Bàn về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam

Vũ Văn Cảnh|11:08 19/08/2024

(NADS) - Công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong chiến lược phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, nhằm thực hiện khát vọng đưa dân tộc Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, làm cho văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, hoàn thành sứ mệnh của mình là “soi đường cho quốc dân đi”.

W_01.jpg
Hội xòe ở Mường Lò, Nghĩa Lộ, Yên Bái.

Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam, phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc ngảy 24/11/ 2021 tại thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu phải tập trung thực hiện thật tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ“xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh”.(1)

“Công nghiệp văn hóa” là thuật ngữ sử dụng cho các ngành công nghiệp kết hợp sự sáng tạo, sản xuất và thương mại hóa các nội dung sáng tạo. Những nội dung này về bản chất mang tính phi vật thể văn hóa, được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới hình thức sản phẩm hay dịch vụ. Thuật ngữ này khởi phát từ những khái niệm mới như các ngành kinh tế sáng tạo (creative industries), các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries), khởi nghiệp (start-up). Nhà kinh tế học John Howkins (nước Anh) khởi xướng khái niệm nền kinh tế sáng tạo (creative economy) như một gợi ý về việc sử dụng những tiềm năng sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mởi.

W_02.jpg
Tam quan chùa Kim Liên (Hà Nội).
W_03.jpg
Lễ hội làng Trung Văn ( Hà Nội).

Các ngành công nghiệp văn hóa thể hiện rõ xu thế kinh tế và văn hóa thấm sâu, thẩm thấu và hòa quyện vào nhau, là kết hợp của các yếu tố chính như: sáng tạo, cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại. Từ đó có thể sản sinh ra các sản phẩm văn hóa đem lại lợi ích kinh tế. Công nghiệp văn hóa là sự ứng dụng của những tiến bộ công nghệ - thông tin và kỹ năng kinh doanh, sử dụng nguyên liệu đầu vào là năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn trí tuệ, để tạo đầu ra là các sản phẩm - dịch vụ văn hóa, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa ngày mạnh mẽ và đa dạng của người dân.

 Hiểu một cách khái quát, công nghiệp văn hóa là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ cùng với kỹ năng kinh doanh, sử dụng dụng năng lực sáng tạo từ nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân (2).

Năm 2005, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua Công ước về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Công ước này xác định các quốc gia có quyền chủ quyền về văn hóa và khuyến khích các quốc gia xây dựng các chính sách, hệ thống luật pháp để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của mình. Công ước nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một công cụ để bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa. Tinh thần này đã được các quốc gia thành viên hưởng ứng, và tạo nên một phong trào xây dựng chính sách, luật pháp về văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các chính sách liên quan đến phát triển.

Cụm từ công nghiệp văn hóa xuất hiện trên thế giới từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhưng mãi cho đến những năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries) mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay ngành công nghiệp văn hóa với một số nước thì họ không còn xa lạ, nó trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và có những đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành thu nhập lớn và xuất khẩu sang các nước khác để thu ngoại tệ. Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ví dụ:  Ở Anh, công nghiệp văn hóa đã tạo ra thu nhập khoảng 112,5 tỷ bảng/năm, đóng góp 5% GDP, chiếm 10 - 15% thị phần công nghiệp văn hóa thế giới. Ở Hồng Kông (Trung Quốc) 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo, Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành công nghiệp văn hoá tầm cỡ, điển hình như viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ các tác phẩm truyện này, làm anime, và làm các game từ các tác phẩm... trung bình doanh thu của họ đã lên đến 2 tỉ USD/năm. Ở Hàn Quốc, một quốc gia cũng không kém cạnh so với Nhật Bản, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp trên toàn cầu..Vì thế mà các tác phẩm này rất được ưa chuộng trên thế giới. 

W_04.jpg
Cổng làng Yên Phụ ( Hà Nội).

Sản phẩm và dịch vụ của mỗi ngành công nghiệp văn hóa có đặc điểm riêng, nhưng về cơ bản, các ngành công nghiệp văn hóa có quy trình hoạt động chính: sáng tạo, sản xuất, phân phối dịch vụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa.

Quan điểm về phát triển công nghiệp văn hoá của Đảng ta được hình thành từ năm 1986, qua văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, văn kiện các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương và được khẳng định cụ thể tại Nghị quyết Trung ương 05/NQ-TW khóa VIII về xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trương khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết đã xác định:“Phát triển công nghiệp văn hoá nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hoá, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hoá. Tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hoá, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội phát triển. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hoá và công nghiệp văn hoá”(3). Có thể nói, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đã thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về vai trò của văn hoá khi khẳng định sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam. 

Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Chính phủ đã khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Chỉ rõ 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Du lịch văn hóa là những ngành nằm trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. 

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”  đã nêu bật 4 quan điểm phát triển: Một là, Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; Hai là, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa; Bà là, Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng; Bốn là, Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh:“Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hoá và dịch vụ văn hoá trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hoá Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hoá, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”(4). Đặc biệt, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 đã thực sự gợi mở cho sự phát triển của một ngành công nhiệp mới, ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.

Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa được xem như một khâu đột phá trong phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, giúp chúng ta phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện khát vọng phát triển Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(5). Trong công cuộc đổi mới hiện nay mà nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) kéo theo và buộc nền kinh tế Việt Nam phát triển theo xu thế của thời đại là hội nhập quốc tế, dần hình thành một nền kinh tế tri thức. Đây là xu thế không thể đảo ngược, đòi hỏi chúng ta nhìn nhận và có chính sách phù hợp, tổ chức tốt, hợp quy luật để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa. Coi đây là yếu tố sáng tạo - nguồn lực lớn nhất cho sự phát triển của quốc gia, là một xu thế lớn hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hoá đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới. Khi văn hóa được quan tâm thì việc sáng tạo văn hóa sẽ có giá trị cao hơn. Khi mà các tác phẩm văn hóa có giá trị cao sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trở thành mũi nhọn trong nền kinh tế quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, cho nên công nghiệp văn hóa có khả năng tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức và lối sống của người tiêu dùng. Công nghiệp văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân và phát triển nền văn hóa của mỗi quốc gia; đồng thời nó còn là kênh hữu hiệu để truyền bá các thông điệp văn hóa của mỗi quốc gia đến với cộng đồng quốc tế. Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI) đã xác định nhiệm vụ là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này,coi đây là một vấn đề hết sức quan trọng và được xác định là một trong những khâu đột phá trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

So với các nước, sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn mới, nhưng chúng ta lại có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, tiềm năng văn hoá kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Điều đó có nghĩa rằng, để hình thành một ngành công nghiệp văn hóa, chúng ta phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo, khai thác giá trị văn hóa của dân tộc, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh.

Lợi thế của chúng ta là con người Việt Nam luôn cần cù, sáng tạo và tài năng của người Việt Nam mà thực tiễn đã được đã khẳng định ở nhiều lĩnh vực. Với bề dày lịch sử, qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, trong quá trình đó đã tạo ra cho nước ta một kho tàng đồ sộ về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... bên cạnh đó, còn sở hữu vô số những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu (quan họ, ca trù, hát xoan, cải lương, tuồng, chèo, ví giặm…). Cùng với đó là cộng đồng 54 dân tộc anh em sống trên dải đất hình chữ S, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, đoàn kết, sáng tạo, đã giao thoa và tạo ra một nền văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú. Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hoá nghệ thuật vừa tôn vinh văn hoá dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hoá nghệ thuật. Ở các địa phương của Việt Nam, đều là những vùng đất giàu tài nguyên văn hóa. Mỗi vùng, miền đều có những bản sắc riêng, câu chuyện lịch sử riêng. Vấn đề là làm thế nào để biến những tài sản văn hóa đó thành sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch để thu hút du khách đem lại giá trị kinh tế. Từ những tiềm năng, lợi thế này, nếu ta biết tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam chắc chắn sẽ xây dựng thành công các ngành công nghiệp văn hóa.

 Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự dồi dào của hàng hóa, dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo. Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Thực tiễn ở nước ta, từ lâu cũng đã hình thành một số thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa như: điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ... Song song với thị trường trong nước, thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới cũng đạt kết quả tốt với nhiều sản phẩm có chất lượng. Không thể phủ nhận những dấu ấn phát triển của một số thị trường sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa, tuy nhiên cũng cần thừa nhận một thực tế là các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam chưa đa dạng, chưa phong phú, kém hấp dẫn, thiếu tính độc đáo nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm chưa khai thác tối ưu đặc sắc văn hóa bản địa, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các thị trường quốc tế. Dù chúng ta có những nỗ lực và thành công nhất định nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hoá nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hoá cho sự phát triển bền vững.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ có khi Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 8/9/2016 của Chính phủ về “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, cùng với những thay đổi tích cực của cơ chế chính sách đã góp phần thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa Việt Nam có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 5 năm triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số thành tựu nhất định, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh. Tổng hợp số liệu từ Tổng cục Thống kê, Báo cáo định kỳ 2016-2019 Công ước UNESCO và  Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, một số kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam  như sau: Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt trung bình 6,81% từ 2016 đến 2019. GDP bình quân đầu người: 2.786 USD, thuộc nhóm thu nhập thấp; Đóng góp GDP của các ngành CNVH: 2,44% GDP (2010); 3,5% GDP (2015); 3,61% GDP (2018) (tương đương 8.081 tỷ USD) Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực văn hoá: 1.72% (2009); 3,45% (2015); 3,5% (2018); 5,0% (2019); Số lượng doanh nghiệp văn hoá năm 2019 là 97.167 doanh nghiệp; Không gian văn hoá sáng tạo ngoài công lập: 40 không gian (2017); 195 không gian (2021); Cả nước hiện có: 115 đơn vị văn hóa nghệ thuật công lập (12 ở trung ương và 103 ở địa phương); 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật; Xuất khẩu sản phẩm văn hoá: 2019: 2.494.075.077,00 (USD;  Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hoá sáng tạo thường niên 2003- 2015: 17,9%; Giá trị xuất khẩu hàng hoá sáng tạo Việt Nam: 2015: 837.014,65 triệu USD.

Ngày 22/12/2023, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Thủ tướng chính phủ đã kết luận  6 vấn đề: Thứ nhất, đã có sự thống nhất chung trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện qua các nghị quyết, chiến lược, văn bản chỉ đạo, từ đó nhận thức chung trong xã hội về phát triển công nghiệp văn hóa đã được nâng lên. Thứ hai, các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công nghiệp văn hóa được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình và bối cảnh mới. Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung 4 luật (Luật Điện ảnh (2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (2022); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (2020); Luật Kiến trúc (2019) và ban hành 4 nghị định liên quan đến công nghiệp văn hóa (Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Nghị định số 23/2019/NĐ-CP ngày 26/02/2019 quy định về hoạt động triển lãm). Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Thứ ba, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển KT-XH chung của đất nước. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021đạt 3,92% GDP; năm 2022 tăng lên 4,04% GDP. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả; nhiều ca sĩ Việt đạt hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube hay được yêu thích trên các nền tảng số khác trong và ngoài nước. Thứ tư, ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Giai đoạn 2018 - 2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao, ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70.000 cơ sở kinh tế). Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh ở mức 7,4%/năm (hiện thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế). Thứ năm, mô hình tổ chức đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp, chuyên nghiệp, bài bản, nhất là cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Thứ sáu, xây dựng mạng lưới liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công nghiệp văn hóa được chú trọng, đạt được kết quả bước đầu. Mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo trong nước và quốc tế dần hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu về các di tích văn hóa - lịch sử, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, bảo tàng được đẩy mạnh xây dựng, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.

Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước. Thời gian tới, để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp văn hóa,Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung vào 6 vấn đề: Một là, phát triển công nghiệp văn hóa phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ, các nghị quyết chuyên đề, Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hai là, phát triển công nghiệp văn hóa phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phải được đặt trong tổng thể phát triển KT-XH, kết nối các hoạt động sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật với sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa, dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Công nghiệp văn hóa phải được tiếp cận bình đẳng với các ngành công nghiệp khác về tiếp cận vốn, đất đai, thuế và các ưu đãi khác.Ba là, phát triển có trọng tâm, trọng điểm công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại. Bốn là, phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hóa phải gắn liền với phát triển du lịch. Năm là, các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải đảm bảo đáp ứng được các yếu tố "Sáng tạo - Bản sắc - Độc đáo - Chuyên nghiệp - Lành mạnh - Cạnh tranh - Bền vững", trên nền tảng "Dân tộc - Khoa học - Đại chúng" theo Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Sáu là, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phải đồng bộ, quyết liệt, kiên trì, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách có tính chất đột phá nhằm chuyển hóa tài nguyên văn hóa "tiềm năng" thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có khả năng cạnh tranh cao.

Chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa; chủ động, phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí), để đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa thành mũi nhọn trong nền kinh tế đất nước là một nhận thức hoàn toàn đúng đắn của Đảng ta và được thể hiện cụ thể trong các văn kiện Đại hội Đảng và các nghị quyết chuyên đề. Sự chỉ đạo của Chính phủ hết sức quyết liệt và hoàn toàn đúng hướng. Tiềm năng lợi thế  nhiều nhưng trong quá trình vận động và phát triển ngành công nghiệp văn hóa đang gặp phải nhiều khó khăn, thử thách. Khó khăn đầu tiên phải nói đến nhận thức, quan niệm của xã hội trong đó có những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều người quan niệm văn hóa chỉ là  các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đơn giản chỉ là văn nghệ, mà chưa nhận thức đầy đủ văn hóa là tổng thể các vấn đề xã hội. Đặc biệt là tiếp cận về Công nghiệp văn hóa ít, chưa nhận thức được vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa với sự phát triển đất nước; Ngành văn hóa cũng như cả nước  đã qua một thời gian dài bao cấp, cho nên từ các tổ chức và cơ quan nhà nước cũng như cá nhân nghệ sĩ thiếu năng động, dửng dưng  với nền kinh tế thị trường Chính vì vậy, để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các tổ chức và cơ quan nhà nước cần phải có sự đổi mới toàn diện hơn để có một cách tiếp cận tích cực với thị trường, theo đúng tinh thần của Chính phủ mới hướng đến kiến tạo, khởi nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; Sự thiếu hụt giáo dục kỹ năng sáng tạo và khởi nghiệp là thách thức lớn khác đối với sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đất nước chúng ta có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp văn hóa, nhưng lại thiếu hụt các điều kiện để tài năng phát triển, yếu về cách thức tiếp cận thị trường, hạn chế lớn trong việc cạnh tranh thương mại;  Thiếu sự liên kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa. Thiếu các cơ chế thích hợp cho sự thành công của công nghiệp văn hóa.

Để các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược đến năm 2030 đóng góp 7% GDP, trong thời gian tới cần phải quan tâm thực hiện những điểm sau: Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, tập trung vào hoàn thiện chính sách thúc đẩy sự phát triển và khai thác có hiệu quả tài nguyên văn hóa Việt Nam (tài nguyên văn hóa được thể hiện ở các lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, giải trí, tài sản văn hóa, lối sống (ăn,ở, mặc,..); chính sách đào tạo và thu hút nhân tài; chính sách hợp tác công – tư. Thứ hai, lựa chọn phát triển những ngành có tính chất tập trung lao động dựa trên cơ sở tri thức, tạo ra việc làm và nguồn thu nhập cao. Thứ ba, phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, thúc đẩy tính liên ngành; mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận những thành tựu phát triển của thế giới. Thứ tư, phát huy tối đa lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển hạ tầng công nghiệp văn hóa, gia tăng khả năng tiếp cận của đại chúng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng. Thứ năm, tập trung nguồn lực đầu tư một số trung tâm công nghiệp sáng tạo của Việt Nam, có chính sách riêng đối với những trung tâm này nhằm thu hút các tài năng sáng tạo công nghiệp văn hóa và thuận lợi hơn trong công tác quản lý.

Là một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, bản thân tôi rất phấn khích, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Có quan điểm, có đường lối đúng đắn của Đảng cùng vợ sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, chắc chắn ngành công nghiệp văn hóa sẽ phát triển, sẽ là mũi nhọn trong mền kinh tế quốc dân./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Bàn về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO