Từ Muay Thái đến Muay Thái tại Việt Nam

Trần Hải|17:54 06/04/2023

(NADS) - Bắt đầu từ 9/4/2023 này, Giải Muay Thái mang tên Đạt Hòa Championships do Công ty TNHH Nhựa Đạt Hòa tổ chức sẽ bắt đầu khởi tranh tại TP Hồ Chí Minh, giải sẽ chung kết vào trung tuần tháng 10/2023. Cùng trở lại những câu chuyện về môn võ cổ truyền này của Thái Lan và hành trình vào Việt Nam.

7resized.jpg
Các CLB Muay Thái tại Việt Nam tham gia giải đấu

Môn võ huyền thoại của xứ Chùa Vàng

Một trong những điều đặc biệt, nổi tiếng và đem lại tiếng vang cho Thái Lan chính là Muay Thái - môn võ cổ truyền đình đám xứ chùa vàng. Theo một số tài liệu ghi nhận, vào năm 1700, bộ môn này đã phổ biến và là hình thức chiến đấu cổ xưa của một bộ phận dân tộc đúc kết qua các cuộc chiến.

Còn trong cuốn The Art of Fighting - một tài liệu do ba võ sư Thái Lan viết lại - kể chi tiết về quá trình hình thành và lịch sử hoạt động bộ môn này. Theo đó, Muay Thái bắt đầu xuất hiện vào khoảng thời gian từ năm 1781, dưới thời Sukhothai.

4resized.jpg
Võ sỹ Muay Thái thi đấu những năm đầu thế kỷ trước

Đế chế này lúc bấy giờ đã thường xuyên phải chống chọi các cuộc tấn công của những dân tộc láng giềng. Như một lẽ tất yếu, người Thái Lan khi đó phải rèn luyện các kỹ năng chiến đấu.

Ngoài binh khí chủ yếu gồm kiếm, giáo, cơ thể con người cũng được xem như công cụ trong một số tình huống cận chiến. Đây cũng là cơ sở để phát triển các kỹ thuật đấm, đá, sử dụng đầu gối, cùi chỏ của Muay Thái sau này.

Dưới thời bình, các thanh thiếu niên Thái Lan đã luôn tập luyện Muay và coi đó như một cách rèn luyện nhân cách, song song với sự tự vệ đơn thuần. Bộ môn này còn được đưa vào giảng dạy trong cả Hoàng gia Thái Lan lúc bấy giờ và xem như một nghệ thuật đỉnh cao.

Trải qua hàng nghìn năm tồn tại với một số thời kỳ như Ayutthaya, triều đại vua Naresuan, Prachao Sua, Nai Khanomtom, Thonburi, Ratanakosin, các thời vua Rama…, Muay Thái trở thành loại hình nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia. Vào đầu thế kỷ 20, môn võ này thường được công diễn phục vụ trong các lễ hội hay đền đài tráng lệ.

2resized.jpg
Các võ sỹ Muay Thái làm lễ trước trận đấu

Muay Thai là môn thể thao có tính cách tâm linh và theo đúng nghi thức tôn giáo cao cả. Võ sĩ được các vị sư dạy dỗ tài nghệ, ban cho một danh xưng riêng, được sáp nhập vào các danh sách các đệ tử thọ giáo nơi võ đường. Trước giờ giao đấu, các võ sĩ tranh tài cúi mình cung kính quay về hướng nơi mình chào đời (nghi thức này được gọi là Ram Muay), sau đó quay theo bốn hướng, để tỏ lòng tôn kính các bậc thầy cố sức huấn luyện và thần linh võ đài (nghi thức này được gọi là Wai Kru).

Mặc dù hiện thời không thấy rõ, nhưng võ sĩ Thái mỗi lần lên đài đều quấn một sợi dây thừng nhỏ quanh đầu của mình đúng như truyền thống. Theo niềm tin xa xưa, sợi dây thừng quấn quanh đầu võ sĩ có thể cất đi trong sàn đấu do các vị hướng dẫn hay các vị sư dạy võ đảm trách, các vị này là người ban phúc lành cho võ sĩ trước khi trận đấu bắt đầu.

1resized.jpg
Các võ sỹ Muay Thái làm lễ trước trận đấu
3resized.jpg
Các võ sỹ Muay Thái làm lễ trước trận đấu

Hành trình vào Việt Nam

Muay Thái có mặt ở VN từ bao giờ? Khó để biết chính xác, nhưng một số bậc tiền bối võ thuật trước năm 1975 cho biết Muay Thái đã xuất hiện tại miền Nam vào đầu những năm 1950. Gần nửa thế kỷ sau, vận động viên Việt Nam được cử đi dự thi môn này tại Sea Games 19 và một số giải quốc tế khác. Từng có thời điểm Muay Thái bị loại khỏi các trận tranh tài trong khu vực nhưng đã được khôi phục khi tháng 10/2004, khi Liên đoàn thể thao Đông Nam Á chấp nhận bổ sung môn này vào Sea Games 23.

Có thể chia khoảng thời gian phát triển Muay tại Việt Nam theo 2 giai đoạn: 1994-2009 và từ 2010 đến hiện tại. Vốn là môn võ khá mới lạ với người hâm mộ Việt Nam, Muay ban đầu xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Nam. Một trong những địa phương đầu tiên phát triển Muay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ pháp và kỹ thuật ra đòn của Muay có nhiều điểm tương tự Võ cổ truyền Việt Nam. Tuy nhiên, những võ sĩ Muay thế hệ đầu tiên của Việt Nam không chỉ xuất phát từ Võ cổ truyền. Họ còn là những võ sinh Boxing, Taekwondo, Pencak Silat và muốn thử sức ở những môn võ khác. Vào khoảng đầu thập niên 90, họ đã thi đấu nước ngoài ở các giải đấu như SEA Games và ASIAD, nơi Muay là môn võ biểu diễn.

5resized.jpg
Những đòn đánh đẹp mắt của Muay Thái
6resized.jpg
Những đòn đánh đẹp mắt của Muay Thái

Tại ASIAD 1998 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) ngoài những tấm huy chương khác, Việt Nam còn có 1 HCB ít được nhắc tới của Muay. Võ sĩ mang về tấm HCB ASIAD môn Muay năm đó là VĐV Giáp Trung Thang, người trước đó giành HCĐ Muay thế giới 1996 trên đất Thái Lan.

Sau thành công tại ASIAD 1998, Thái Lan bắt đầu vận động đưa Muay vào chương trình thi đấu chính thức SEA Games. Nhưng với Việt Nam, sau tấm HCB ASIAD 1998, Muay phải mất thêm 1 thập niên nữa để phát triển mạnh mẽ. Bước nhảy vọt đánh dấu Muay Việt Nam chuyển mình chính là Asian Indoor Games 2009.

Trong những năm mới hình thành và phát triển, Muay Việt Nam đã đạt được một số thành tích nhất định trên đấu trường quốc tế như 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng Asian Games 1998 lần lượt của 2 VĐV Giáp Trung Thang (hạng 51kg), Nguyễn Quốc Trung (hạng 54kg). Tuy nhiên, khi đó, các vận động viên tham dự theo hướng không chính thức do được tổ chức tại sự kiện với tư cách môn thể thao biểu diễn (không tính huy chương toàn đoàn).

Mãi đến năm 2009, Tổng cục Thể dục thể thao mới thành lập bộ môn Muay và đội tuyển quốc gia tham dự Đại hội thể thao châu Á trong nhà Asian Indoor Games 3 do Việt Nam đăng cai.

Từ đó, Tổng cục tổ chức giải Vô địch Cúp các CLB Muay toàn quốc lần đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2010. Sau đó một năm, hệ thống các giải quốc gia chính thức (giải Vô địch toàn quốc; giải Vô địch trẻ toàn quốc; giải Vô địch các CLB toàn quốc) được tổ chức và duy trì cho đến nay với 2 giải Muay quốc gia diễn ra hàng năm. Cùng với đó là việc đăng cai giải quốc tế mở rộng.

Cùng với sự phát triển của Muay, thành tích đội tuyển Muay Việt Nam ngày càng được khẳng định trên đấu trường quốc tế, góp phần vào thành tích chung của Thể thao Việt Nam trong những năm qua tại các giải quốc tế như; SEA Games, Đại hội châu Á trong nhà và võ thuật, Asian Beach Games…

Năm 2018, tại giải Vô địch thế giới và giải trẻ thế giới tổ chức tại Mexico và Thái Lan, các võ sỹ Việt Nam đã giành 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Thành tích của Muay Việt Nam năm 2019 tiếp tục phát triển với việc giành 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng tại giải Vô địch thế giới; 1 Huy chương Đồng tại giải trẻ thế giới và 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng tại giải Vô địch châu Á.

Những cái tên nổi bật của Muay là các võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất, Võ Văn Đài, Nguyễn Phú Hiển, Phan Thị Ngọc Linh, Nguyễn Thị Thanh Trúc… những võ sĩ đã mang về nhiều HCV cho muay Việt Nam tại các giải vô địch thế giới, vô địch châu Á và các đại hội thể thao ở khu vực Đông Nam Á, châu Á.

Với việc Muay là một trong các môn thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tổ chức tại Việt Nam từ 21/11 - 2/12/2021, Liên đoàn Muay tại Việt Nam đã được chính thức thành lập ngày 13/8/2021 với quyết định số 860/QĐ-BNV từ Bộ Nội vụ.

Muay Thái sức mạnh tinh thần được đề cao, niềm tin mạnh mẽ từ bản thân. Những võ sĩ đều phải học cách tôn trọng nhau bởi vì danh dự nhân phẩm là điều quan trọng. Chiến thắng chỉ là một phần nhưng danh dự và nhân phẩm không thể thiếu. Khi kết thúc trận đấu các võ sĩ đều chúc mừng nhau thể hiện tinh thần thượng tôn lẫn nhau. Với tinh thần võ đạo ấy, khi du nhập vào Việt Nam, sánh vai cùng các môn võ cổ truyền của chúng ta, chắc hẳn, Muay Thái tại Việt Nam sẽ còn những bước đi dài hơn nữa trên mọi đấu trường trong nước và quốc tế.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Từ Muay Thái đến Muay Thái tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO