(NADS) - Nghị quyết 98 của của Quốc hội có hiệu lực từ 1/8/2023, lộ trình ra khơi xa đã được rộng mở, để kinh tế TP Hồ Chí Minh có thêm nội lực và động lực để tăng tốc, phát triển.
Là một trong những đơn vị kinh tế chủ lực, du lịch TP Hồ Chí Minh đã và đang có những bước chuyển mình tích cực, trở thành tiêu điểm trọng yếu trong bức tranh tổng thể của kinh tế TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Tạp chíNhiếp ảnh và Đời sốngđã có cuộc trao đổi với ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này:
NÉT MỚI CỦA NGÀNH DU LỊCH TP HỒ CHÍ MINH
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh
Không gian du lịch (KGDL) không chỉ là các khu điểm du lịch và dịch vụ du lịch. Đó còn là nơi du khách có thể trải nghiệm một cách trọn vẹn hơi thở, đời sống, tính cách của điểm đến. KGDL còn là kiến trúc, cảnh quan, đường phố, công viên, môi trường sạch đẹp và thân thiện, thậm chí những con phố, góc đường, ngõ hẻm bình dị nhưng độc đáo, cũng là một phần tạo nên KGDL TP Hồ Chí Minh mà du khách muốn trải nghiệm.
“Bên cạnh sự nỗ lực của ngành du lịch, còn cần sự góp sức của xã hội và cộng đồng, để có thể tạo ra KGDL đặc biệt đó”, ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ.
Tác phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững và toàn diện - Tác giả: Lê Hoàng Mến - Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
Phóng viên (PV): Năm 2023, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh xác định tập trung truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố, thúc đẩy kích cầu du lịch. Để hiện thực hóa những vấn đề trọng yếu này, theo ông ngành du lịch TP đã và đang có những định hướng cụ thể như thế nào?
Ông Hiền Hòa: Trong chiến lược phát triển, ngành du lịch thành phố đã xác định 9 định hướng và 8 giải pháp:
9 định hướng, gồm có: khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; về phát triển thương hiệu; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; đầu tư phát triển ngành du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số điểm đến du lịch và phát triển du lịch theo không gian.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng xây dựng 8 nhóm giải pháp: nhận thức, cơ chế chính sách, tổ chức và quản lý, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo môi trường du lịch, phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, ứng dụng khoa học- công nghệ, liên kết phát triển du lịch.
Tác phẩm: Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sắc màu trong ngày hội khinh khí cầu - Tác giả: Lê Hoàng Mến - Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
PV: TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm du lịch đa dạng và hấp dẫn như: nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, bảo tàng chiến tranh, phố đi bộ Nguyễn Huệ, địa đạo Củ Chi, “lá phổi xanh” Cần Giờ…Tuy nhiên, du lịch thành phố đang phải đối diện với nhiều thách thức như quy hoạch, hạ tầng giao thông; thiếu điểm nhấn và ý tưởng sáng tạo. Để khắc phục các bất cập đó, ngành du lịch nói riêng và các ban, ngành chức năng của thành phố cần phối hợp như thế nào để tháo gỡ những tồn tại nhất thời này?
Ông Hiền Hòa: Thành phố đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp để phát triển không chỉ ngành du lịch mà còn thúc đẩy phát triển đồng bộ nhiều ngành khác như giao thông, thương mại, dịch vụ, văn hóa… Trong thời gian vừa qua, các sở, ngành, TP Thủ Đức, các quận, huyện đã phối hợp để giải quyết những bất cập nhằm hỗ trợ du lịch phát triển như bến neo đậu tàu, chỉnh trang công viên…
Phố đi bộ Nguyễn Huệ - Tác giả: Hoàng Thạch Vân
Về sáng tạo và điểm nhấn, trong thời gian vừa qua, với chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm đặc trưng”, chương trình tham quan trụ sở Hội đồng nhân dân và UBND TP Hồ Chí Minh, lễ hội sông nước, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng, chương trình tham quan các di tích Biệt động Sài Gòn… sản phẩm du lịch TP đang trở nên đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, mang bản sắc của Thành phố.
PV: Có ý kiến cho rằng, TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch cũ, nhưng chưa được nâng cấp, làm mới, để đạt chất lượng cao hơn. Chúng ta mải mê đi tìm sản phẩm du lịch mới và dường như ít lưu tâm hơn đối với những sản phẩm vốn có. Ở góc độ quản lý, ông có suy nghĩ gì về điều này?
Ông Hiền Hòa: Để đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sản phẩm du lịch cần được phát triển có hệ thống với 3 nhóm sản phẩm du lịch gồm: sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch chính và sản phẩm du lịch bổ trợ nhằm đảm bảo sự đa dạng và sự khác biệt trong hệ thống sản phẩm du lịch của Thành phố.
Tác phẩm: Pháo hoa mừng năm mớ 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh - Tác giả: Huỳnh Thu - Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
a. Nhóm sản phẩm du lịch đặc thù
- Sản phẩm du lịch đường thủy: Gồm các sản phẩm du lịch đường thủy trong địa bàn TP và các sản phẩm kết nối TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, trung tâm du lịch của Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, với các trải nghiệm đầy đủ về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái điển hình như lưu vực một số con sông lớn: sông Đồng Nai, sông Tiền, sông Hậu và các đảo ven bờ biển.
Du lịch xe buýt trên sông - Ảnh: VVHoang
- Sản phẩm du lịch giải trí và hoạt động về đêm: Với các tổ hợp du lịch vui chơi giải trí, mua sắm hiện đại, thông minh mang tầm khu vực với bản sắc văn hóa riêng của thành phố, các công viên chuyên đề nơi du khách có thể được thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm và trải nghiệm ẩm thực gắn với đề án Phát triển kinh tế ban đêm của TP.
