Thương đờn ca tài tử là bảo tồn và phát huy đúng đắn

Hiếu Hiền|11:04 20/12/2023

(NADS) - 10 năm kỷ niệm việc UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca Tài tử là cột mốc đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật dân gian này. Trải qua nhiều biến chuyển của thời đại, nghệ thuật đờn ca tài tử cũng có nhiều thay đổi, câu hỏi về trách nhiệm bảo tồn và phát huy trọn vẹn giá trị của đờn ca tài tử không chỉ là vấn đề cho lớp tiền bối lão tiền mà còn là trách nhiệm của thế hệ trẻ và rộng ra là thế giới trong giữ gìn và phát huy di sản của dân tộc.

Với mong muốn tạo ra một sân chơi giao lưu để lớp trẻ có thêm hiểu biết về đờn ca tài tử - một nét văn hoá đẹp của dân tộc, chương trình “Thanh âm trong vườn” với chủ đề đờn ca tài tử Nam Bộ diễn ra vào 16/12 do Trà sử quán tổ chức đã đưa nhiều vấn đề trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Buổi trò chuyện có sự tham gia của nhạc sĩ - NSƯT Văn Hai, TS. Lê Hồng Phước, nghệ sĩ trẻ Hạ Nắng.

Đáng buồn cho đờn ca tài tử

Theo TS. Lê Hồng Phước, mặc dù đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và lịch sử hình thành và phát triển dạy dặn, tuy nhiên, trong giới đờn ca tài tử vẫn tồn tại nhiều tranh cãi, vấn đề chưa được nhất quán.

anh-1.jpg
TS. Lê Hồng Phước sinh ra trong một gia đình có truyền thống đờn ca tài tử ở Tân Châu, An Giang. Là một trong những người có sự am hiểu sâu sắc về cải lương và đờn ca tài tử, anh cũng có cơ hội kết giao, thực hành với nhiều cây đại thụ trong nghệ thuật đờn ca tài tử, cải lương như Nhạc sư Vĩnh Bảo, GS. Trần Văn Khê...

Theo TS. Lê Hồng Phước chia sẻ, trên mạng xã hội hiện nay đã có bài viết, nguồn thông tin thuận tiện cho việc tìm hiểu về đoàn ca tài tử, nhưng chính vì có quá nhiều thông tin lại tạo ra một làn sóng ngược.

Trong số đó, những quan điểm và thông tin sai lệch, tạo ra nhiều “tam sao thất bản” cho loại hình di sản này. TS cho biết ngay cả trong những hội thảo lớn, các nhà nghiên cứu lớn lâu năm cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch này, dẫn đến những cuộc tranh cãi về đờn ca tài tử.

Ngoài “tam sao thất bản” thì nhầm lẫn giữa đờn ca tài tử và cải lương cũng là một vấn đề cần được phân biệt rạch ròi. Vì đờn ca tài tử là loại hình có nguồn gốc từ nhã nhạc cung đình Huế, du nhập vào Nam và được kết hợp với câu hò, điệu lý, nhạc lễ tại đây để hình thành nên một dòng nhạc mới, mang tiếng nói, cảm xúc của một cộng đồng và được trình diễn dưới dạng hình thức âm nhạc thính phòng (ca - nghe).

Còn với cải lương, đây là hình thức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp được ông cha biến tấu từ đờn ca với kịch nghệ sân khấu vào thời Pháp. Trong đó, việc đóng vai hóa thân chiếm đa số hơn là ca hát.

Sự nhầm lẫn này có thể xuất phát từ thể loại “ca ra bộ” - một hình thức trong đờn ca tài tử, vẫn có một số cử chỉ, hành động nhưng không dùng để biểu diễn mà có tác dụng bổ trợ cho lời hát của người ca.

Ngoài những tranh cãi trên, TS cũng cho biết có một thực trạng đáng buồn trong giới đờn ca tài tử ngày nay là những sự kiện hay chương trình truyền hình, họ đang trộn lẫn cải lương với đờn ca tài tử, bắt dân đờn ca lên hát cải lương, làm mất đi chất tài tử vốn có.

anh-2.jpg
Theo đuổi bộ môn học đờn cổ nhạc là cực kỳ khó, bởi để có thể làm chủ cây đàn, phải mất ít nhất 10 năm rèn luyện.

Khó khăn cũng đến từ việc đờn ca tài tử đã đi vào giai đoạn ít người trẻ tìm hiểu, nên dân đờn là người trẻ cũng dần khan hiếm. Thực trạng, tại các CLB về đờn ca, dân ca nhiều nhiều, dân đờn thì ít, buộc lòng khi sinh hoạt phải mượn dân đờn của CLB này kia.

Bên cạnh đó, TS cũng cho biết vai trò của soạn giả đờn ca tài tử ngày nay cũng bị lệch lạc. Ngày xưa, soạn giả giữ vai trò đặc biệt trong việc soạn cổ nhạc, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hiểu biết sâu rộng. Còn hiệnnay, thực trạng soạn giả trẻ thiếu kiến thức, dùng những bài nhạc tổ sai mục đích, ý nghĩa từng bài tổ đờn ca tài tử.

Bảo tồn và phát huy “đúng người, đúng thời điểm”

anh-3.jpg
Một buổi giao lưu đờn ca tài tử tại Trà Sử Quán

TS. Lê Hồng Phước bộc bạch không chỉ đờn ca tài tử mà loại hình văn hóa nghệ thuật nào cũng cần đến sự quan tâm của người trẻ. Bởi nếu người trẻ mà quay lưng lại thì loại hình nghệ thuật đó sẽ chết ngay. Bảo tồn di sản văn hoá không chỉ là trách nhiệm của Việt Nam mà còn là trách nhiệm của cả thế giới.

Bảo tồn di sản văn hóa nhắm đến người trẻ thì điều đầu tiên là phải đưa vào trong học đường, vào giới thiệu tại các trường học. Giới thiệu để các bạn trẻ biết được giá trị của đờn ca tài tử, cải lương và lý do tại sao cần bảo tồn và phát huy nó, chứ không phải để “dồn ép” người trẻ nhất định phải yêu, phải theo đuổi đờn ca tài từ.

Các bạn trẻ cứ tự nhiên theo đuổi loại hình mình đam mê, yêu thích nhưng các bạn phải có trách nhiệm với bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi loại hình nghệ thuật có phân khúc thị trường riêng, chúng ta đừng theo đuổi theo kiểu độc tôn, mà phải bảo tồn và phát huy làm sao để di sản sinh ra lợi ích vật chất thực sự, lấy cái vật chất để nuôi cái di sản.” TS. Lê Hồng Phước chia sẻ.

Nói về vấn đề người trẻ tiếp cận đờn ca tài tử, nghệ sĩ Hạ Nắng, một nghệ sĩ trẻ theo đuổi đờn ca tài tử chia sẻ: "Khi bước vào thể loại nghệ thuật này, bản thân học được rất nhiều những cái hay, những cái tinh hoa mà người xưa họ để lại từ trong từng lời văn, lời ca. Bản thân mình cũng là một người trẻ, mình cũng mong muốn mang những cái hay đó để lan tỏa đến những người cùng thế hệ hay những thế hệ sau này. Đó là những điều mình cần phải gìn giữ, những tinh hoa này là một cái di sản cần được nhiều người biết đến để cùng chung tay giữ gìn phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Bảo tồn và phát huy di sản đờn ca tài tử luôn cần sự đồng lòng chung sức gìn giữ của các thế hệ. Và hơn hết là song hành giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Có như thế, mới làm đẹp cho “Ca tài tử, hát cải lương” mà cha ông để lại.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Thương đờn ca tài tử là bảo tồn và phát huy đúng đắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO