Đây là sự kiện múa lớn nhất trong năm 2024 của ngành múa Việt Nam do biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam khởi xướng từ năm 2023. Tuần múa đã quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa, nhà lý luận phê bình, huấn luyện viên và tài năng trẻ trên phạm vi toàn quốc về biểu diễn và thực hành nghệ thuật chuyển động.
Sau lễ khai mạc, công diễn vở múa đương đại Sê San – dòng sông ánh sáng. Có 8 đoàn nghệ thuật với gần 100 diễn viên, nhạc công đến từ Hà Nội, TP HCM và các tỉnh Tây Nguyên thực hiện. Vở múa được kết cấu với 5 hồi, gồm Mạch nguồn, Lửa thiêng, Ya Ly, Ru rừng và Mặt trời. Ý tưởng sáng tạo Sê San không chỉ lấy cảm hứng nghệ thuật chuyển động đương đại, nhằm tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ nhất, nguyên sơ nhất về nền văn hóa của người Tây Nguyên từ bao đời nay theo dòng sông Sê San và sông Đăk Bla nhập dòng Sê San chảy ngược lên thượng nguồn tạo ra không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, nơi lưu giữ mạch nguồn văn hóa trên Cao Nguyên đại ngàn, góp phần mở ra cơ hội xúc tiến trao đổi văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Sê San dòng sông mẹ, nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống và được kỳ vọng mở ra cơ hội hợp tác thông qua đặc trưng thế mạnh của nghệ thuật múa, ngôn ngữ chuyển động kết nối văn hóa địa phương khơi gợi bản sắc văn hóa riêng có của mỗi quốc gia mà nghệ thuật múa là đại sứ đã, đang là sợi dây thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo Biên đạo múa Tuyết Minh kỳ vọng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 sẽ mở ra cơ hội hợp tác cho nghệ thuật múa, từ di sản múa dân gian dân tộc vùng miền, tạo giá trị thúc đẩy sản phẩm du lịch văn hóa vùng miền. Đồng thời là dịp kết nối nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với nghệ thuật chuyển động trong khu vực và quốc tế...
Phát biểu chào mừng tại lễ khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam, bà Y Ngọc, ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum khẳng định Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại tỉnh Kon Tum là hoạt động kết nối giữa Nghệ thuật Múa Việt Nam nói chung, giá trị nghệ thuật múa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với nghệ thuật trong khu vực và quốc tế. Tuần lễ Múa là dịp để nghệ sĩ múa trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật Múa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc và hiện đại. Để công chúng hiểu, yêu, trân trọng hơn về vùng đất, con người Kon Tum, Tây Nguyên và đất nước Việt Nam để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, tiến sĩ, nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết nằm ở phía bắc Tây Nguyên – Kon Tum là mảnh đất có nhiều nét đẹp, cảnh quan đặc sắc được thiên nhiên ban tặng như sông Đăk Bla chảy ngược, núi Ngọc Linh sừng sững, Măng Đen đại ngàn,… Nơi đây còn là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, tình đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em từ bao đời nay. Chính không gian văn hóa đa dạng, độc đáo và sự phong phú về bản sắc dân tộc đã khơi gợi niềm cảm hứng để tạo nên Tuần lễ múa Việt nam 2024 với chủ đề “Dòng sông ánh sáng” cùng chuỗi Sự kiện.
Tuần lễ múa là sự kiện có phạm vi toàn quốc, mang tính quốc gia và quốc tế, với ý nghĩa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và mục đích thông qua các sự kiện nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan bức tranh nghệ thuật múa chuyên nghiệp đương thời. Từ đó, định hướng và nâng cao toàn diện chất lượng của 04 lĩnh vực sáng tác, lý luận, đào tạo và biểu diễn vì mục tiêu xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại Kon Tum là hoạt động hướng về cội nguồn, là nơi chắp cánh cho sáng tạo nghệ thuật vì mục tiêu xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng, xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Ban Tổ chức kỳ vọng, Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại Kon Tum sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, của mảnh đất và con người Kon Tum nói riêng, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của địa phương.
Thông qua Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 tại Kon Tum Ban Tổ chức mong muốn tạo nên sự kết nối giữa nghệ thuật múa Việt Nam nói chung, nghệ thuật múa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói riêng với những dòng chảy nghệ thuật đương đại trong khu vực và quốc tế, hướng tới các quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nghệ thuật múa, vì mục tiêu xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc hiện đại nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.