Đặc trưng sợi Hủ Tiếu của Cần Thơ

Bảo Trân|18:41 18/12/2023

“Sợi hủ tiếu truyền thống màu trắng ngà có độ dẻo và dai cao rất thông dụng ở khu vực Tây Nam Bộ, người Sài Gòn thường sử dụng loại hủ tiếu trắng đục, độ giòn cao, chế biến thuận tiện hơn vì sợi có độ kết dính thấp”

Hủ tiếu – đặc sản của nền ẩm thực truyền thống phía Nam được chế biến từ các loại gạo khác nhau đã trở thành nét văn hoá đặc trưng lâu đời với người Nam Bộ.

2-4-.jpg
Công đoạn tráng bánh ... 

Giống như Phở của miền Bắc, mỳ Quảng của miền Trung, hủ tiếu của miền Nam rất thông dụng trong đời sống hằng ngày khi được chế biến thành hàng chục món ăn vô cùng đa dạng và phong phú.

Tại các làng nghề hủ tiếu truyền thống, mỗi nơi đều có bí quyết riêng để tạo ra sợi hủ tiếu đặc biệt khác nhau nhưng để làm ra thành phẩm thì đều phải qua các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đánh, cho vào lu nước quậy lấy tinh bột, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi, quan trọng nhất là phải chọn lựa gạo ngon.

3-3-(1).jpg
Sau khi được tráng thành bánh thì đem phơi nắng sao cho thật khô nhưng vẫn phải giữ được độ mềm...

Bên trong lò hủ tiếu có nhiều chiếc lu lắng bột, người thợ làm hủ tiếu phải miệt mài đứng bên bếp lò lửa hấp bánh bằng trấu, hơi nước bốc lên hoà cùng giọt mồ hôi vất vả, những mẻ bánh mới được phơi trên các liếp tre phảng phất nét đẹp giản dị vùng quê.

“Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về”

Thành phố Cần Thơ hiện nay rất nhiều cơ sở làm hủ tiếu, trong số đó lò của ông Sáu Hoài là một địa điểm lâu đời có tiếng ở địa phương. Ngoài hằng ngày sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường thì nơi đây còn kết hợp các chương trình tham quan, chứng kiến quy trình, trải nghiệm “nghề làm hủ tiếu” cho khách du lịch trong nước và nước ngoài.

5-2-.jpg

Bánh tráng qua công đoạn phơi thì đem vào máy cắt sợi thành hủ tiếu.

Ông Huỳnh Hữu Hoài (chủ cơ sở Sáu Hoài - là người có kinh nghiệm gần 50 năm làm hủ tiếu) cho biết: “Ẩm thực không chỉ có công thức là làm được món ăn ngon, muốn cạnh tranh được với các loại hủ tiếu công nghiệp khác bây giờ thì người thợ phải gửi vào đó tình yêu nghề, mong muốn khách hàng hài lòng với sản phẩm mình làm ra cộng thêm tay nghề lâu năm quen việc.”

6-1-.jpg

Theo ông Hoài, để tạo ra sợi hủ tiếu ngon, quy trình sản xuất đòi hỏi việc lựa chọn loại gạo có hàm lượng tinh bột cao. Gạo được đặt vào lu cùng với lá giang để lắng xuống và loại bỏ tạp chất. Tiếp theo, tùy thuộc vào sở thích ẩm thực của từng khu vực, ông pha trộn hàm lượng gạo theo tỷ lệ khác nhau, và mỗi loại hủ tiếu thường được nhuộm màu theo mùa rau củ, với tỷ lệ khoảng 20% cho mỗi lô sản xuất.

Ngoài ra, các món hủ tiếu chế biến sẵn tại cửa hàng còn đòi hỏi việc nấu nước dùng từ xương ống, gà ta và nước dừa tươi để tạo ra hương vị đặc sắc, điều này là đặc quyền chỉ có tại lò Sáu Hoài.

4-2-.jpg
Du khách nước ngoài đến tham quan lò hủ tiếu truyền thống Sáu Hoài tại Cần Thơ

Việc giới thiệu làng nghề cho khách du lịch không chỉ là cách mở ra cơ hội khám phá nét đẹp văn hoá mà còn là sự truyền đạt nét đẹp mộc mạc của nghệ thuật thủ công bản địa. Những làng nghề này không chỉ giữ lại giá trị văn hóa lâu dài mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương. Thay vì phải đi xa tìm kiếm việc làm, cư dân địa phương có thể dựa vào sức mạnh của nghệ thuật truyền thống để duy trì cuộc sống ổn định. Đồng thời, việc gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống cũng được thúc đẩy thông qua hoạt động làm nghề này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Đặc trưng sợi Hủ Tiếu của Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO