Cơn bão số 3 tràn qua, Quảng Ninh không chỉ đứng giữa tâm bão mà còn đối mặt với những tổn thất kinh tế khổng lồ. Với con số thiệt hại lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, địa phương này chiếm gần một nửa tổng thiệt hại của cả nước. Một trong những tổn thất đáng chú ý là 28 chiếc tàu du lịch chìm đắm giữa lòng biển cả, đánh dấu sự tàn phá nặng nề của thiên nhiên với ngành du lịch địa phương.
Đại diện hãng tàu Indochine Hạ Long, ông Bùi Văn Tuyên, chia sẻ nỗi lo của ngành: bão đổ bộ với sức gió giật cấp 17 khiến 4 chiếc tàu của công ty ông bị đắm, dù đã tuân thủ các hướng dẫn phòng tránh bão. Việc tìm kiếm đơn vị trục vớt gặp nhiều khó khăn, khi giá cả tăng gấp đôi so với thông thường, gây thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp du lịch. Mỗi ngày các tàu nằm dưới nước là mỗi ngày thiệt hại gia tăng, cả về kinh tế lẫn khả năng tái sử dụng.
Trong khi đó, các chủ tàu như anh Nguyễn Đức Triệu (42 tuổi trú phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long) có 4 tàu đón khách du lịch tham quan vịnh Hạ Long thì có 3 chiếc bị đắm, dù biết rằng chi phí trục vớt lên rất lới có thể hơn 100 triệu đồng và khả năng tái sử dụng tàu là rất thấp, nhưng vì trách nhiệm an toàn vệ sinh môi trường, anh và các chủ tàu khác vẫn chấp nhận những khoản chi lớn để thuê đơn vị trục vớt. Họ không chỉ phải lo về chi phí trục vớt mà còn gánh vác cả chi phí ăn ở cho thợ trục vớt mỗi ngày. Thiếu đơn vị trục vớt, các tàu bị ngâm trong nước biển ngày càng hư hại nghiêm trọng, trong khi danh sách các tàu cần được trục vớt còn rất nhiều.
Trước tình hình cấp bách này, Quảng Ninh đã nhanh chóng có những hành động thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tàu du lịch. UBND tỉnh, do Chủ tịch Cao Tường Huy, đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp để lắng nghe nguyện vọng, chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, quy định hiện hành theo Nghị định 05/2017/NĐ-CP chủ tàu phải chịu toàn bộ chi phí trục vớt, gây thêm rào cản trong việc sử dụng ngân sách hỗ trợ từ địa phương.
Dù vậy, Quảng Ninh không lùi bước trước thách thức. Địa phương này đã báo cáo và đề xuất với Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải để mở rộng đối tượng hỗ trợ, nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp. Các chính sách hoãn, giãn nợ, vay vốn mới và miễn giảm thuế cũng đang được triển khai do Địa phương này cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để thống nhất, giúp các doanh nghiệp du lịch từng bước khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, các hoạt động trục vớt cũng đang được tăng cường, với sự tham gia của 3 đơn vị đã trục vớt thành công 111 trên tổng số 269 phương tiện, trong đó có 15 tàu du lịch.
Sau gần 30 năm hoạt động, đội tàu du lịch vịnh Hạ Long đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững của di sản thế giới này. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã đặt ra một thử thách mới cho ngành du lịch Quảng Ninh. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, địa phương vẫn kiên cường, tự lực, không ngừng tìm kiếm các giải pháp để nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Hành trình khắc phục sau bão của Quảng Ninh không chỉ là cuộc chiến với thiên tai mà còn là minh chứng cho tinh thần vững vàng trước mọi thử thách.