Chương trình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu tại Kon Tum

Bài và ảnh: Hoàng Đình Chiểu|20:44 24/02/2024

(NADS) - Nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, tối ngày 23/2, tại nhà rông văn hóa làng Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện và Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum đã tổ chức Chương trình nghệ thuật Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” và Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện (24/3/1994 – 24/3/2024).

Đến dự có bà Y ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; ông Hà Tiến, Chủ tịch UBND huyện; bà Phạm Thị Thương, Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà; ông Đinh Su Giang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh; NSƯT Phạm Văn Hân, Phó chủ tịch Hội VHNT, đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các hội viên Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc làng Kon Trang Long loi.

dsc_6390.jpg
NSƯT Phạm Văn Hân, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh khai mạc chương trình
dsc_6378.jpg
Bà Y ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành đến dự

Đêm thơ Nguyên tiêu diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc như diễn ngâm, đọc thơ, xen lần các tiết mục văn nghệ. Đây là dịp để các nhà thơ, văn nghệ sĩ nói chung thể hiện tình yêu quê hương, yêu vùng đất và người trên Cao Nguyên Kon Tum đầy nắng và gió qua ngôn ngữ thơ ca. Đêm thơ là một trong những hoạt động văn hóa đầu xuân hàng năm do hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức thường niên, là cầu nối tinh thần giữa người sáng tác và người yêu thơ. Qua đó động viên các nhà thơ chuyên và không chuyên nuôi dưỡng tâm hồn thơ, tiếp tục sáng tác, cống hiến cho đời, góp phần thi vị hóa đời sống. Nhân dịp này Hội VHNT tỉnh đã trao quyết định kết nạp cho 4 hội viên mới.

dsc_6394.jpg
bà Phạm Thị Thương, Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà phát biểu chào mừng chương trình được tổ chức trên địa bàn huyện

Phát biểu khai mạc Chương trình nghệ thuật đêm thơ Nguyên tiêu Giáp Thìn năm 2024, NSƯT Phạm Văn Hân, phó chủ tịch Hội VHNT cho biết: Từ xa xưa đã có rất nhiều thi sĩ yêu trăng như Mãn Giác Thiên Sư, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Du, Cao Bá Quát…làm nhiều bài thơ hay về Nguyên tiêu. Và đặc biệt Tết Mậu Tý, năm 1948 tại núi rừng chiến khu Việt Bắc, nhà thơ Hồ Chí Minh, mặc dù rất bận việc quân, việc nước, nhưng trước xuân trăng dạt dào thi hứng, dẫn mạch như sóng trào, Người đã viết bài thơ Nguyên tiêu bằng chữ Hán:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch là:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Giữa dòng bàn bạc việc quân,

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.

dsc_6398.jpg
Ông Đinh Su Giang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đọc quyết định kết nạp hội viên mới
dsc_6407.jpg
Ông Đinh Su Giang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh trao quyết định và tặng hoa cho các hội mới 

Đây là một trong những bài thơ hay nhất của thi ca Việt Nam viết về xuân. Từ cảm xúc sâu sắc qua bài thơ Nguyên tiêu của nhà thơ Hồ Chí Minh đã khơi dậy những cảm xúc thi ca giàu triết lý nhân văn của đất nước ngàn năm văn hiến “lắm anh hùng, nhiều nghệ sĩ”. Và kể từ năm 2003, rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành Ngày Thơ Việt Nam theo quyết định của Hội nhà văn Việt Nam.

dsc_6414.jpg
Bà Y ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum tặng hoa cho các tác giả có tắc phẩm được trình bày tại chương trình

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, bà Phạm Thị Thương, Ủy viên Ban thường vụ huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết thông qua Ngày thơ Việt Nam được tổ chức trên địa bàn huyện nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của toàn dân; đồng thời cũng là không gian để các nhà yêu thơ, nhạc, cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện có điều kiện trình bày, biểu diễn, giao lưu những tác phẩn thơ, nhạc, quý khán giả gần xa xích lại gần nhau hơn, là cầu nối nuôi dưỡng tâm hồn thơ, nhạc để gửi gắm những nổi niềm tâm sự đến với quê hương, đất nước, với cuộc sống đời thường và niềm tin tưởng, hy vọng hướng tới tương lai; để vui sống với đời, cống hiến cho đời, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp, ý nghĩa.

dsc_6419.jpg
Các tác giả tự trình bày tác phẩm của mình
dsc_6380.jpg
Chương trình đã thu hút nhiều người đến xem

Đất nước Việt Nam là một quốc gia văn hiến, con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu thích thơ ca. Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ và đề cao các giá trị văn hóa văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là thơ ca, và coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội. Từ ngàn đời nay, nhân dân ta luôn coi văn thơ là chữ của Thánh hiền, là sản phẩm vô giá của mỗi dân tộc. Thơ cà Việt Nam luôn đồng hành cùng lịch sử đất nước. là biểu hiện của ý chí và tinh thần dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi; “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và là những áng thơ trở thành kiệt tác của nhân loại và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.      

dsc_6417.jpg
Bà con dân làng Kon Trang Long loi đến xem chương trình

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXII, Nguyên tiêu Giáp Thìn được Hội Nhà Văn Việt Nam thống nhất lấy tên gọi là “Bản hòa âm đất nước”, nghĩa là một cuộc sống đoàn kết, vui tươi, hạnh phúc, phát triển đi lên như một bản hòa ca muôn màu của con người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước, cũng như là ngày hội của những vẻ đẹp đời sống và văn hóa đặc sắc đã và đang tồn tại từ bao đời nay của các dân tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên thông qua thơ ca.

dsc_6454.jpg
Các tiết mục biểu diễn của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh 

Chương trình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu tại Kon Tum với chủ đề “Bản hòa âm đất nước” và Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện (24/3/1994 – 23/4/2024) đã góp phần khơi dậy, bồi đắp và nuôi dưỡng tình yêu thơ ca, tình yêu cuộc sống đối với đồng bào các dân tộc trong tỉnh; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua lao động sản xất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chính là sự tôn vinh những giá trị đích thực của thơ ca – những sản phẩm tinh thần không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Góp phần đứa sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật lên một tầm cao mới theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”./.    

dsc_6420.jpg
dji_0914.jpg
các tiết mục chào mừng chương trình

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Chương trình nghệ thuật Đêm thơ Nguyên tiêu tại Kon Tum
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO