Chuyến đi trải nghiệm ở Bình Liêu

Chuyến đi trải nghiệm ở Bình Liêu

Tuyết Minh|16:01 17/11/2023

(NADS) - Bình Liêu là một huyện biên giới miền núi, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh; giáp với Lạng Sơn. Bình Liêu cách trung tâm thành phố Quảng Ninh hơn 100km, cách trung tâm Hà Nội gần 300km.

Bình Liêu có rất nhiều cột mốc nên được ví là “thiên đường” của các cột mốc. Vào tháng 10 – 11, những bông lau trắng muốt thắp sáng khắp Bình Liêu, tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp trong nắng, mang lại cảm giác thật tinh khôi, thật thơ mộng và cũng thật bình yên. 

vu-thanh-nam.jpg
Ảnh: Vũ Thanh Nam
gia-khanh.jpg
Ảnh: Gia Khánh

Đặc biệt ở Bình Liêu phải kể đến Sống lưng khủng long ở cột mốc 1305 không chỉ nổi tiếng với địa hình hiểm trở mà còn được mệnh danh là một trong những Sống lưng khủng long khó chinh phục nhất, nhì Việt Nam. Dọc đường biên giới, vẻ đẹp bạt ngàn của lau sậy, của các rừng keo, rừng hồi, rừng quế cùng phong cảnh Bình Liêu thật đẹp, hùng vĩ và lãng mạn với những ruộng bậc thang, các bản làng yên bình, thác Khe Vằn v.v… rất thu hút du khách. Thác Khe Vằn cao khoảng 100m, có ba tầng, mỗi tầng thác có một vẻ đẹp khác nhau rất hùng vĩ, mát mẻ. Tất cả tạo thành bức tranh thanh bình tuyệt đẹp, thật sống động khiến Bình Liêu càng thêm quyến rũ.

van-quang.jpg
Ảnh: Văn Quang

Cũng bởi vậy mà Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống tổ chức chuyến đi thực nghiệm và sáng tác ảnh tại Bình Liêu, Quảng Ninh trong ba ngày từ 09 – 11/11/2023. Tham dự chuyến đi lần này có hơn 30 thành viên do NSNA Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ nhiệm CLB làm Trưởng đoàn; NSNA Nguyễn Văn Hải – Phó Chủ nhiệm CLB, NSNA Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ nhiệm CLB NSNA, Nguyễn Gia Khánh - Ủy viên Ban Chủ nhiệm CLB làm Phó Trưởng đoàn.

z4871467116432_561aa7616f.jpg
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Sáng sớm 09/11, hai chiếc xe lớn bon nhanh trên đường đưa đoàn chúng tôi tới Bình Liêu. Sau hơn năm tiếng đồng hồ, chúng tôi tới thị trấn Bình Liêu khoảng 11h00 trưa. Ăn cơm trưa xong, đoàn nghỉ ngơi đôi chút và lại tiếp tục lên di chuyển tới Công Homestay ở bản Chuồng, xã Lục Hồn, Bình Liêu. Ông trời thật biết chiều lòng người, trời Bình Liêu thật trong xanh, nắng đẹp và có chút gió của ngày chớm Đông. Xung quanh Homestay là những cánh đồng lúa vàng óng ả khiến cảnh vật nơi đây càng nên thơ. Sau khi nghỉ trưa, khoảng 13h45 đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường. 

z4864863951821_f51ade89de32fbb7d7ce1cf71da55f13.jpg
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là cột mốc 1297. Từ cột mốc 1297, chúng tôi có thể ngắm nhìn và chụp toàn cảnh vùng đất đẹp nên thơ bởi những bông lau trắng muốt lung linh nhẩy múa trong nắng đầu Đông khiến cảnh vật nơi đây như tiên cảnh. Cả đoàn tỏa ra khắp nơi, mỗi người chọn cho mình góc chụp ưng ý nhất. Cảnh vật nơi đây thật bắt mắt khiến tất cả anh chị em trong đoàn, ai nấy đều hân hoan, rạo rực mà chẳng thấy mệt mỏi sau chặng đường dài. Đoàn chúng tôi say sưa sáng tác và cũng không quên chụp ảnh lưu niệm chuyến đi. Mặt trời đã khuất sau núi mà dường như chưa ai muốn về, họ cố nán lại để chộp thêm những khoảng khắc đẹp nơi đây.

Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống
bc516f441ff74.jpg
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Sáng sớm hôm sau đoàn chúng tôi tới xã Húc Động tham quan và chụp ảnh dây chuyền sản xuất miến dong của dân tộc Sán Chỉ. Được biết trước đây, bà con nơi đây chủ yếu chế biến miến dong theo cách truyền thống, máy móc rất thô sơ, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao và gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, UBND xã Húc Động vận động bà con thành lập hợp tác xã, cùng nhau góp vốn đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến miến dong để nâng cao năng suất. Nhờ chuyển đổi từ cách làm miến truyền thống sang sản xuất hiện đại không chỉ góp phần nâng cao thu nhập mà còn giữ được an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Sau đó chúng tôi tới thác Khe Vằn ở xã Húc Động. Thác Khe Vằn được mệnh danh là thác nước đẹp nhất Quảng Ninh với ba tầng thác. Thác được bắt nguồn từ suối Lục Ngù thật mềm mại tựa làn khói sương huyền ảo. Bà con nơi đây kể rằng ngọn thác có tên Khe Vằn vì theo tiếng địa phương thì “Vằn” nghĩa là khói, còn “Khe Vằn” là khe nước có khói. 

Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Vâng, khi đến nơi, chúng tôi được hưởng không khí trong lành, mát mẻ; nghe âm thanh dịu êm từ thác nước đổ xuống như dải lụa mền mại; chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ giữa núi rừng đại ngàn khiến người nào người nấy đều bấm máy liên hồi. Tiếng tạch, tạch, tạch… liên hồi của máy ảnh khiến không khí nơi đây càng thêm sinh động. Không chỉ đoàn chúng tôi mà bất kỳ du khách nào tới đây không thể không bấm máy kỷ niệm… Tất cả khắc họa nên một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp, lãng mạn làm say đắm lòng người. 

sy-tan.jpg
Ảnh: Sỹ Tân

Buổi chiều cùng ngày, đoàn chúng tôi di chuyến đến sân vận động của xã Húc Động được chiêm ngưỡng và chụp ảnh các cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng – một trong những nét độc đáo, đặc sắc rất riêng của Bình Liêu. Chứng kiến những cô gái dân tộc Sán Chỉ mặc váy, vấn khăn đá bóng với vẻ đẹp duyên dáng, cá tính cũng như tinh thần thể thao khiến chúng tôi vô cùng thích thú và ngạc nhiên. Chúng tôi như bị hút hồn vào trận đấu, đôi khi còn quên cả chụp ảnh. Bóng đá nữ nơi đây theo thể thức sân 07 người, mỗi trận đấu kéo dài 40 phút. Các nữ cầu thủ đều mặc váy truyền thống của dân tộc Sán Chỉ. Khi thi đấu một đội mặc áo màu xanh đậm, đội đối phương mặc áo xanh nhạt để dễ phân biệt. 

z4871331177260_aef7575b0e2118c0a8d7899bf9a1a568.jpg
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Ngày thứ ba của chuyến đi, đoàn chúng tôi đến chợ Đồng Văn thuộc xã Đồng Văn thưởng thức món phở xào nổi tiếng nơi đây. Thật kỳ diệu, một cô gái người Tày tên Vũ Thị Xuân làm từ A đến Z. Cô gái luôn tay từ đun bếp, tráng bánh phở, thái bánh phở, thái thịt, rau, hành… rồi xào phở cho khách mà không có người phụ. Một cô gái thật đảm và nhanh nhẹn khiến chúng tôi thi nhau chụp cảnh tượng khá lạ mắt, chụp các công đoạn tráng bánh và xào phở.  

do-thuoc.jpg
Ảnh: Đỗ Thược

Sau khi thưởng thức món phở xào nơi đây, chúng tôi lên xe tới bản Moóc, xã Đồng Văn. Bản Moóc là bản còn nguyên sơ của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán. Tới nơi, đoàn chúng tôi vào bản săn các cảnh sinh hoạt của bà con nơi đây. Phụ nữ Dao Thanh Phán thường quấn chiếc khăn màu đỏ trên đầu với các hoạ tiết bắt mắt, rất duyên dáng, e thẹn của thiếu nữ vùng cao. Đối với phụ nữ khi lấy chồng phải cạo trọc đầu, cạo lông mày và đội chiếc hộp nhỏ màu đỏ phủ khăn lên trên. 

pham-van-thang.jpg
Ảnh: Phạm Văn Thắng

Người dân nơi đây cho biết trang phục của người Dao Thanh Phán có màu sắc rực rỡ vì họ đã quan niệm màu sắc sặc sỡ khiến thú dữ sẽ hoảng sợ không dám gây hại đến mình. Phụ nữ Dao Thanh Phán rất cần cù, chịu khó nên lúc rảnh rỗi họ thường thêu thùa bất cứ đâu ngay cả trên đồng ruộng hoặc đồi núi. Với đôi tay khéo léo làm ra những bộ trang phục truyền thống rất độc đáo, rất đặc trưng của phụ nữ Dao Thanh Phán.   

Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Cuối cùng của chuyến đi là Cửa khẩu Hoành Mô là điểm cuối quốc lộ 18C, nối tiếp qua đường tràn tại bãi Đồng Mô trên sông Đồng Mô, thông thương sang cửa khẩu Động Trung ở thành phố cảng Phòng Thành tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đoàn chúng tôi ghé thăm và chụp ảnh lưu niệm tại đây. 

Có chuyến đi trải nghiệm và sáng tác ảnh ba ngày ngắn ngủi như thế này vô cùng bổ ích và hiệu quả. Đồng thời giúp cho các thành viên Câu lạc bộ trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hiểu nhau hơn và cùng nhau sáng tác được nhiều tác phẩm đẹp, có giá trị, góp phần vào nền nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. 

z4866005627773_24.jpg
Ảnh: CLB Nhiếp ảnh Khoa học và Cuộc sống

Có thể nói một chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm đẹp, ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc, thơ mộng đầy quyến rũ nơi chúng tôi đã qua sẽ mãi in đậm trong tâm trí đoàn chúng tôi. Những hình ảnh ấy đã góp phần làm nên chuyến đi trải nghiệm, sáng tác ảnh lần này thật đáng nhớ.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chuyến đi trải nghiệm ở Bình Liêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO