Các nghệ sĩ hồi niệm về đại dịch Covid – 19

Hoàng Râu - Y Việt|11:11 27/10/2022

(NADS) - Hoài niệm về Sài Gòn trong mùa dịch, rất nhiều nghệ sĩ đã đồng cảm được sự mất mát, đau khổ của những người dân. Có lúc gần như cạn kiệt về tinh thần lẫn vật chất, các nghệ sĩ vẫn cố gắng đi tận hang cùng ngõ hẹp nhằm góp chút sức mình để chia sẻ với bà con.

Hơn một năm sau những ngày đại dịch Covid-19, có dịp ngồi nhớ lại những ký ức đau buồn, những cái tên Quyền Linh, Hồng Tơ, Lý Hùng, Việt Hương sẽ làm khán giả nhớ mãi... 

Quyền Linh  

viet1.jpg

Hình ảnh của anh một mình một xe lưu hành khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Sáng 6 giờ lên xe lấy hàng rồi giao hàng cho hàng ngàn bà con. Anh gần như xông thẳng vào những nơi hẻo lánh nhất, nguy hiểm nhất để tìm cách giúp người nghèo hiệu quả nhất.

Với tấm lòng và uy tín của mình, Quyền Linh xin tài trợ có, lấy tiền túi cũng có. Có lúc anh tự thân một mình vì không phải ai cũng "tự do" được như anh. Có đêm khi về nhà, sau khi tự diệt khuẩn, anh tự nấu mì gói ăn vội rồi ngã lăn dưới sàn nhà như xả hết những mệt nhọc của một ngày đường chiến đấu.  

Anh xuất hiện khắp nơi, làm tất cả những gì có thể làm được cho cộng đồng. Phát quà, làm MC kết nối giữa lãnh đạo với người dân, cùng góp sức với các bác sĩ đầu ngành y tế, rồi tuyên truyền vận đồng để người dân ý thức với dịch bệnh. 

Mới đây anh còn tham gia chương trình giúp đỡ nạn nhân có người thân mất đi vì Covid - 19. Thấy anh tả xung hữu đột khắp vùng nguy hiểm, ai cũng tưởng anh ngon lành, vậy mà anh thỏ thẻ: "Tôi cũng già rồi, huyết áp cũng trồi sụt thất thường, ăn uống qua loa vì công việc quá ư tấp nập... Nhưng cũng phải ráng vì còn rất nhiều người cần mình". Anh luôn là người như thế!

Quyền Linh bảo: "Càng đi càng thấy thương cho những hoàn cảnh đã khó nay lại càng khó hơn. Sài Gòn đã thấm mệt, không ai có thể nghĩ rằng Sài Gòn bệnh nặng như thế. Cũng may, có rất nhiều sự yêu thương lan tỏa khắp từng con hẻm nhỏ, giúp người dân hồi sinh mạnh mẽ. Có những đêm nghe điện thoại của mẹ tôi từ dưới quê gọi lên: "Con ơi làm gì thì cũng phải nhớ, con còn có mẹ già, con thơ... lỡ con có bề gì mẹ sẽ sống sao đây? Rồi tôi nghe tiếng khóc nấc nghẹn từ trong điện thoại của mẹ, tôi như nhói cả con tim...".

Nhưng rồi cũng phải xông pha và cố gắng, làm riết rồi... ghiền và cứ thế tôi vẫn cứ làm trong một niềm tin: Sài Gòn sẽ có ngày khởi sắc. Ngày đầu Thành phố bỏ lệnh phong toả, lần đầu tiên khi tôi bị kẹt xe ngay đầu cầu Quận 7 tôi đã la to trong sung sướng: "Trời ơi kẹt xe đã quá, thành phố của tôi đã sống lại rồi...". 

Thái Ngọc Sơn tôi như người mất định hướng

 

viet2.jpeg

Trầm ngâm bên ly cà phê ông nhớ lại: "Nhà tôi lúc đó có 5 người, thì hết 4 người bị F0. Sự lo lắng và sợ hãi đã ám ảnh tôi cả ngày lẫn đêm. Trước nhà thì giăng dây, cả khu phố thì hàng rào chi chít, con đường vắng tanh lạnh lẽo khủng khiếp mỗi khi đêm về. Tôi như người mất định hướng, bao hoài bão như tan biến, hai chữ vô thường cứ ẩn hiện vì người chết nhiều lắm. Tôi phải làm gì? Chẳng biết làm gì cả, mắt cứ mòn mỏi theo từng giờ, từng ngày và chỉ còn duy nhất là phải sáng tác để chế ngự những giọt nước mắt đang chực chờ rơi xuống. 

Nhưng tâm trí đâu mà viết... mất tập trung hoàn toàn và mãi đến khi tiếng ho của bà xã bớt dần rồi hình ảnh các y bác sĩ tuyến đầu, lực lượng tình nguyện viên không ngại hy sinh chăm sóc bệnh nhân khiến tôi cảm phục, quý mến và tinh thần bắt đầu phấn chấn. Tôi quyết phải làm gì đó nên quên nỗi sợ hãi này. Và ca khúc 'Sài Gòn ơi' đã ra đời như một viên thuốc tinh thần tuyệt vời nhất. "Sài Gòn ơi, phố đìu hiu vắng lặng, im lìm - Sài Gòn ơi quán buồn then cài như đồng hoang nhuộm úa…

Khi tôi viết xong tôi nhờ nhạc sĩ Võ Thanh Liêm phối nhạc, nhờ con gái của Liêm là Ánh Ngọc hát. Thế là tôi quay hình, tìm tư liệu dựng MV trong một tâm trạng bồi hồi lẫn sung sướng. Có lẽ đây là ca khúc đặc biệt nhất trong đời tôi, vì nó giúp mình chế ngự được nỗi sợ hãi và tăng cường niềm tin dân mình sẽ vượt qua đại nạn. Và như các bạn thấy, Sài Gòn mình ngày nay đã khởi sắc và đáng yêu hơn.

Thầy giáo Thái Dương và ca khúc Sài Gòn tôi sẽ 

viet3.jpeg

Chưa bao giờ nhận mình là nhạc sĩ, nhưng sáng tác của vị thầy giáo này đã đi thẳng vào con tim của bao người trong mùa dịch. Chưa được ai gọi anh là ca sĩ, nhưng khi Thái Dương hát, anh đã làm thổn thức hàng triệu con tim.  

Hình ảnh Quyền Linh thất thểu từng bước chân trong thành phố vắng tanh, rồi vang lên lời hát: Những dây giăng mắc khắp mọi nơi, như đang buộc trói tâm hồn tôi. Tiếng xe còi hú nghe tả tơi nghe tả tơi, Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy, sẽ không có dây, phố thưa lại đầy, Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời. Sẽ ôm siết nhau, bắt tay, vui mừng.... Đây là những lời hát trong sáng tác “Sài Gòn tôi sẽ” mà trong một lần giao lưu trên sóng HTV Quyền Linh đã thú nhận: "Tôi xin lỗi nhạc sĩ vì tôi đã lấy ca khúc này quay Clip nhưng không hề xin phép. Lúc đó tôi đã nhờ nhiều người "truy tìm" tác giả Thái Dương nhưng không được". Tôi tự nhủ: "Trong nhiều bài hát về covid, không hiểu sao lòng tôi lại cảm bài này vô cùng, nếu như gặp được người sáng tác tôi nhất quyết sẽ trả bản quyền bằng những... đòn bánh tét thật ngon, chứ lúc đó tôi làm gì có tiền mặt!". 

Riêng thầy giáo Dương không giấu nỗi vui mừng khi được gặp thần tượng là chú Quyền Linh. Thầy giáo bày tỏ: "Khi TP.HCM giãn cách, tôi tìm đến âm nhạc như để giải toả những tâm tư của mình. Tôi sáng tác và đưa ca khúc lên trang Facebook như để tự an ủi mình, nhưng không ngờ khán giả dành rất nhiều lời động viên khen ngợi khiến mình phấn chấn hẳn lên. Và tôi cũng không ngờ, chú Quyền Linh lại "tự ý" lấy ca khúc đó làm nhạc, rồi chú còn minh hoạ luôn, nói thật cảm xúc như tăng bội phần và tôi xin cảm ơn chú Quyền Linh đã giúp cho ca khúc ấy đến được với nhiều người hơn. Nó như liều thuốc bổ cho nhiều người trong những ngày đại dịch. 

viet3-1.jpeg

Hồng Tơ - Nhờ Covid – 19 tôi thấy mình cần phải thương nghệ sĩ nhiều hơn

viet4.jpeg

Biết tôi muốn nhắc đến những ngày covid, anh vào đề ngay: "Giờ vẫn còn rùng mình nè, kinh khủng khiếp quá. Sống hơn 60 năm của đời người, lăn trầm bôn ba với bao trường hợp nhưng chưa lần nào tôi thấy đời vô thường đến thế. Anh em, bạn bè đồng nghiệp tôi mất nhiều lắm. Phi Nhung, gia đình nghệ sĩ Bạch Mai rồi Ngô Quốc Linh... nhiều lắm. Đó là những người đã mất, riêng những người đang sống, nhất là nghệ sĩ lớn tuổi, ngoài chuyện bệnh tật thì chuyện cơm áo gạo tiền cứ ám ảnh triền miên. 

Tôi may mắn được nhà báo Khổ Gia trường kết nối với nhiều mạnh thường quân để kết nối chiếc cần câu cơm cho nghệ sĩ nghèo. Cũng từ ngày đại dịch ấy, anh em chúng tôi đã thường xuyên tổ chức chương trình Trao cần cầu cơm cho nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay đã hơn 20 chương trình rồi. 

Lần nào cũng rất ấm cúng và tràn đầy sự yêu thương, chúng tôi làm với một tinh thần xoa dịu những nỗi đau và mất mát từ dịch covid gây ra. Qua cơn đại nạn này, việc chúng tôi còn nhìn thấy nhau là còn ý thức phải yêu thương và cần phải chia sẻ nhiều hơn. Đó là tâm trạng của tôi trong những ngày hết dịch.

viet4-1.jpeg

Quốc Thịnh - Tôi bật khóc khi nhìn thấy họ 

Ngay từ những ngày đầu chống dịch, anh đã bắt đầu công việc tiếp tế cho những hoàn cảnh khó khăn tại các khu cách ly, các hẻm phong tỏa. Ròng rã nhiều tháng trời, Thịnh tự đổ xăng, mang quà cho bà con từ sáng đến tối mịt mới về tới nhà. 

quoc-thinh.png

Mới đầu chỉ nghĩ giúp vài lần, nhưng sau đó các mạnh thường quân thấy anh làm nên nhờ anh chuyển giúp bà con. Và trong hoàn cảnh trớ trêu ấy, Quốc Thịnh, một cascadeur tên tuổi, một đạo diễn lành nghề bổng dưng trở thành anh shipper bất đắc dĩ, suốt ngày cứ rong rủi khắp Sài Gòn. Quốc Thịnh bồi hồi nhớ lại: "Có cụ già, cứ la nga lóng ngóng trong điện thoại nhờ tôi cứu vì quá đói. Nhưng khổ nỗi người ấy nói không thành lời, cứ tiếng được tiếng mất, như người mất hơi trầm trọng. Điều này khiến tôi càng cố gắng liên lạc, mãi đến khi gặp được họ trong một con hẻm sâu, đang nằm trên chiếc xe lăn... Thấy tôi họ đã chấp tay xá và lạy tôi, nhìn cảnh đó tôi đã bật khóc vì không thể tưởng tượng được trên đời này, sao lại có người khổ như như thế... Đến giờ ngồi nghĩ lại,cảnh một người mẹ 3 đứa con phải vất vưởng ngoài đường vì không có tiền đóng nhà trọ... tôi đau nhói cả người, vì sao đau khổ như cứ ập vào người nghèo mãi như thế...

Đạo diễn Xuân Phước đoạt giải âm nhạc trong mùa Covid - 19

Đó là trường hợp hy hữu của đạo diễn Xuân Phước người được mệnh danh là làm phim nhanh nhất Việt Nam. Cũng như bao người trong mùa dịch, Xuân Phước là người khởi xướng những buổi ăn cho anh em nghệ sĩ nghèo, sau đó tìm đến những gia đình đồng hương đang lâm vào cảnh khó khăn giúp đỡ. 

Những ngày bị "nhốt" trong nhà, tin tức hình ảnh người bệnh và những tình nguyện viên đang lao vào tâm dịch cứu người. Anh nghĩ mình cũng phải làm cái gì đó... Anh cho biết: "Tôi không phải là nhạc sĩ, chỉ học sáng tác nhạc chút chút nên thỉnh thoảng viết lại cảm xúc của mình trên từng khuôn nhạc. Và ca khúc Sài Gòn mùa thương với tôi không đơn thuần là bài hát mà còn là một kỷ niệm rất riêng, vì khi đối mặt với đại dịch, tôi cảm nhận được tình cảm của mình dành cho Sài Gòn. Ca khúc được tôi viết trong một hoàn cảnh đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nên cũng chạm đến trái tim người nghe. Và khi hay tin ca khúc này đoạt giải, tôi thấy mình cũng lâng lâng niềm hạnh phúc. Một mùa covid đáng sợ và đáng nhớ đối với tôi.

Lý Hương chỉ mong đại dịch qua mau

ly-huong.jpeg

Với tôi trận dịch vừa qua là một điều kinh khủng. Mọi việc như ngưng trệ, con người như không còn thấy nhau, việc đi lại mua sắm như một việc gì xa xỉ. Chứng kiến nhiều cảnh đời khốn khổ, nhiều người thân ra đi trong bất ngờ, việc sống đó, chết đó sao mà mong manh hơn bất kỳ thứ gì trên đời này.

ly-huong(1).jpeg

Trước cơn dịch như thế, gia định tôi luôn tự động viên nhau phải cẩn trọng và luôn sẵn sàng trong tâm thế giúp người. Ba mẹ tôi vốn là dân võ nên tính cách nghĩa khí cao lắm, làm được thì giúp người được. Trong mùa dịch, việc vận động và ủng hộ bệnh viện các thiết bị y tế có giá trị là điều rất thiết thực để cứu người. Trước giờ gia đình tôi luôn âm thầm làm, nhưng trong mùa dịch chúng tôi lại muốn công bố việc ủng hộ nhằm lan toả lòng mình đến những nhà hảo tâm, hãy chung tay góp sức cứu giúp nhau cùng vượt qua khó khăn này. Tôi tự hào khi được tiếp nối truyền thống làm từ thiện của ba mẹ, xem đó là niềm vui của mọi người cũng là niềm vui của mình".


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Các nghệ sĩ hồi niệm về đại dịch Covid – 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO