Khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Tiến Dũng|11:14 16/05/2017

Lần đầu tiên ở Việt Nam, dân làng một thôn tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng Bảo tàng làng nghề của mình. Tòa nhà Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá dự kiến xây 3 tầng, nhưng ở giai đoạn I, mới chỉ hoàn thành được 2 tầng với diện tích khoảng gần 300m2. Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ nhiệm làng nghề nhiếp ảnh Lai Xácho biết: “Lai Xá là làng nghề nhiếp ảnh duy nhất của cả nước, nên chúng tôi đã thống nhất xây dựng bảo tàng thay vì nhà truyền thống. Bảo tàng của làng không cần lớn lắm, nhưng quan trọng nhất là cách bài trí nội thất bên trong và cách thức tổ chức phải thật chuyên nghiệp”.

Quả thật khi xem mới thấy, tuy chỉ là Bảo tàng của một làng nhưng có thể thấy tính chuyên nghiệp rất cao qua cách trưng bày hiện vật, bởi việc xây dựng, thiết kế Bảo tàng được sự giúp đỡ nhiệt tình về chuyên môn của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ông đã mời các chuyên gia di sản và hai chuyên gia Pháp về thiết kế bảo tàng và trưng bày - đồ họa sang tư vấn giúp.Những chú thích ảnh và hiện vật tại bảo tàng bằng tiếng Anh đều được ông nhờ các chuyên gia Đại học Cambridge (Anh) thẩm định và biên tập lại tỉ mỉ.

Tầng 1 của Bảo tàng tái hiện một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa. Khách tham quan có thể thấy ở đây một chiếc máy ảnh cổ, hộp gỗ trên một chiếc giá 3 chân, tường phía trước ống kính máy ảnh là phông vẽ cảnh quan tùy sở thích của khách mà lựa chọn cảnh để chụp. Khách tham quan cũng có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của người Lai Xá yêu thích ảnh hiện nay treo trên tường dọc theo cầu thang lên tầng 2. Thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá thường xuyên thay đổi các bức ảnh nghệ thuật (khoảng 20 - 30 bức) của mình ở không gian này, tạo không khí mới cho khách tham quan.

Toàn bộ không gian trưng bày chính của Bảo tàng được thể hiện trên tầng 2 chia thành nhiều chủ đề riêng. Không gian “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá” giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Đặc biệt còn có một panô lớn bằng sơ đồ kể về việc ông tổ nghề cùng các học trò của mình đã gây dựng nên mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh. Người ta có thể thấy trên sơ đồ này các mối quan hệ thân tộc, thích tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành mạng lưới này.

Không gian về các hiệu ảnh xưa chứa đựng nhiều tư liệu về một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ XX cho đến năm 1975. Cũng trong không gian này, du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc ViệtNamtrong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những HTX nhiếp ảnh, nơi những người chủ và người thợ ảnh ở các cửa hiệu được tập hợp lại để làm ăn tập thể. Rồi cả một phác thảo về nghề ảnh Lai Xá thời hội nhập…

Bên cạnh đó là không gian dành cho du khách khám phá “bếp núc” của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh. Chính từ đây, người ta sẽ hiểu những thiếu thốn, gian nan mà người Lai Xá đã vượt qua để giữ được nghề, vẫn tạo ra được những bức ảnh gây xúc động lòng người. Rồi không gian giới thiệu một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối được kể theo một số chuyên đề về ảnh (chân dung, nghệ thuật ảnh sáng, ảnh ghép, ảnh tô màu bằng tay); Cuối cùng là không gian nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay. Bảo tàng trưng bày khoảng 140 tấm ảnh, 25 panô bài viết dẫn dắt và khoảng 150 hiện vật.

Dân làng Lai Xá mong muốn rồi đây Bảo tàng Nhiếp ảnh cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, những gallery, hiệu ảnh của người trong làng cùng với các di sản văn hóa sống của Lai Xá như đình, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ thành hoàng làng…sẽ góp phần làm Lai Xá sớm trở thành điểm thăm quan du lịch làng nghề hấp dẫn ở Thủ đô Hà Nội.

Cắt băng khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá.

Khách tham quan phòng trưng bày của Bảo tàng.

Máy ảnh cổ

.

Giới thiệu nghệ thuật tô màu ảnh bằng tay.

Thiết bị tô màu ảnh

Góc trưng bày chuyên đề nghệ thuật chụp ảnh chân dung.

Hiệu ảnh Khánh Ký tại Sài Gòn năm 1924.

Không gian trưng bày các hiệu ảnh nổi tiếng của làng nghề Lai Xá đầu thế kỷ XX

Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh (sinh năm Giáp Tuất 1874) người thôn Lai Xá đã mở hiệu ảnh đầu tiên lấy tên là Khánh Ký ở phố Hàng Da (Hà Nội). Từ hiệu ảnh này, người Lai Xá đã mở thêm 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2000 thợ ảnh, tập trung đông nhất là Hà Nội có 34 hiệu, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu…

Nghề nhiếp ảnh ở làng Lai Xá phát triển rực rỡ vào nửa đầu thế kỷ XX. Hiệu ảnh nào của người Lai Xá thường được kèm theo chữ “Ký” hoặc chữ “Lai”: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Kim Lai… và thợ ảnh Lai Xá còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Myanma… Nhiều phóng viên ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã trưởng thành từ làng nghề nhiếp ảnh này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Khánh thành Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO