việt Nam”

Minh Sơn – Thanh Việt|11:24 07/08/2023

(NADS) - Thực hiện Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư và các loài chim đặc hữu, với 63 vùng chim quan trọng toàn cầu và 07 vùng chim đặc hữu; các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. Hiện nay, ở nước ta đã ghi nhận được hơn 900 loài chim, trong đó 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kỳ nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe dọa.

s1(2).jpg
NSNA Đoàn Hoài Trung phát biểu tại buổi gặp gỡ

Để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư. Được sự bảo trợ của Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh (HOPA) - Sáng ngày 05/08, tại TP.HCM, đơn vị WildTour và Birdlife International với sự cộng tác của Chi hội Bảo tồn Chim Việt Nam (VBCS) tổ chức gặp gỡ báo chí thông tin về cuộc thi và triển lãm ảnh có chủ đề “Chim hoang dã Việt Nam”. Chủ trì có Ông Nguyễn Hoài Bảo – Giám đốc Wildtour (Trưởng ban tổ chức); NSNA Đoàn Hoài Trung – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (HOPA) (đồng trưởng BTC); NSNA Nguyễn Hồng Nga – PCT HOPA; cùng dự có đồng đảo đại diện các cơ quan thông tấn báo chí địa phương, trung ương dự đưa tin về buổi gặp gỡ…

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu đa dạng sinh học về chim nhất ở Đông Nam Á với hơn 900 loài đã được ghi nhận trong các hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam bao gồm Rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên các dãy núi Trường Sơn và Himalya, Rừng bán thường xanh trên đất thấp, Rừng rụng lá (Rừng khộp), Rừng trên núi đá vôi, Rừng thông… các hệ sinh thái ngập nước như rừng ngập mặn, rừng tràm, đồng cỏ, vùng ngập triều và biển đảo. Kể các vùng canh tác nông nghiệp cho đến khu công viên của các đô thị cũng là nơi để nhiều loài chim hoang dã sinh sống.

Việt Nam cũng là môi trường sống của hơn 250 loài di cư dọc theo Đường bay Đông Á-Úc, hàng năm các vùng đất ngập nước ven triều ở đồng bằng Sông Cửu Long và Sông Hồng, hai con sông quan trọng nhất của đất nước, là nơi trú ngụ của một số lượng đáng kể loài Cò thìa mặt đen và Rẽ mỏ thìa.

z4577233164579_2b63ea9b00bb7011ee316bf7421245fc.jpg

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ báo chí, Ông Nguyễn Hoài Bảo – Giám đốc Wildtour (Trưởng ban tổ chức) thông tin Việt Nam lại là nước có nhiều loài chim trở nên rất hiếm nhất và bị đe dọa tuyệt chủng nhất ở châu Á do nạn săn bẫy chim để lấy thịt hoặc nuôi kiểng.

Các hệ sinh thái để chim có thể sinh sống cũng đang dần biến mất do khai thác rừng, sử dụng nhiều hoá chất trong canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản… đã có nhiều loài chim dần biến mất khỏi Việt Nam trong hơn chục năm gần đây như Gà lôi lam, Quắm lớn, Quắm cánh xanh, Chân bơi, Công sấm và gần nhất là Sếu đầu đỏ, một biểu tượng của hệ sinh thái đất ngập nước vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã không còn được tìm thấy ở đây.

"Bất chấp áp lực cao đối với các loài chim hoang dã do bẫy, mất môi trường sống và các mối đe dọa khác, các nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam, đặc biệt là các loài di cư đã và đang đạt được những thành công nhất định trong những năm gần đây, với các luật và chính sách mới được Chính phủ ban hành. Trong khi đó, công chúng Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến các loài chim hoang dã và bảo tồn chim. Những nỗ lực của những người quan sát chim, các nhà bảo tồn và nhiếp ảnh gia thiên nhiên đã thu hút sự quan tâm đáng kể đến đa dạng sinh học, các loài chim đang bị đe dọa và các loài di cư", ông Nguyễn Hoài Bảo - Trưởng ban tổ chức khẳng định.

NSNA Đoàn Hoài Trung cho hay việc tổ chức “Cuộc thi ảnh về các loài chim hoang dã ở Việt Nam” là một trong các nỗ lực của những người làm công tác bảo tồn. Ban tổ chức cuộc thi mong muốn chọn ra các bức ảnh hay, những khoảnh khắc đẹp để triển lãm nhằm lan toả tình yêu thiên nhiên đến với công chúng đặc biệt là tình yêu đối với các loài chim qua đó góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về việc gìn giữ môi trường.

Khẳng định rằng, trong suốt thời gian qua đã có nhiều nỗ lực của Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, trong đó có các loài chim hoang dã, di cư cũng như các vùng chim quan trọng. Nhiều loài chim hoang dã, di cư được đưa vào danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật, như: loài sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, rẽ mỏ thìa…

z4577234815041_8e53dca498cf7eb893e1a304882e36bb.jpg

Tin rằng, thông qua cuộc thi, triển lãm ảnh sẽ góp phần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn, bắt, bẫy, bắn chim hoang dã, di cư; không mua, bán, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư...

Từ ngày 01/8/2023 đến ngày 30/8/2023: Tiếp nhận các tác phẩm dự thi. Từ ngày 01/9/2023 đến ngày 08/9/2023: Tổ chức chấm giải. Ngày 09/09/2023: Công bố kết quả ảnh triển lãm. Dự kiến Lễ trao Giải thưởng và Trưng bày triển lãm (ảnh được in khổ 60cm*90cm) sẽ tổ chức từ ngày 11/10/2023 đến ngày 16/10/2023 tại Trung tâm Thương mại SC VivoCity Thành phố Hồ Chí Minh. Với tổng giải thưởng 50.000.000VND (trong đó gồm: 1 giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba; 4 giải khuyến khích và 3 giải của các đơn vị tài trợ).

Cuộc thi do MAPLETREE tài trợ chính, cùng sự đồng hành của Lê Bảo Minh - Canon, Lexar.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Gặp gỡ báo chí thông tin về Cuộc thi và Triển lãm ảnh “Chim hoang dã Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO