Ca khúc vọng cổ "Nhiếp ảnh Việt Nam" được nghệ sĩ Lê Duy (Huy chương vàng Trần Hữu Trang, Huy chương Vàng tài năng trẻ toàn quốc) thực hiện.
Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, kể từ ngày 15/03/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam. Ngày 16/12/2002, Bộ Nội vụ đã ra Thông báo số 1021/BNV-TCPCP đồng ý lấy ngày 15/3 hàng năm là ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, sau Đại hội Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam lần thứ Nhất, năm 1967, Hội đã xuất bản Bản tin “Thông báo Nghệ thuật Nhiếp ảnh” làm tài liệu nghiên cứu phát hành nội bộ, ra được 33 số. Đến tháng 7/1978, bản tin này được nâng lên thành “Tạp chí Nhiếp ảnh”. Từ đó, Tạp chí Nhiếp ảnh được xuất bản định kỳ 1 tháng/số. Đến năm 2018, Tạp chí đổi tên thành Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, bắt kịp với thời đại tiếp cận gần hơn với công chúng. Đến nay, Tạp chí cũng đã trải qua quãng đường vừa tròn 45 tuổi.

TS Hồ Minh Sơn chia sẻ: Trong suốt hơn 6 năm công tác tại Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống (cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam), tôi được gặp gỡ rất nhiều NSNA. Tôi thấy rằng Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật cực kì sáng tạo và hấp dẫn, một phần không thể thiếu của lĩnh vực truyền thông hiện nay, luôn thu hút được rất nhiều người tham gia. Nhiếp ảnh thực sự không hề đơn giản nhưng các Nghệ sĩ nhiếp ảnh luôn hun đúc niềm đam mê với lửa nghề, nhiều nghệ sĩ xem nhiếp ảnh là niềm vui trong muôn ngàn khó khăn của cuộc sống. Từ những cảm xúc, gắn bó và trải nghiệp với nhiếp ảnh, bài thơ “Nhiếp ảnh Việt Nam” ra đời…
Nhiếp ảnh Việt Nam
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam
Nồng nàn hương sắc… trăm năm lưu truyền
70 năm cần mẫn tầm duyên
Mai kia mốt nọ… đời nghiêng bóng vàng
Rừng thiêng sông núi mênh mang
Từng người nghệ sĩ… tỏa lan để đời
Nhiếp ảnh kể chuyện đầy vơi
Hương hoa sắc ngọt vẫn ngời long lanh
Đất trời rộng lớn trong xanh
Việt Nam yêu dấu… hùng anh nghĩa tình
Bảy mươi năm một hành trình
Nghệ sĩ nhiếp ảnh quên mình sớm hôm
Bảy mươi năm… tấm lòng son
Quê hương… đất nước… nguồn cơn hẹn thề
Từ thành thị… những miền quê
Hơn ngàn nghệ sĩ… đam mê suốt đời
Dẫu đi cuối đất… cùng trời
Chắt chiu hình ảnh… rạng ngời Việt NamTác giả: Hồ Minh Sơn
Được biết, TS Hồ Minh Sơn đều sáng tác một bài thơ mỗi ngày với nhiều chủ đề khác nhau… với các chủ đề chính: cha và mẹ, tình yêu, sự trăn trở, gửi gắm niềm vui, nỗi buồn và thân phận. Trong đó, nhiều bài thơ được chuyển thể vọng cổ và bài nhạc gồm “Tiếng đàn T’rưng tiếng vọng núi rừng”, “Bình Phước đất đỏ Anh hùng” do nhạc sĩ Lê Minh phổ thơ; bài hát “Khát vọng cuộc đời” do nhạc sĩ Thái Ngọc Sơn phổ nhạc…
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn chia sẻ tôi không coi thơ là một nghề nhưng không thể không làm thơ. Tất cả mọi người đều có thể là nhà thơ của chính mình... Viết báo là công việc hằng giờ hằng ngày, dòng chảy của nó chính là hiện thực cuộc sống đang từng phút giây sôi động, thôi thúc bên ngoài ô cửa sổ. Còn đối với thơ là một thế giới khác đầy bí ẩn, lạ lùng. Trong tôi, thơ cứ đến và đi bất chợt như bao buồn vui của cuộc đời...

Thông qua bài vọng cổ “Nhiếp ảnh Việt Nam” là tình cảm và sự động viên của tác giả đối với các NSNA chuyên, không chuyên, những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh, cũng như đối với các nhà báo, phóng viên ảnh. Tuy nhiên, để trụ lại với nghề, cần sự đam mê bền bỉ và nỗ lực không ngừng, không ngại vất vả. Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên cập nhật phương tiện kỹ thuật để bắt kịp ưu thế của thời đại cũng là một trong những thách thức với người làm nhiếp ảnh.

.jpg)
Mong rằng bài vọng truyền tải phần nào lĩnh vực nhiếp ảnh tới công chúng, hấp dẫn thêm nhiều người.