Trong không khí hân hoan đón chào mùa xuân, cùng gặp gỡ các vị lãnh đạo là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam – những người góp phần tạo nên một diện mạo mới cho các hoạt động văn học nghệ thuật.
TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam: Năm 2023 là năm quan trọng, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều nội dung về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Hai năm thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 11/2021. Đây cũng là năm các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội được hơn nửa nhiệm kỳ. Là thời điểm văn học nghệ thuật nước nhà có nhiều hoạt động, kỷ niệm lớn và quan trọng.
Mặc dù vẫn có những khó khăn riêng theo đặc thù nhưng cùng với sự nỗ lực của các tổ chức thành viên cũng như của từng cá nhân văn nghệ sĩ, hoạt động văn học nghệ thuật trên cả nước nhìn chung vẫn có sự phát triển tích cực.
Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và Chính phủ áp dụng vào tình hình thực tế, đặc điểm của Văn học nghệ thuật, đã lãnh đạo toàn Liên hiệp hoạt động ổn định và từng bước phát triển. Coi trọng và phát huy tự do sáng tạo gắn với trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ, tạo được sự đồng thuận cao; chỉ đạo, điều chỉnh phương thức hoạt động phù hợp. Lấy chất lượng, hiệu quả trong việc tổ chức, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, khuyến khích đổi mới phương thức hoạt động Hội và sáng tạo, nghiên cứu, sưu tầm tác phẩm có chất lượng, ảnh hưởng tốt đến đời sống làm trọng tâm.
Hòa trong không khí chào đón năm mới, xin chúc toàn thể văn nghệ sĩ phát huy tốt hơn nữa vai trò là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, phát huy các giá trị văn hoá – tinh thần, bản sắc dân tộc. Đồng thời, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, toàn giới văn học nghệ thuật chúng ta cùng nhau vững bước trên chặng đường mới, cố gắng thúc đẩy văn học, nghệ thuật ngày càng khởi sắc, góp sức vào sự nghiệp xây dựng văn hóa, xây dựng con người, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
NSND, Họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Chúng ta đang ở trong giai đoạn văn học nghệ thuật có nhiều chuyển động mới. Với một năm 2023 đầy hứng khởi, các hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên diễn ra sôi nổi, theo đúng định hướng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; phát huy vai trò nòng cốt, chủ động, linh hoạt. Văn nghệ sĩ giữ được tinh thần chủ động, say mê và có tính trách nhiệm cao với công việc sáng tạo.
Năm 2024 cũng được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng của nhiệm kỳ, là năm bản lề để tiếp tục các hoạt động hướng tới tổng kết Văn học nghệ thuật 50 năm ngày đất nước thống nhất (1975 - 2025). Hoạt động này là dịp để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề đó một cách nghiêm túc nhất, cũng một đề tài tạo được cảm hứng nghệ thuật cho văn nghệ sĩ.
Hy vọng trong một mùa xuân mới, khi đã có được định hướng rõ ràng, hoạt động văn học nghệ thuật trên cả nước sẽ có sự khởi sắc hơn nữa. Sẽ có nhiều việc cần phải thực hiện, trong đó, việc đổi mới và nâng cao chất lượng Trại sáng tác theo hướng tổ chức Trại sáng tác theo chuyên ngành liên vùng, tạo sự giao lưu, trao đổi giữa các văn nghệ sĩ trong khu vực, tăng cường công tác thâm nhập thực tế cho tác giả dự Trại sáng tác và đặc biệt phải tìm ra được những tài năng nghệ thuật thực thụ là điều quan trọng và cần thiết.
Mong rằng văn nghệ sĩ toàn quốc, với tinh thần năm mới, năm con rồng sẽ thể hiện được sức mạnh Á Đông, sẽ có nguồn lực, cảm xúc mới để hoàn thiện những ý tưởng, chau chuốt tác phẩm để có thể công bố vào đúng dịp những sự kiện quan trọng của đất nước diễn ra. Chúc các văn nghệ sĩ có sức khoẻ tốt, có bản lĩnh vững vàng và tấm lòng chân thành, luôn giữ vững niềm đam mê trong quá trình sáng tạo của mình.
Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam: Trong năm qua, Đảng đoàn chỉ đạo Thường trực Đoàn Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về văn hoá, văn nghệ; phối hợp với các Ban, bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên.
Với những kết quả đạt được trong năm qua, văn học nghệ thuật góp phần quan trọng vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng con người, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, tạo bầu không khí lành mạnh trong xã hội, tạo niềm tin vào tiền đồ của đất nước, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ trong nhân dân.
Đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước luôn nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Tổ quốc, Nhân dân, phấn đấu xây dựng và phát triển nền Văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trong không khí hân hoan đón chào năm mới, chúc các văn nghệ sĩ sẽ viết nên những tác phẩm hay, giá trị, nói lên tiếng nói của đồng bào mình, của lịch sử, của cách mạng kháng chiến, của xây dựng và đổi mới ngày hôm nay, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sống động và chân thực. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới.
NSND Trịnh Thị Thuý Mùi, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố có nhiều hoạt động sôi nổi, chủ động, sáng tạo, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt về hoạt động chuyên ngành, triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra trong năm 2023 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, rộng khắp trong cả nước như: mở trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thực tế, các Hội thảo khoa học, tập huấn, giảng dạy chuyên sâu về nghiệp vụ; triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, liên hoan âm nhạc, múa, sân khấu…
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Các Hội Văn học nghệ thuật là đơn vị huy động, phát huy được sức mạnh của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, cần phải có một cách nhìn toàn diện có tính chiến lược để huy động được nhân tài, vật lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Để phát huy truyền thống vẻ vang của văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Văn nghệ sĩ cần nắm bắt thời cơ để thể hiện năng lực và sức bật trong nghiên cứu sáng tạo mới, hiện thực hóa đường lối của Đảng bằng tinh thần trách nhiệm và tài năng của người nghệ sĩ, từ đội ngũ sáng tạo đến đội ngũ biểu diễn và cống hiến hết khả năng, sức mình cho sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà.
Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta là nặng nề nhưng rất vẻ vang. Mỗi văn nghệ sĩ góp thêm một tia lửa sáng tạo để thắp sáng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn soi đường cho quốc dẫn ta, để văn hỏa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một lực lượng sản xuất trực tiếp, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng con người toàn diện, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển bền vững, phồn vinh và hạnh phúc.
Nhân dịp năm mới, xin chúc toàn thế giới văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình, cống hiến tài năng và tâm sức, đổi mới sáng tạo không ngừng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển bền vững đất nước.
NSNA Trần Thị Thu Đông, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam: Thời gian qua, hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật đã có bước phát triển mới, theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, hiện đại, từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của văn học nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, thì bối cảnh sáng tạo đã và đang chuyển đổi mạnh mẽ nhưng sự chuyển động của văn học nghệ thuật lại chậm chạp, nội dung nhiều tác phẩm còn sơ lược, hình thức diễn đạt vẫn theo lối mòn. Một số văn nghệ sĩ còn hạn chế về tiếp cận và nhận thức… chưa cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa, chiều sâu và tính phức tạp của quá trình chuyển biến mang tính lịch sử trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vị thế, uy tín, hình ảnh và tiềm lực của đất nước chưa lúc nào mạnh như bây giờ. Lực lượng văn nghệ sĩ chưa bao giờ đông đảo như hiện nay; tuy nhiên, làm nhiều, sáng tác nhiều nhưng chất lượng vẫn chưa thoả mãn được sự mong đợi của công chúng; những tác phẩm xuất sắc, thực sự để đời chưa xuất hiện.
Như vậy, sự phát triển về hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nhiều tác phẩm phản ánh chưa bao quát và sinh động truyền thống cách mạng hào hùng và thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới và hội nhập của dân tộc ta.
Có thể nói, văn học nghệ thuật Việt Nam đang ở vào một thời kỳ vô cùng quan trọng: thời kỳ dân tộc Việt Nam khẳng định mình trong điều kiện hòa nhập quốc tế rộng rãi mà trước đó chưa từng có. Bối cảnh ấy chính là bối cảnh để những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn ra đời.
Thời gian tới, để văn học nghệ thuật phát triển thật mạnh mẽ góp phần chấn hưng văn hóa theo tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 vừa qua, theo tôi phải áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Đổi mới tư duy, suy nghĩ, đổi mới cách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong khâu quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cũng cần có sự đột phá; xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng để văn nghệ sĩ phát huy tối đa năng lực sáng tác.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách các hoạt động văn học nghệ thuật; cải tiến các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như lương, nhuận bút, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp, chế độ hưu đối với trí thức, văn nghệ sĩ, cơ chế khuyến khích văn nghệ sĩ phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn học, nghệ thuật; đổi mới cách đầu tư cho sáng tạo văn học nghệ thuật và phương thức hoạt động chuyên môn.
Đổi mới tư duy công bố tác phẩm. Cần phát huy vai trò của truyền thông đại chúng, truyền thông mới và văn hóa số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật của người dân, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông.
Tiếp tục đổi mới đội ngũ lãnh đạo, quản lý từ các Bộ, ngành đến các tổ chức Hội. Xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ.
Tạo ra một cuộc vận động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật có quy mô toàn xã hội. Ưu tiên những tác phẩm thể hiện đề tài lớn đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Đầu tư lớn cho cuộc vận động này với những ưu đãi về vật chất có tính động lực để tạo một luồng gió mới cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng cùng vào cuộc để đưa cuộc vận động đến quảng đại nhân dân. Biến cuộc vận động thành một phong trào sâu rộng phổ biến trong phạm vi cả nước, lôi kéo được lực lượng chủ chốt của đội ngũ sáng tạo Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia.
Năm 2024 là một năm rất đặc biệt: kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024); chuẩn bị cho tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất… Vì thế, năm mới, chúc toàn thể văn nghệ sĩ cả nước nhiều sức khỏe, hạnh phúc, và nỗ lực nhiều hơn nữa để làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, tiến tới cùng cả nước kỷ niệm nửa thế kỷ đất nước thống nhất.
NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội: Có thể thấy, trong thời gian qua, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực; luôn có ý thức đoàn kết, trau dồi, nâng cao vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật, tích cực sáng tạo, lao động nghệ thuật.
Nhiều tác giả - gồm cả tác giả trẻ luôn tìm tòi sáng tạo hướng tới chân-thiện-mỹ và có những thành tựu rất đáng ghi nhận về nghệ thuật cũng như tinh thần hội nhập với thế giới, phát huy các giá trị di sản của dân tộc. Các văn nghệ sĩ là một đội ngũ gắn bó máu thịt với nhân dân, đoàn kết, nhất trí về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, thiết tha với văn hóa dân tộc, khao khát đổi mới để cống hiến có hiệu quả nền văn học nghệ thuật.
Năm 2023, mặc dù vẫn có những khó khăn riêng theo đặc thù, nhưng nhìn chung, hoạt động văn học nghệ thuật ở các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố được nâng lên một bước rõ rệt.
Trong đó, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ được giao, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội để xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô. Hội đã tham mưu tổ chức tốt các hoạt động văn học nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố, các hoạt động văn học nghệ thuật thường niên, hàng năm tổ chức hàng chục đoàn thực tế, trại sáng tác trong và ngoài Thành phố, tổ chức công bố hàng trăm tác phẩm mới; tổ chức nhiều hoạt động tọa đàm, hội thảo về nâng cao chất lượng sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật đạt hiệu quả cao; tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho hội viên, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng thế hệ trẻ; thăm hỏi, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ, kịp thời nắm bắt tư tưởng, giải quyết những vướng mắc nhằm phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo ra các sản phẩm văn học nghệ thuật có giá trị về tư tưởng, thẩm mĩ và giáo dục góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa – kinh tế - chính trị của Thủ đô; phối hợp, hỗ trợ các hội chuyên ngành trong tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố.
Nhân dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, xuân Giáp Thìn xin gửi đến toàn thể văn nghệ sĩ nước nhà lời kính chúc an khang - thịnh vượng, an lành và có nhiều thành công mới./.