Cùng dự và chủ trì buổi làm việc có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và đại diện văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành.
Về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; các Phó Chủ tịch của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: TS Đoàn Thanh Nô (PCT thường trực); NSND, họa sĩ Vương Duy Biên (PCT chuyên trách); ĐBQH, NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; NSND Trịnh Thị Thuý Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành văn học nghệ thuật Trung ương.
Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết: Trong các năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, nỗ lực trong sáng tác, vận động, tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu tác phẩm văn học nghệ thuật, tham gia chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân, đóng góp vào những thành quả chung, quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trong các năm qua chưa có nhiều tác phẩm tác phẩm đỉnh cao, chưa tạo được sự quan tâm rộng lớn của công chúng, sức lan tỏa chưa nhiều. Một số quy định về chế độ, chính sách với cán bộ Hội chưa rõ ràng. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, cán bộ giúp việc, tham mưu gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư cho văn học nghệ thuật chưa tương xứng. Công tác văn học nghệ thuật nói chung và nhất là ở các địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng về kinh phí hoạt động. Một số cấp uỷ, chính quyền chưa coi trọng, chưa quan tâm đến vai trò, tính đặc thù của văn học nghệ thuật. Công tác xã hội hóa chưa mạnh, hiệu quả không cao.
Đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về cơ chế giao nhiệm vụ và thực hiện áp dụng định mức chi về hỗ trợ sáng tạo tác phẩm theo Quyết định 558-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan phê duyệt kinh phí về sách 3D theo Quyết định 69/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Nước, 100 năm thành lập Đảng trên nền tảng công nghệ 4.0; Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 25-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Giải thưởng VHNT hàng năm; Tổng hợp, báo cáo về những nhiệm vụ Liên hiệp và các Hội đã kiến nghị, đề xuất đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng thành các chương trình, đề án riêng để thực hiện.
Tại buổi làm việc, các ý kiến của đại diện lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương đồng thuận đề xuất hoàn thiện và thành lập Đảng đoàn tại các Hội, cơ chế giải thưởng các Liên hoan, Giải thưởng của các Hội, chính sách cho các nghệ sĩ...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết sẽ có các giải pháp khơi thông cơ chế, chính sách sẽ được xây dựng, thực hiện vì sự phát triển của VHNT Việt Nam trong thời gian tới. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, sau khi có được nhận thức chung trong nội dung phát triển VHNT và đào tạo đội ngũ văn nghệ sĩ, khi Quốc hội thông qua, cùng với Bộ VHTTDL, vấn đề tổ chức thực hiện sẽ do Liên hiệp các Hội VHNT, các cơ sở đào tạo, địa phương… Việc này cho thấy sự phân vai, phân cấp trong tổ chức thực hiện. Bộ trưởng mong muốn việc này sẽ có sự vào cuộc quyết liệt của các bên liên quan để tạo tính hiệu quả trong thực thi.
Về chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng nhận định phải xác định rõ Nhà nước giữ vai trò kiến tạo chính sách, doanh nghiệp thực hiện và văn nghệ sĩ giữ vai trò là những người sáng tạo.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận những kết quả Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương đã đạt được trong sự nghiệp phát triển VHNT Việt Nam. Trong giai đoạn tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị phải quán triệt sâu sắc những Nghị quyết, Kết luận của Đảng về văn hóa nói chung và VHNT nói riêng đến các cấp, đơn vị. Từ đó, tạo sự thống nhất trong Đảng, Nhân dân; bác bỏ những quan điểm sai trái của thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhưng vẫn tự do, dân chủ trong sáng tạo; khơi dậy, phát huy mạnh mẽ khát vọng cống hiến, năng lực sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tăng cường nguồn lực xây dựng, phát triển VHNT; quan tâm hơn nữa đến đời sống văn nghệ sĩ; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội VHNT chuyên ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Việc đầu tư cho VHNT phải tránh dàn trải, có sự phân bổ hợp lý; chú trọng đến cơ sở hạ tầng để nâng tầm vị thế đất nước, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của nhân dân. Công tác xã hội hóa trong VHNT cần được quan tâm theo hướng hoàn thiện các chính sách.
Ngoài ra, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cùng các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương cần phát huy vai trò trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo điều lệ và tham gia cùng các cơ quan quản lý trong xây dựng hệ thống pháp luật, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong phát triển VHNT; nỗ lực đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các giải pháp đưa ra phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc: