Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm

Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm

Lan Chi, Hữu Thành|14:25 05/04/2023

(NADS) - Làng Bàu Trúc (hay còn gọi Vĩnh Thuận) được đặt tên theo địa danh Chăm là “Palei Hamu Craok” thuộc khu phố 7, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, có tuổi đời hàng trăm năm, được xem là làng gốm cổ xưa nhất ở Đông Nam Á đến nay còn bảo lưu khá tốt kỹ thuật làm gốm hoàn toàn thủ công.

Vừa qua “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại là điều hết sức đáng mừng và tự hào. Quyết định này được thông qua trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11 đến 3/12/2022 tại thủ đô Rabat của Maroc.

img_5508.jpg

Người Chăm làm gốm với kỹ thuật và quy trình thủ công truyền thống được các gia đình duy trì qua nhiều đời theo chế độ mẫu hệ “mẹ truyền - con nối” Nơi đây được xem như một bảo tàng gốm truyền thống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Dù trải qua bao thăng trầm trong tiến trình phát triển, gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với thời gian, vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ của gốm cổ cách đây hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm. 

img_5482.jpg

Để tạo được một dáng gốm hoàn chỉnh người thợ gốm phải qua 6 công đoạn nhỏ như sau: Làm đất – Nặn hình – Chà láng gốm – Trang trí hoa văn – Tu sửa gốm – Nung gốm. Trong quá trình làm gốm, thợ gốm Chăm thực hiện nhiều khâu kĩ thuật khá phức tạp. Từ khâu làm đất, tạo hình đến nung gốm, họ hoàn toàn sử dụng bằng tay.

img_5504.jpg

Người Chăm rất coi trọng việc chọn đất để làm gốm. Loại đất này chỉ có bên bờ sông Quao. Đất lấy từ bờ sông mang về, được đem phơi khô rồi đập nhỏ ra, sau đó trộn với cát mịn, làm cho thật nhuyễn. Đây là khâu đầu nhưng cũng là khâu quan trọng bậc nhất đối với gốm Chăm Bàu Trúc. Việc nặn gốm đòi hỏi thợ gốm phải có tay nghề cao, đạt đến độ tinh xảo thì mới có thể cùng một lúc kết hợp nhiều thao tác phức tạp để tạo thành một sản phẩm gốm có dáng tròn đều đặn. Điều làm nên sự khác biệt của nghệ thuật làm gốm Chăm ở làng Bàu Trúc chính là phong cách làm gốm không sử dụng đến thiết bị bàn xoay. Người thợ vừa đi giật lùi vòng quanh chiếc trục đặt khối đất sét, vừa đều tay xoa, vuốt để tạo hình sản phẩm.

img_5480.jpg

Sau khi tạo dáng xong người thợ tiến hành trang trí hoa văn cho sản phẩm. Thường có các kiểu hoa văn khắc vạch, in chấm bằng que cây, bằng vỏ sò, bằng hoa lá thực vật… Ngoài các loại hoa văn thông thường kể trên còn sử dụng hoa văn móng tay, dùng màu thực vật để nhuộm màu áo gốm và còn kết hợp với phương pháp chà láng để tăng thêm vẻ đẹp của gốm. Sản phẩm đã được tạo hình xong, để 2-3 ngày phơi cho khô mặt. 

img_5500.jpg

Gốm Chăm không nung trong lò, mà chủ yếu được nung lộ thiên, ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 600 độ C trong vòng 6 giờ. Cách nung lộ thiên này nhằm tạo không gian cho sản phẩm, lửa nung kết hợp với gió thổi tạo nên các vết loang, các màu đặc trưng mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu... Với một số dòng sản phẩm mỹ nghệ, nghệ nhân còn sử dụng nhiều cách tạo màu tự nhiên như phun nước hạt điều, nước cây thị. Trong khi loại tượng nghệ thuật lại có thể được om trấu hoặc củi để tạo những vết loang đen do khói lửa. Do được làm thủ công hoàn toàn, từng sản phẩm một, nên gốm Chăm không có chiếc nào giống y hệt chiếc nào như sản phẩm đúc bằng khuôn ở các làng nghề gốm khác.

img_5506.jpg
img_5505.jpg

Đến nay, cùng với cải tiến dòng sản phẩm gốm dân dụng, làng Bàu Trúc đã và đang phát triển dòng gốm trang trí, gốm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước… phục vụ trang trí nội, ngoại thất cho các gia đình, khách sạn, khu resort trên toàn quốc. Gốm Bàu Trúc hiện có hàng nghìn sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau, có giá từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng/sản phẩm.

Hướng phát triển bền vững của một làng nghề Bầu Trúc là làm thế nào để có thể vừa bảo tồn di sản văn hoá vừa tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống của người dân. Đó đang là ước mơ của người dân Bầu Trúc cũng là những trăn trở của chính quyền địa phương.

img_5507.jpg
img_5478.jpg

Việc “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại sẽ giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về giá trị của Nghề làm gốm truyền thống của người Chăm trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam. Việc ghi danh cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm bảo tồn, vực dậy sức sống của di sản, tạo thêm nguồn lực cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản này.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Độc đáo nghệ thuật gốm Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO