Hình ảnh từ “Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1 NZ- FE”
Được biết, trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 28/8/2018. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường có 72 nhà giáo và người lao động và đang đào tạo hơn 1.000 HSSV ở trình độ Cao đẳng, Trung cấp và Sơ cấp, với 22 mã ngành nghề thuộc các lĩnh vực:Kỹ thuật - công nghệ; Nông - lâm nghiệp và Văn hoá - du lịch.
Cụ thể, vào chiều ngày 14/10/2022, Ban tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022 đã bế mạc. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 có 57 tỉnh, TP tham dự với tổng số 381 thiết bị đăng ký dự thi của 191 cơ sở GDNN, cơ sở đăng ký hoạt động GDNN diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10 đến 14.10.2022), tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong đó, các thiết bị đào tạo tự làm tập trung ở những nghề: Điện tử dân dụng; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Hàn; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin; Y tế; Xử lý nước thải; Nuôi trồng thủy sản; Thú y;…
Phần thi nhóm tác giả Nguyễn Quốc Hà và Nguyễn Thanh Thuận
Tham gia Hội thi lần này, Sở Lao động TBXH Đăk Nông chọn hai thiết bị của 2 nhóm tác giả đều thuộc trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đại diện cho Đoàn Đăk Nông dự thi. Hai thiết bị thuộc khối nghề Kỹ thuật Công nghệ với tiêu chí công nghệ số hóa và mô phỏng kết hợp với mô hình thiết bị thật phục vụ cho học tập và giảng dạy đào tạo của nhà trường theo hướng chuyển đổi số, trong đó: “Ưu tiên đầu tư, phát triển các học liệu số theo hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường với thực tế hỗn hợp”.
Nguồn học liệu số theo hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo kết hợp với mô hình thật đang dần thay thế và đi vào phục vụ có hiệu quả cho công tác đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Các thiết bị đào tạo tự làm của các nhóm tác giả từ trường CĐ Cộng đồng Đắk Nông tại Hội thi phản ánh sự quan tâm, đầu tư của nhà trường và của lãnh đạo địa phương, cũng như sự đam mê, nhiệt huyết của các nhà giáo trong nghiên cứu khoa học, sản xuất chế tạo các thiết bị đào tạo tự làm phục vụ cho quá trình dạy và học hiệu quả, thiết thực đúng với yêu cầu của nội dung đào tạo.
Phần thi của nhóm tác giả Nguyễn Công Trà và Nguyễn Thị Hương
Xuất phát từ quá trình đào tạo thực tiễn theo phương pháp truyền thống tại trường, để hình thành được kỹ năng, người học phải thao tác rất nhiều lần trên thiết bị thật, từ đó dẫn đến hao mòn máy móc, giảm tuổi thọ thiết bị, tiêu hao nguyên vật liệu, tăng chi phí đào tạo.
Còn với các thiết bị đào tạo do giảng viên tự làm đều là mô hình thực tế ảo, có tính năng ưu việt hơn hẳn những thiết bị truyền thống, giúp người học nắm bắt được cấu tạo, nhận dạng các bộ phận chi tiết của thiết bị một cách hiệu quả, nhanh chóng.
Hình ảnh từ “Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện”
Sản phẩm tham gia dự thị của trường là 2 thiết bị mô hình mô phỏng của các nhóm tác giả được Ban giám khảo đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, tính đột phá tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số vào thiết bị mô hình để giúp cho việc dạy và học được hiệu quả hơn, tạo sự say mê hứng thú trong học tập, sáng tạo của HSSV.
Kết quả hội thi: Hội thi có 30 giải nhất, 45 giải nhì, 75 giải ba và 200 giải khuyến khích, trong đó trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông với 02 thiết bị tham gia dự thi với kết quả, cụ thể: Thiết bị “Mô hình mô phỏng tháo lắp động cơ 1 NZ- FE” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thuận và Nguyễn Quốc Hà được đánh giá và đạt giải ba, được Bộ LĐTB & XH tặng bằng khen. Thiết bị “Mô hình mô phỏng thực hành trang bị điện” của nhóm tác giả Nguyễn Công Trà và Nguyễn Thị Hương được đánh giá và đạt giải khuyến khích được Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tặng giấy khen. Các thiết bị đào tạo tự làm của nhóm tác giả này được đầu tư, trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Nhóm tác giả Nguyễn Thanh Thuận và Nguyễn Quốc Hà nhận bằng khen của Bộ LĐTB & XH
Ngay sau Hội thi, các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong nhà trường, góp phần hạn chế sự thiếu hụt thiết bị trong giảng dạy và học tập.