Trâu trong đời sống, văn hoá Việt Nam

Trâu trong đời sống, văn hoá Việt Nam

17:21 18/02/2021

NAĐSO - Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.

"Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".

Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca dao chan chứa tình cảm này. Có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa con người với loài vật hiền lành này được lưu truyền trong dân gian.

Được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên trâu cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa của người Việt Nam. Trong các hang động Thấm Khuyên, Phai Vệ, Kéo Lèng (Lạng Sơn), hang Hùm (Hòa Bình), Thẩm Òm (Hà Tĩnh)…, đã tìm thấy hóa thạch loài trâu sống thời tiền sử, cách đây 200 - 300 thế kỷ. Tại những di chỉ thời đồ đá mới (cách đây 60 - 100 thế kỷ), đã thấy nhiều vật trang sức, bùa đeo, đồ dùng được chế tác từ xương, sừng, da trâu, thậm chí cả những tượng đẽo, tranh vẽ, hình khắc về trâu của người Việt cổ.

Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó của người với trâu. Nhưng có lẽ chính quá trình lao động bên nhau cùng những nét tương đồng về số phận, tính cách giữa người nông dân và con trâu mới là yếu tố quan trọng khiến cho trâu và người trở thành đôi bạn thân thiết, thủy chung. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục", trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, chỉ người có sức khỏe, người ta thường nói "khỏe như trâu". Trâu cũng thông minh, "tinh quái" ra phết, biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí.

Có lẽ chỉ ở một vùng có nền văn minh nông nghiệp lúa nước lâu đời mới có những phong tục, lễ hội như chọi trâu, thi trâu, đâm trâu, tạ ơn trâu… như ở nước ta. Và như một lẽ tự nhiên con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc và nhiếp ảnh… Thật khó lòng thống kê hết các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến hình tượng con trâu. Trong kí ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chú bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh Đông Hồ nổi tiếng, bài đồng dao "Ai bảo chăn trâu là khổ?" rồi con trâu trong các bài thơ của các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh. Giữa cảnh "Gió sắc tựa gươm mài đá núi./ Rét như dùi nhọn chích cành cây", người tù vĩ đại Hồ Chí Minh vẫn tìm thấy sự thanh thản, ung dung trong hình ảnh "Trẻ dẫn trâu về, tiếng sáo bay". Trong số báo Tết năm Tân Sửu này, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chùm ảnh về con trâu, người bạn thủy chung của con người trong lao động, trong cuộc sống đời thường.

Kết thúc một năm 2020, với nhiều khó khăn và thử thách gây ra bởi dịch bệnh, thiên tai. Trong năm tới, biểu tượng con Trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển chắc chắn và vững chãi trong giai đoạn chuyển mình sang năm thứ 2 chống dịch. Hi vọng rằng năm Tân Sửu 2021, với tinh thần của loài trâu, đất nước sẽ kiên cường đẩy lùi được dịch bệnh và dần hồi phục nền kinh tế.









Ảnh: Hoàng Thạch Vân, Nguyễn Thành Luy, Phạm Hữu Linh
Bài: Quang Hồ


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Trâu trong đời sống, văn hoá Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO