Những cánh đồng lúa “không dấu chân”

Hoàng An |09:46 29/01/2024

(NADS) - Vụ đông xuân 2023 – 2024, Quảng Bình dựa kiến giao cấy khoảng 29.260 ha lúa, đến nay các địa phương trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy. Với sự đồng hành của 3 nhà gồm nhà nông, Nhà nước và doanh nghiệp, trên nhiều cánh đồng đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thay thế sức lao động của con người, tạo nên những cánh đồng lúa “không dấu chân”.

Lần đầu tiên, mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái, gieo sạ cụm kết hợp vùi phân trong gieo sạ đã được triển khai tại địa bàn tỉnh Quảng Bình trong vụ lúa đông xuân 2023-2024. Công nghệ này được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thực hiện tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

z5314241726009_37bc3f3fd82bd653d9d0caa8649a0b04.jpg
Sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ vụ Đông xuân 2023-2024 cho 22 ha lúa tại huyện Lệ Thủy

Tại Lệ Thủy, Trung tâm đã phối hợp với Công ty cổ phần Tổng công ty sông Gianh thực hiện trên diện tích 22 ha lúa tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy. Mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân, bón lót và phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống điều khiển từ xa, người vận hành máy bay không người lái chỉ cần đứng tại một địa hình tốt là có thể chủ động thực hiện các thao tác vận hành thiết bị. Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống lúa chất lượng caoHương Bình, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Anh Trần Văn Khánh, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ: Trên diện tích 22ha tôi liên kết với Tổng Công ty Sông Gianh sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa gắn với tiêu sản phẩm. Hiện lúa sinh trưởng phát triển tốt, một màu xanh mướt đang phủ trên cánh đồng. Hiệu quả bước đầu của cánh đồng không dâu chân đó là giải phóng sức lao động cho nông dân, thời gian gieo sạ chỉ trong một ngày, lượng giống gieo giảm (4 kg/ sào), mật độ gieo đảm bảo, giảm chi phí nhân công dặm tĩa, bón phân, bơm thuốc.

z5314241719609_0326f1eeb36af4d73babecb746052d29.jpg
Sử dụng máy bay không người lái để gieo sạ vụ Đông xuân 2023-2024 cho 22 ha lúa tại huyện Lệ Thủy

Qua thực tế cho thấy, thực hiện gieo sạ và bón phân bằng máy bay không người lái nhanh hơn, đều hơn, lượng giống ít hơn gieo cấy truyền thống. Đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân khi cắt giảm các khâu gieo, tỉa dặm, bón phân bằng sức người, từ đó giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển sản xuất từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi. Để có được diện tích cánh đồng lớn 22 ha áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đó là sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, của Hợp tác xã trên địa bàn trong việc vận động, tuyên truyền người dân dồn điền, đổi thửa. Sản phẩm của người dân khi tham gia mô hình sẽ được công ty cổ phần Tổng công ty sông Gianh cam kết bảo đảm năng xuất và bao tiêu đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Đề - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cho biết: Từ việc tích tụ ruộng đất, khoảng 22ha ruộng của nông dân trên địa bàn được anh Trần Duy Khánh thuê lại sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa. Phần lớn công việc trên cánh đồng này máy cày, máy bay không người lái làm hết, nông dân nay không còn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như trước đây.

Tại huyện Quảng Ninh, Trung tâm đã thực hiện đưa máy gieo sạ cụm kết hợp vùi phân vào sản xuất 1 ha lúa tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh. Hiện tại, lúa đã lên xanh tốt, giảm nhân công gieo cấy, dặm tỉa, tiết kiệm lượng giống.

z5314241726007_48e46edfc7ab4c4e56deead744f078d9.jpg
Đưa vào thử nghiệm máy gieo sạ cụm kèm vùi phân tại huyện Quảng Ninh

Vụ đông xuân năm nay, Quảng Bình dự kiến gieo cấy 29.500 ha lúa. Giống lúa cơ cấu chính gồm VNR20, Nhị Ưu 838, VN20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6... và giống có triển vọng là ADI28, LTh31, SV181, Bắc Thịnh, QC03, Hương Bình, ĐB6, HC4, Tân Ưu 98...

Với việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất như gieo sạ bằng thiết bị bay không người lái; máy gieo sạ cụm kết hợp vùi phân, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như công lao động… Từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân và thu hoạch hoàn toàn sử dụng máy móc. Hơn nữa, cơ giới hóa cũng giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, tiệm cận với tư duy “kinh tế nông nghiệp” theo xu hướng hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có gần 31.250 máy sử dụng trong sản xuất nông nghiệp (tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái). Mức độ cơ giới hóa trên cây lúa ở các khâu làm đất, thu hoạch cho lúa đạt trên 90%. Tuy nhiên, một số khâu như gieo sạ, bón phân, tỉa dặm còn phụ thuộc vào sức lao động của con người. Vì vậy, áp dụng máy móc, thiết bị thông minh trong tất cả các khâu là bước đột phá để sản xuất lúa sẽ hoàn toàn không phụ thuộc vào nhân công, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, thu hoạch. Hiệu quả canh tác được nâng cao rõ rệt khi lượng phân thuốc được dùng hợp lý mà không lãng phí, hạt lúa làm ra sạch hơn. Không những vậy, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, giảm hao tổn trong khâu thu hoạch.

Cơ giới hóa và số hóa thay đổi bộ mặt nông nghiệp, hoạt động canh tác trở nên hiện đại, tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc mạnh dạn thử nghiệm và áp dụng các phương pháp sản xuất mới với sự hỗ trợ từ ngành nông nghiệp Quảng Bình sẽ góp phần tăng hiệu quả canh tác, đảm bảo người trồng lúa có thu nhập tương đương với một số ngành nghề khác để nông dân yên tâm gắn bó với ruộng đồng, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất, thu mua lúa, gạo.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Những cánh đồng lúa “không dấu chân”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO