Hang Hỏa Tiễn gắn với sự kiện ngày 28/4/1966, sau khi phát hiện hang Hỏa Tiễn là nơi trú ẩn của lực lượng TNXP sau giờ lao động, máy bay Mỹ đã oanh tạc dữ dội mỏ đá, bắn tên lửa (hỏa tiễn) vào hang, khiến đá trên núi vỡ ra vùi lấp hang, làm 33 anh chị em thuộc Tổ 4 hi sinh.
Kể từ đó, hang được người dân địa phương gọi là hang Hỏa Tiễn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng với nhiều bến phà, cầu, nhà ga khu vực miền Bắc bị máy bay địch ngày đêm ném bom đánh phá, Hoàng Mai cũng trở thành trọng điểm ác liệt trên tuyến quốc lộ 1A lúc bấy giờ. Để kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam đánh địch, với khẩu hiệu “Tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, bên cạnh vận tải đường bộ, đường biển, đường sông, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương khai thác triệt để thế mạnh của tuyến vận tải đường sắt trong điều kiện địch đánh phá ác liệt.
Ngày 27/4/1965, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định thành lập đơn vị C271, Đội 27 “Ba sẵn sàng” gồm 150 cán bộ, chiến sĩ được giao cho Tổng cục Đường sắt để đáp ứng bảo vệ tuyến đường sắt huyết mạch khu vực Thanh Hóa – Vinh, trong đó tập trung tăng cường cho mặt trận Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Những người con ưu tú, với sức trẻ mười tám, đôi mươi đến từ các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… đã nhận lệnh vào Hoàng Mai để làm nhiệm vụ. Đơn vị C27 được phân thành nhiều tổ đội, trong đó có Tổ 4 với 36 cán bộ, chiến sĩ (14 nam, 22 nữ) nhiệm vụ khai thác đá để xây dựng đoạn đường sắt vào ga Hoàng Mai và khắc phục kịp thời các sự cố trên tuyến đường này khi bom Mỹ đánh phá. Lực lượng TNXP đã không quản ngày đêm, mưa bom bão đạn kiên cường bám cầu, bám đường, bám phà, đảm bảo thông suốt cho những chuyến hàng, chuyến tàu qua khu vực Hoàng Mai chi viện cho chiến trường miền Nam.
Khoảng 9 giờ sáng 28/4/1966, Tổ 4 thuộc đơn vị C271 đang vận chuyển đất đá để hoàn thành đoạn đường ray còn lại thì bất ngờ bị máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc-két khiến 33 TNXP đang trú ẩn trong hang hy sinh vì bom đánh sập cửa hang. Năm 2003, toàn bộ 33 TNXP hy sinh tại hang Hỏa Tiễn (hang Khỉ) được Nhà nước công nhận là Liệt sĩ chống Mỹ cứu nước.
Ngày 27/4/2011, Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 1410/QĐ-BVHTTDL công nhận hang Hỏa Tiễn và Nghĩa trang Liệt sĩ đường sắt (thuộc thị trấn Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu), nay thuộc phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tấm gương hy sinh của 33 chiến sĩ TNXP Tổ 4 – C271, tại hang Hỏa Tiễn luôn được người dân địa phương, xí nghiệp và ngành đường sắt tri ân, tưởng nhớ.
Hằng năm, vào ngày giỗ 28/4, ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Tết cổ truyền, Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, đồng chí, đồng đội đều tưởng nhớ đến họ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực... Nơi đây đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ, sáng mãi bản hùng ca “đời đời bất tử” cùng với các di tích văn hóa, kiến trúc, lịch sử, tâm linh trên mảnh đất Hoàng Mai – Quỳnh Lưu là điểm đến hấp dẫn cho du khách thập phương mỗi lần về với miền quê nơi địa đầu xứ Nghệ.