Tác phẩm: Nhộn nhịp không khí Tết nguyên tiêu - Tác giả:Nguyễn Văn Trung - Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
- Sản phẩm du lịch sự kiện - lễ hội: Nhằm phát huy lợi thế so sánh của một đô thị lớn, trẻ, năng động vào loại lớn nhất ở khu vực và là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa và đào tạo, gắn với đề án Phát triển ngành Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020- 2035, đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035 và đề án Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030.
b. Nhóm sản phẩm du lịch chính:
- Sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa: Với tài nguyên du lịch là những di tích văn hóa - lịch sử, các công trình kiến trúc độc đáo với thiết kế truyền thống, hiện đại, những giá trị văn hóa giao thoa của các cộng đồng địa phương; những giá trị lịch sử độc đáo chịu ảnh hưởng của cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Địa bàn trọng tâm của nhóm sản phẩm này tập trung ở khu vực quận 1, quận 3, quận 4, quận 5, quận Bình Thạnh, quận 10, quận 11… gắn với đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố.
Học sinh tham quan thành phố 2 - Ảnh: Nguyễn Mạnh Cường
- Sản phẩm du lịch MICE: Gắn với phát huy lợi thế của hệ thống cơ sở vật chất phong phú, hệ sinh thái doanh nghiệp du lịch đa dạng, thị trường nguồn hàng đầu…. và là nơi có nhiều cơ hội kinh doanh mới. Có thể tận dụng vị trí trung tâm của TP Hồ Chí Minh kết nối với các chuyến bay nước ngoài đến các điểm đến nội địa quan trọng, xây dựng hình ảnh tiện ích kinh doanh và MICE mở rộng, sẵn sàng phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng. Sản phẩm du lịch MICE có khu vực tập trung phát triển chủ yếu tại quận 1, quận 3, quận 7, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận và TP Thủ Đức. Các quận, huyện lân cận của khu vực này có vai trò tạo nên những hoạt động bổ trợ cho du lịch MICE, để tạo nên sức hấp dẫn và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
- Sản phẩm du lịch ẩm thực: Là sản phẩm tiềm năng, có thể phát triển tại tất cả các địa bàn ở TP gắn với đặc điểm tự nhiên và xã hội của từng địa phương. Tập trung phát triển các trung tâm ẩm thực tại địa bàn quận 4, quận 7, quận Phú Nhuận, TP Thủ Đức và phát triển các nhà hàng ẩm thực đẳng cấp quốc tế. Đặc biệt, TP cần tận dụng ảnh hưởng của việc có các dịch vụ ẩm thực được Michelin giới thiệu để gia tăng thương hiệu ẩm thực TP Hồ Chí Minh.
Cafe vợt, một thức uống, một nét văn hoá đặc trưng của ẩm thực TP.HCM - Ảnh: Phạm Thị Kim Oanh
- Sản phẩm du lịch mua sắm: Xây dựng TP thành một trung tâm mua sắm trong khu vực, bằng cách tận dụng sự đa dạng của các cửa hàng độc lập, chợ đường phố, giảm giá và xây dựng các khu phố thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại, các trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa (factory outlet), các cửa hàng miễn thuế trong thành phố (downtown duty free) để thu hút khách du lịch và nâng cao trải nghiệm cho tất cả khách du lịch. Đưa trải nghiệm mua sắm trở nên thân thiện hơn với người nước ngoài. Quảng bá các sản phẩm thủ công và nghệ thuật chất lượng của Việt Nam, các địa điểm và khu vực mua sắm mới, khuyến khích để cải thiện chất lượng dịch vụ của nhân viên và thúc đẩy trải nghiệm mua sắm đẳng cấp cho thị trường cao cấp.
Tác phẩm: Nét đẹp AEON Bình Tân - Tác giả: Nguyễn Văn Phụng - Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
c. Nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ
- Sản phẩm du lịch y tế: Phát huy lợi thế của hệ thống các cơ sở y tế công lập và tư nhân với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân lực y tế và chất lượng dịch vụ hàng đầu cả nước. Các sản phẩm thế mạnh tập trung phát triển là khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, nha khoa, y học cổ truyền, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, tim mạch, sản phụ khoa…
- Sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng: Các sản phẩm trải nghiệm cảnh quan, các giá trị đa dạng sinh học sông Sài Gòn, sông Nhà Bè cùng với hệ thống kênh rạch và hệ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Không gian phát triển du lịch sinh thái của TP tập trung tại các quận, huyện quận 1, quận 3, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức.
Tác phần: Kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè hôm nay - Tác giả: Lê Anh Tuấn - Liên hoan Ảnh nghệ thuật TP.HCM năm 2023
Liên kết với các tỉnh lân cận để tạo nên một sản phẩm du lịch sinh thái mang tính liên kết như Long An, Tây Ninh và Bình Phước. Xây dựng tour du lịch khám phá thiên nhiên với các điểm đến như làng nổi Tân Lập, làng sen Ramsa, vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười tại Long An, núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, vườn Quốc gia Lò Gò – Xa Mát tại Tây Ninh và vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Ca – Ra Thác Mơ, vườn quốc gia Nam Cát Tiên tại Bình Phước.
Ở tại các vùng ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, các sản phẩm du lịch sinh thái có thể gắn kết chặt chẽ với ngành nông nghiệp, với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đề án Xây dựng thương hiệu vàng nông nghiệp TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2030.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.