Khẳng định Nhiếp ảnh Việt Nam luôn song hành cùng lịch sử, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”. Như vậy, năm nay giới Nhiếp ảnh có dịp ôn lại sự kiện 150 năm ngày Nhiếp ảnh ra đời và gắn với kỷ niệm 66 năm ngày truyền thống 15/3 của ngành.
Trong tháng 3 này, như sự ngẫu nhiên trùng hợp cách đây 194 năm, ngày 19/3/1825, tại làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (nay là thị xã), tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đặng Huy Trứ ra đời trong một gia đình nông dân hiếu học. Nhờ tư chất thông minh, gia đình lại có truyền thống Nho học, Đặng Huy Trứ đã biết làm thơ Đường luật từ năm 15 tuổi.
Ở tuổi 18 vào năm 1843, Đặng Huy Trứ trúng tuyển Cử nhân tại trường Phú Xuân. Bốn năm sau, ông đỗ Tiến sỹ hạng thứ 7 trong kỳ thi Hội đầu năm 1847. Năm sau, bài văn của Đặng Huy Trứ bị phạm húy trong thi Đình nên bị truất cả Tiến sĩ lẫn Cử nhân. Tuy nhiên, khi triều đình khai ân khoa thi Hương nhân dịp mừng vua Thiệu Trị 40 tuổi, không ai khác ngoài Đặng Huy Trứ đỗ đầu kỳ thi này gọi là Giải nguyên năm 22 tuổi. Chưa được bổ nhiệm làm quan, gần chục năm ông mở trường dạy học nhiều nơi ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam.
Sau sự kiện 1856, tàu chiến của Pháp đến bắn phá đồn lũy của ta tại Sơn Trà, Đà Năng; Tháng 8/1856, năm đó ở tuổi 31 Đặng Huy Trứ mới được triều đình điều đi kiểm tra tàu thuyền và chính thức tham gia quan trường. Trong vòng 8 năm 1857 - 1864, Đặng Huy Trứ được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ như: Thông phán Ty Bố chính và Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Xuân Trường, Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh, Bố chính Quảng Nam.
Để đối phó với thực dân Pháp, năm 1865, Đặng Huy Trứ được triều đình phái sang Quảng Đông "Thám phỏng dương tình” (nghe ngóng thái độ của các nước phương Tây đối với ta). Thời gian ở nước ngoài, ông tranh thủ tìm gặp, trao đổi ý kiến với nhiều nhà tri thức canh tân ở Trung Quốc. Ngoài sưu tầm sách báo các nước, dịch ra giới thiệu với trí thức trong nước, Đặng Huy Trứ đến nhiều cơ sở chế tạo máy móc, đóng thuyền, đúc súng đạn. Một năm sau trở về nước, Đặng Huy Trứ được cử làm Biện lý bộ Hộ.
Năm 1867, lần thứ 2 triều đình lại cử ông sang Quảng Đông, không may lần này bị bệnh nặng. Trên giường bệnh Đặng Huy Trứ vẫn viết sách, làm thơ. Đau đáu với Tổ quốc, ông nghĩ người Việt cần phải “tự cường tự trị” như các nước tiên tiến. Vậy là tư tưởng canh tân và cứu nước của ông ra đời. Đặng Huy Trứ còn tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật nhiếp ảnh, cách chụp, in tráng và nhờ người tìm mua dụng cụ nghề nhiếp ảnh.
Không chỉ tiên phong trong nghệ thuật Nhiếp ảnh, Đặng Huy Trứ còn là một nhà thơ và đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Đánh giá về ông, nhà chí sĩ Phan Bội Châu viết: “Đặng Huy Trứ cùng với Nguyễn Trường Tộ là những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”.
Tôn vinh danh nhân Đặng Huy Trứ, hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm ngày khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, những người nghệ sĩ nhiếp ảnh của Thừa Thiên - Huế và nhiều tỉnh thành lại gặp nhau tại Từ đường họ Đặng làng Thanh Lương - xã Hương Xuân - huyện Hương Trà để thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ về ông Tổ nghề Nhiếp ảnh Việt Nam.
Ngày nay, tượng danh nhân Đặng Huy Trứ được đặt trang trọng trong khuôn viên Trường THPT Đặng Huy Trứ, Thừa Thiên - Huế. Đây là niềm tự hào của ngôi trường quê hương mang tên ông. Tôn vinh ông Tổ nghề ảnh Việt Nam, Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế đã tự hào phát huy giá trị tư tưởng của ông để khẳng định vị thế và phát triển không ngừng; Nghề ảnh luôn gắn bó với thực tế và đời sống lao động của người dân.
Gắn với cuôc đời chỉ gần 50 năm, nhưng với tài năng và nhiệt huyết của một nhà nho yêu nước, Đặng Huy Trứ luôn là người tiên phong, thể hiện tư tưởng canh tân của mình trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, giáo dục, kinh tế, chính trị, quân sự… để lại nhiều di sản cho đời. Nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá: “So với những nhà Nho đương thời thì Đặng Huy Trứ đã có những tư tưởng vượt lên trước những nhà Nho cùng thời đại, không phải nổi bật mà là vượt bậc”.
Đậu đạt cao khi mới ngoài 20 tuổi, lại gia nhập quan trường muộn ở tuổi 31, nhưng ông dũng cảm vượt qua quan niệm phong kiến: Quan là mẹ của dân “dân chi phụ mẫu”; Đặng Huy Trứ đề cao: Quan phải là con của dân, là “Thứ dân chi tử” để phụng sự nhân dân; Sau này Bác Hồ khẳng định: “Cán bộ là công bộc của dân”. Về văn, thơ Đặng Huy Trứ luôn phản ánh tình cảm, nhân cách cao đẹp của vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Khối lượng tác phẩm của ông khá nhiều gồm 12 tập thơ, với hơn 1.200 bài, 4 tập văn, 1 tập hồi ký hiện còn lưu giữ tại Thư viện Hán Nôm.
Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ ở quê hương được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích cấp Quốc gia ngày 30-12-1991. Di sản của Danh nhân văn hóa lớn Đặng Huy Trứ để lại cho đời khá toàn diện, góp phần khơi dậy niềm tự hào cho mỗi chúng ta, trong đó có truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.
Hội thảo khoa học Danh nhân Đặng Huy Trứ - Người khai lập ngành Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2018
Kỷ niệm 150 năm ra đời Nhiếp ảnh Việt Nam 14/3/1869 và 66 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam 15/3, năm nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên - Huế, Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế và UBND phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà tổ chức các hoạt động từ ngày 10/3/2019 như: Dâng hương tưởng niệm Danh nhân văn hóa - Đặng Huy Trứ - ông Tổ nghề ảnh tại nhà thờ họ Đặng; Tổ chức sáng tác ảnh nghệ thuật tại các điểm du lịch Cố đô Huế; Khai mạc Triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Việt Nam quê hương tôi” nhằm giới thiệu, quảng bá đến với công chúng các hình ảnh về phong cảnh quê hương, đất nước Việt Nam mến yêu; Tôn vinh các NSNA có nhiều cống hiến cho phong trào nhiếp ảnh nước nhà thời gian qua. Đây là hoạt động có ý nghĩa của giới Nhiếp ảnh Việt Nan nhằm tri ân, tôn vinh Danh nhân văn hóa Đặng Huy Trứ và phát huy giá trị truyền thống Nhiếp ảnh gắn với lịch sử đương đại và thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
(Dựa theo tài liệu Hội thảo lần 2 năm 2018 về Danh nhân Đặng Huy Trứ của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam)