Cộng đồng yêu thích nhiếp ảnh tại Việt Nam đông đảo, lực lượng trẻ lại càng nhiều. Tuy nhiên, ngoài những hội, nhóm online thì việc có một triển lãm trực tiếp để cùng chia sẻ, cảm nhận và đánh giá các tác phẩm của các “nhiếp ảnh gia nghiệp dư” thì chưa nhiều.
Do đó, vừa qua, triển lãm ảnh của sinh viên “Kể” đã diễn ra vào ngày 2/4 vừa qua tại Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là triển lãm được tổ chức bởi chính các sinh viên lớp Báo chí Chất lượng cao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm nhận được sự ủng hộ và đón nhận của nhiều nhà báo, nhiếp ảnh gia và các bạn sinh viên yêu thích nhiếp ảnh.
Sân chơi nhiều tiềm năng
Những triển lãm ảnh của sinh viên là một sân chơi để những người có cùng xuất phát điểm được cùng đánh giá, phê bình và nhận xét. Sau mỗi triển lãm là một lần trưởng thành hơn trong sự nghiệp “cầm máy” của những ai có mong muốn trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hay đơn giản là có sự yêu thích với bộ môn nghệ thuật này.
NSNA Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP.HCM cũng cho biết các triển lãm ảnh được thực hiện bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì không thiếu. Tuy nhiên, không phải ai cũng “dám” thực hiện những buổi triển lãm khi chưa đạt được độ “chín” nhất định trong nghề. “Các tác phẩm tuy chưa đạt trình độ ảnh nghệ thuật, nhưng nội dung các phóng sự ảnh rất đời thường, phản ánh chân thực cuộc sống từ trái tim các em”, ông chia sẻ.
Thầy giáo nhiếp ảnh Th.S Vũ Hải Sơn, giảng viên hướng dẫn môn Ảnh Báo chí, đồng thời là giám tuyển của triển lãm “Kể” cũng tiết lộ các tác phẩm treo tại triển lãm thực chất là bài thi kết thúc học phần của các sinh viên Báo chí. “Tuy nhiên, nếu việc thực hiện bài thi chỉ vì con điểm thì điều ấy không có giá trị. Tôi muốn mỗi giờ học của tôi, mỗi phút giây các em thực hiện bộ ảnh, các em sinh viên sẽ cảm thấy hạnh phúc”, thầy giáo Th.S Vũ Hải Sơn trong bài phát biểu khai mạc.
Ngoài ra, thầy Vũ Hải Sơn cũng bày tỏ mong muốn “Kể” là tiền đề để khuyến khích nhiều hơn các sinh viên thực hiện triển lãm ảnh và nói lên tiếng nói của người trẻ bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. “Tôi đã đợi 18 năm, trong suốt thời gian đi dạy của mình để có một triển lãm ảnh như ngày hôm nay”, thầy Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, trong buổi khai mạc triển lãm “Kể” sáng ngày 2/4, nhà báo Nick Út - tác giả của bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng. Tại đây, nhà báo Nick Út cũng xúc động phát biểu: “Các em hôm nay làm tôi nhớ lại kỷ niệm cách đây mấy chục năm trước. Tôi bắt đầu cầm máy lúc 16 tuổi.”
Dám làm - dám sai
Nhiều triển lãm ảnh được tổ chức bởi sinh viên có ý nghĩa lớn trong việc truyền tải những thông điệp về tình yêu nhiếp ảnh và góc nhìn về cuộc sống của người trẻ. Để thực hiện thành công một triển lãm, sự ủng hộ từ những người đi trước là cần thiết nhưng quan trọng nhất là sự quyết tâm của các sinh viên.
“Tôi luôn mong muốn tạo điều kiện hết mức để các em vừa được học, vừa được thực hành. Tuy nhiên, tạo ra cơ hội cho chính mình là ở các em”, thầy Vũ Hải Sơn cho biết.
Theo NSNA Lê Hoàng Mến, những triển lãm ảnh của sinh viên cũng là một cơ hội bản thân anh được học hỏi và mở rộng góc nhìn từ những bạn trẻ. NSNA Hoàng Mến cũng cho rằng tiềm năng để phát triển những triển lãm ảnh của sinh viên trong tương lai là rất lớn. “Với tuổi trẻ đam mê học hỏi và có lòng nhiệt huyết các bạn còn tiến xa hơn những gì các bạn không tưởng tượng”, anh nói.
Các tác phẩm nhiếp ảnh có thể còn nhiều khuyết thiếu về kỹ thuật nhưng góc nhìn không giới hạn cho bất kỳ một ai. Ngôn ngữ nhiếp ảnh có thể mang đến nhiều câu chuyện bằng thông tin được truyền tải. Một “cú nháy” lại có khi bắt được cả một khoảnh khắc chỉ có một lần trong đời. “Cái mà các bạn thiếu còn khá nhiều như kinh nghiệm và chuyên môn cần trau dồi thêm, tâm lý còn e ngại, chưa dám bước ra khỏi vòng an toàn của mình”, nhiếp ảnh gia Hoàng Mến chia chia sẻ thêm.
Bạn Kim Ngân - sinh viên lớp Báo chí Chất lượng cao, tác giả tham gia triển lãm chia sẻ: “Việc cởi mở lắng nghe phê bình từ người đi trước mới khiến các tác phẩm dần tốt lên. Nếu chỉ dừng lại ở trưng bày mà không có những buổi nhận xét, chỉnh sửa thì khó để những người thiếu kinh nghiệm được trau dồi thêm” chia sẻ các triển lãm của sinh viên hiện tại vẫn chưa có sự kết hợp với những nhiếp ảnh gia có chuyên môn.
Sai lầm là những điều khó tránh khỏi khi thực hiện một triển lãm. Tuy nhiên, việc “dám sai” và lớn lên từ những sai lầm mới là những bài học quý giá. Chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức triển lãm, thầy Vũ Hải Sơn cho rằng: “Là một sinh viên, các em được quyền sai. Đây là những bài kiểm tra rất nhỏ, và các em được quyền xé nháp”.
Những triển lãm ảnh thực hiện bởi sinh viên, dành cho sinh viên là một không gian tốt để khai mở hướng phát triển đầy năng động của lớp trẻ. Để có được điều đó là sự kết hợp và ủng hộ từ những người có kinh nghiệm đi trước. Song, hạt nhân quan trọng làm nên những sự kiện ấy chính là sức trẻ - dám nghĩ, dám làm và dám sai từ những “mầm non mới” của tương lai - thế hệ Z.