Lương Nghĩa Dũng - Cuộc chia tay lần cuối và những bức ảnh hùng tráng

Chu Chí Thành|15:45 09/10/2024

Vừa ở Lào về, Lương Nghĩa Dũng liền nhận lệnh chuẩn bị gấp đi chiến dịch Quảng Trị. Lúc đó người anh gầy đen sạm, cái nắng gió mùa khô bên Lào còn in đậm trên gương mặt anh, đôi mắt sáng quắc như lùi sâu vào trong hố mắt, gò má và cái trán dô như nhô cao hơn mọi khi. Thực ra anh vẫn còn mệt mỏi, đuối sức.

Thông thường sau mỗi chiến dịch, anh em bên quân sự đều được đến trạm điều dưỡng, thuốc thang, ăn nghỉ ít ngày lên cân, lên sức rồi mới đi tiếp. Nhưng lần này, nhà nhiếp ảnh không đi điều dưỡng, mà được về nhà ăn Tết với vợ con để chờ lệnh. Đây là phần thưởng hiếm hoi dành cho phóng viên mặt trận vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

W_luong-nghia-dung-1935-1972-.jpg
Lương Nghĩa Dũng (1935-1972) - Phóng viên ảnh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2017

Khoảng 20 giờ ngày 26 tết Nhâm Tý, Trưởng phòng Thông tấn quân sự Trần Dũng đích thân ngồi xe Com măng ca từ Hà Nội xuống Phú Xuyên đón Lương Nghĩa Dũng. Xe đỗ ngoài đường 1A, Trần Dũng cuốc bộ gần 2 Km mới đến nơi. Nghĩa Dũng đang loay hoay đắp lại tấm chăn cho bốn đứa con nhỏ từ 3 tuổi đến 10 tuổi vừa ngon giấc trên giường. Thấy tiếng Trần Dũng, anh ra mở cửa, và biết ngay có lệnh gấp, Cuối cùng thì phần thưởng Tết của cấp trên dành cho Lương Nghĩa Dũng vẫn là mặt trận.

W_nu-phao-binh-ngu-thuy.jpg
Nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình) bắn cháy tàu chiến Mỹ trong trận đánh ngày 7/2/1967

Khoảng 22 giờ khuya, chị Nhiễu, vợ anh đang họp tại trụ sở Hợp tác xã thôn, được tin, liền về nhà để tiễn chồng ra trận. Chị không
nhớ trên con đường này đã bao nhiêu lần đưa chồng đi công tác, lần nào cũng bùi ngùi, lần nào cũng thấp thỏm lo lo. Sáu, bẩy năm làm báo xông pha chiến trường, hơn 20 lần chết hụt, anh ấy vẫn tếu táo với bạn bè và vợ con: "Bom đạn mấy khi thả trúng người, trúng chưa chắc đã chết, mà chết chưa phải là hết"... Cứ thế, hết chiến dịch này, sang chiến dịch khác, anh lại tươi tỉnh trở về, rồi cách hai ba năm chị lại mang bầu. Mỗi khi bố về, hoặc bố đi công tác, lần nào xóm giềng cũng thấy đứa lớn cõng đứa bé lếch thếch đón, tiễn bố ở đầu làng.

W_xoc-toi.jpg
Xốc tới. Các chiến sĩ Đại đội 11 (Sư đoàn 324) truy kích địch tại mặt trận Đường 9

Nhưng lần này chẳng có đứa nào chạy theo bố, chúng đang ngủ êm ái, say tít trong tấm chăn người lính của bố để lại. Anh nhẹ nhàng khép cửa, nhìn lũ con lần cuối, mắt hơi rưng rưng, ngoảnh ra sân như trốn tránh chúng. Rồi anh lặng lẽ cùng vợ và Trần Dũng rời khỏi căn nhà ấm cúng của mình. Đến quốc lộ 1A, Trần Dũng lên xe trước, còn lại hai vợ chồng anh đứng bên đường. Chị không khóc, nhưng lòng chị bồn chồn. Tại sao anh ấy lại dặn dò: "Nếu anh không về, cố nuôi các con học hành đến nơi đến chốn". Chị vội vã quay về, đi như chạy, như bay giữa cánh đồng mênh mông, giữa màn đêm yên tĩnh sâu thẳm, tim như thắt lại, cố xua đi nỗi ám ảnh câu nói của chồng lúc chia tay.

W_dua-xe-tang-vao-tran.jpg
Đưa xe tăng vào trận. Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường vào chiến dịch Khe Sanh - Đường 9 (cuối 1971)

Trận mở màn chiến dịch Quảng Trị vào chiều ngày 30/3/1972, quân ta đồng loạt tấn công nhiều căn cứ địch ở phía Nam, phía Bắc đường số 9 và dọc đường số 1. Nghĩa Dũng đi cùng mũi xung kích đánh cao điểm 365. Bức ảnh "Đánh chiếm cao điểm 365" cho thấy khi ba chiến sĩ lao lên trong khói đạn mù mịt, trước cửa lô cốt có xác một người lính đối phương. Đây là thời điểm, nguy hiểm nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào. Giữa lúc ấy, Nghĩa Dũng đã lấy được khuôn hình chuẩn xác và bấm máy liền. Bức ảnh này trở thành "ảnh đinh" trong cụm tác phẩm 5 ảnh Những khoảnh khắc để lại. Nó là hình ảnh tột cùng bi tráng, tột cùng khốc liệt! Cùng với 4 ảnh "Lửa thiêu máy bay
Mỹ" (Hải Dương, 1967), "Nữ pháo binh Ngư Thủy" (Quảng Bình, 1968), "Xốc tới" (Đường 9 Nam Lào, 1971), và "Chống lầy đưa xe tăng vào trận" (Quảng Trị, 1972) tạo thành bộ ảnh kinh điển thấm đẫm chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cụm tác phẩm xuất sắc này được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.

W_lua-vay-may-bay-my.jpg
Lửa vây máy bay Mỹ. Trận đánh ngày 04/07/1976, khẩu đội 2, phân đội 174, pháo cao xạ Hải Dương bắn rơi tại chỗ 2 máy bay Mỹ.
W_danh-chiem-cu-diem-365.jpg
Đánh chiếm cứ điểm 365. Chiều 30/3/1972, Đại đội 1, tiểu đoàn Sơn Mỹ, quân giải phóng Quảng Trị tiến công đánh chiếm cao điểm 365. Sau 30 phút tiến công, vào lúc 17h30 phút cứ điểm 365 đã bị tiêu diệt, mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị

Không ai ngờ, đúng ngày 1/5/1972, cờ bay phấp phới trên đất Quảng Trị, tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thì Lương Nghĩa Dũng lại ra đi mãi mãi! Năm ấy anh mới 36 tuổi.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lương Nghĩa Dũng - Cuộc chia tay lần cuối và những bức ảnh hùng tráng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO