Cùng tham gia đoàn có lãnh đạo Văn phòng Hội Nghệ sĩ Nhiếp Việt Nam, Chi hội NSNAVN tại Nghệ An, Văn phòng Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống khu vực Bắc Trung bộ.
Trước linh hồn các Anh hùng Liệt sĩ, với tấm lòng thành kính, Chủ tịch Hội NSNAVN Trần Thị Thu Đông cùng đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng Liệt sĩ trên “tọa độ lửa” Truông Bồn. Đồng thời cầu mong cho linh hồn đời đời bất diệt của các Liệt sĩ được siêu thoát, phù hộ, độ trì cho Quốc thái dân an, ấm no hạnh phúc; Sự nghiệp Nhiếp ảnh nước nhà ngày càng khởi sắc, hội nhập, phát triển.
Truông Bồn là một đoạn đèo dốc có chiều dài 5km nằm trên tuyến đường chiến lược 15A đi qua địa phận xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An). Cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Nơi đây, là mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nơi máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Nơi in dấu những bước chân sục sôi chiến đấu, tuổi thanh xuân của hàng chục vạn thanh niên. Những cô gái, chàng trai đã mang tuổi mười tám, đôi mươi của mình đi vào chiến tranh lửa đạn; các anh, các chị đã bước vào hiểm nguy với khát vọng mang lại hòa bình, thống nhất cho đất nước.
Chỉ tính từ năm 1964 - 1968, giặc Mỹ đã trút xuống nơi đây gần 20.000 quả bom các loại, hàng chục nghìn quả tên lửa. Trung bình mỗi km đường đã phải hứng chịu hơn 4.000 quả bom. Đặc biệt là tinh thần chiến đấu quả cảm và hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP Đại đội 317 đã ngã xuống vào rạng sáng 31/10/1968 đã viết nên trang sử bi tráng trên mảnh đất quê hương. Đây là sự kết tinh cao đẹp nhất tinh thần yêu nước, của ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm, của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình, để viết nên 1 huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX.
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống đổi thay mạnh mẽ ngay trên mảnh đất bạc màu hoà lẫn máu xương của thế hệ cha anh đi trước đã và đang được hồi sinh. Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn có diện tích 217.327m2, công trình được khởi công ngày 27/10/2012, hoàn thành ngày 7/8/2015.
Tháng Tư trở về Truông Bồn thắp nén tâm hương, tri ân Liệt sĩ, đoàn Hội NSNA Viêt Nam đều có cùng cảm nghĩ, Khu Di tích tuy mới gần 7 năm đi vào hoạt động, nhưng nơi đây đã có hơn 2000 loại cây quý được chăm sóc chu đáo, với nhiều loài hoa rực rỡ, tỏa hương thơm ngát, trong đó Hoa sim, Hoa mua là biểu tượng trên mảnh đất Truông Bồn như một sự tri ân, tiếp nối của sự sống trên mảnh đất anh hùng, đây cũng là địa chỉ tâm linh, tạo nguồn sáng tạo nghệ thuật cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Truông Bồn đã và đang là điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền cả nước, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trước đó đoàn đã đến thăm quê nội, quê ngoại Bác Hồ tại Khu di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Thành kính dâng nén hương thơm, bó hoa tươi thắm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSNA Trần Thị Thu Đông cùng đoàn đại biểu bày tỏ lòng biết ơn vô hạn và lòng kính trọng sâu sắc đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Trước bàn thờ thiêng liêng, NSNA Trần Thị Thu Đông nguyện hứa không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người, ra sức xây dựng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đoàn kết, sáng tạo góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...