Tạp chí Nhiếp ảnh - “Không khí đổi mới báo chí đã cuốn tôi vào cuộc"

16:48 28/11/2018

NADSO - Trung tuần tháng 3/1990, cụ Tô Hoài (khi ấy là Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, người sáng lập và trực tiếp làm Tổng biên tập báo “Người Hà Nội”) gặp riêng tôi với nhã ý mời tôi về làm việc cho Hội NSNA Việt Nam. Và từ quý II/1990, tôi  về Hội NSNA Việt Nam với nhiệm vụ được phân công: Trưởng ban sáng tác – Triển lãm – Phong trào và Hội viên, Phó tổng biên tập Tạp chí. Tạp chí ra 3 tháng/kỳ nên khá thoải mái.

Để tiếp tục cải tiến nội dung và hình thức tờ Tạp chí Nhiếp ảnh, mở rộng đối tượng bạn đọc trên phạm vi toàn quốc, tôi đã đưa ra các ý tưởng và anh Hoàng Tư Trai, khi ấy là Tổng biên tập Tạp chí rất hoan nghênh. Hồi đó, mặc dù giới Nhiếp ảnh Việt Nam khá đông đảo, chụp ảnh giỏi nhưng lực lượng cầm bút quá mỏng, nên ý tưởng đầu tiên là cần phải mời các Nhà văn, Nhà thơ, Họa sĩ, Nhạc sĩ, các Nhà báo cùng tham gia cộng tác viết bài cho Tạp chí, làm cho tờ Tạp chí phong phú thông tin, nghiệp vụ, đa dạng nội dung bài và ảnh.

Đặc điểm của người Việt Nam ta sống hồn nhiên, thích làm thơ, rất thích chụp ảnh và muốn am hiểu cách chụp ảnh. Vì vậy, Tạp chí nên mở thêm chuyên mục “Tự học chụp ảnh qua Tạp chí”. Mục này sẽ mời gọi bạn đọc đến với chúng ta. Tạp chí nên có chuyên mục giới thiệu“Những tác phẩm hay – Những người chụp tốt” nhằm tôn vinh sự thành công của các tác giả và nâng tầm nhìn, biết cách xem ảnh, thưởng thức nghệ thuật của công chúng tiến tới phổ cập môn nhiếp ảnh.



Lời mời của nhà văn Tô Hoài, mời hoàng Kim Đán về làm việc cho Tạp chí Nhiếp ảnh

Để tạo điều kiện cho các nghệ sĩ đi vào cuộc sống, tìm người đẹp trên mọi lĩnh vực, tạp chí nên chủ động mở cuộc thi“Hoa hậu ảnh”. Thực tế ở Việt Nam đã có những cuộc thi hoa hậu từ đầu thế kỷ XX, nhưng Hoa hậu qua ảnh thì chưa. Mở cuộc thi này chắc chắn không khí trong nhiếp ảnh sẽ sôi động hơn. Người chụp ảnh sẽ chăm chỉ đi tìm mẫu đẹp. Người đẹp đi tìm người chụp tốt. Kết thúc cuộc thi, chúng ta sẽ tổ chức chấm công khai trên truyền hình, như vậy độc giả xem truyền hình cả nước đều biết.

Tạp chí nên dành thời gian tiếp cận hay tổ chức gặp mặt các văn nghệ sĩ tiêu biểu để mời họ xem ảnh của các tác giả, mời xem triển lãm và mời họ viết cho Tạp chí Nhiếp ảnh.

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao hoạt động nhiếp ảnh, Tạp chí Nhiếp ảnh mở thêm chuyên mục “Chân dung văn nghệ sĩ” để giới thiệu các nghệ sĩ tiêu biểu trên các lĩnh vực: Văn học, Hội họa, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh… Chuyên mục này vừa giới thiệu được tác giả - tác phẩm nhiếp ảnh, lại giúp các bạn trẻ làm quen với các văn nghệ sĩ.

Đặc biệt, Tạp chí ngỏ lời muốn xin “ở riêng”, tự hạch toán kinh tế với 5 biên chế như sau:
  • Phó tổng biên tập nhận sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng biên tập, trực tiếp điều hành chung cả hai nhiệm vụ Tạp chí và du lịch.
  • Trưởng ban biên tập chịu trách nhiệm về nội dung.
  •  Phóng viên vừa chụp ảnh, vừa viết bài và lo khâu in ấn Tạp chí.
  •  Biên tập viên giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, chuyên hướng dẫn du lịch.
  •  Lái xe kiêm quay phim, chụp ảnh, dựng băng đĩa cho khách du lịch trước khi rời Việt Nam. Cơ quan Tạp chí và văn phòng du lịch đặt tại Hội NSNA Việt Nam.

Tất cả các nội dung cải tiến Tạp chí đều được Tổng biên tập Hoàng Tư Trai nhất trí cho thực hiện. Chỉ riêng vấn đề xin “ra ở riêng” tuy rất hay nhưng cần phải có thời gian nghiên cứu mới có thể quyết định được.

Kể từ số 1, mở đầu của năm 1991, thời gian ra Tạp chí từ 3 tháng/ kỳ nay tăng lên 2 tháng/ kỳ. Sau 2 số phát hành, tòa soạn đã nhận được nhiều bài viết với đủ các thể loại: Tùy bút, Bút ký, Thơ, Truyện ngắn. Chuyên mục “Chân dung Văn nghệ sĩ”, các nhà nhiếp ảnh tham gia cũng khá sôi động. Tạp chí giới thiệu mỗi số từ 2 đến 5 chân dung văn nghệ sĩ tiêu biểu như nhà nghiên cứu văn hóa lớn Vũ Ngọc Phan, nhà thơ Xuân Diệu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, học giả Đào Duy Anh, nhà thơ Huy Cận, họa sĩ Mai Văn Hiến, nhà văn Ngọc Dao, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, nhà thơ Tú Mỡ, nghệ sĩ chèo Lâm Bằng, nghệ sĩ diễn viên kịch nói Minh Hòa, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ, nhạc sĩ họa sĩ Văn Cao, danh họa Bùi Xuân Phái...

Qua ảnh chụp của các nhà nhiếp ảnh: Trịnh Hải, Đinh Quang Thành, Hà Tường, Văn Phúc, Trần Chính Nghĩa, Phạm Anh Tuấn, Mai Nam, Tiến Luận, Hoàng Hải, Cao Minh,…(Hà Nội) Phạm Bá Thịnh, Nguyễn Văn Vinh (Huế), Phạm Minh Giảng, Trương Công Ánh, Vũ Hân (TP. HCM)..., chuyên mục “Tự học chụp ảnh” qua Tạp chí của Nguyễn Nhưng và Phạm Thái Tri cũng đem lại tác dụng thiết thực. Tác giả Dương Văn Châu (An Giang) trở thành nghệ sĩ, hội viên Hội NSNA Việt Nam qua đọc sách nhiếp ảnh của Nguyễn Nhưng. Nhà giáo Nguyễn Trung Thức (Quảng Ninh) đoạt giải thưởng quốc tế, anh bạn trẻ lái tàu Đức Kiên (Hà Nội) biết chụp ảnh qua đọc Tạp chí nhiếp ảnh.

Cuộc thi “Hoa hậu ảnh”diễn ra khá sôi nổi, được phản ánh kịp thời trên tạp chí và báo chí, truyền hình. Đã có gần 20 cơ quan và cá nhân tài trợ kinh phí và hiện vật, đủ kinh phí để hoạt động giám khảo và tặng giải thưởng cho các tác giả… Cuộc chấm được quay truyền hình trực tiếp nên nhiều người biết đến. Các chủ trương, biện pháp được thực hiện có hiệu quả, góp sức vào công cuộc đổi mới nội dung và hình thức. Hội nghị tổng kết báo chí toàn quốc cuối năm 1992 tại Hội trường Ba Đình, tờ Tạp chí Nhiếp ảnh được trưng bày ở khu vực: “Những sản phẩm báo chí đổi mới đúng định hướng”.

Việc phát hành, từ 1990 trở về trước cao nhất là 1000 bản, đến năm 1991 tăng lên 2000 rồi 3000, cao nhất là 4000 bản. Cuối năm 1993, tôi có quyết định điều động về làm chuyên viên Vụ Văn hóa Văn nghệ - Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, và trải qua các thời kỳ các Tổng biên tập mới, tờ Tạp chí lại được cách tân thêm về mặt nội dung và hình thức, không hề thua kém bất kỳ một tờ Tạp chí Hội nào.

Hà Nội, 19/10/2018
HOÀNG KIM ĐÁNG
                                      Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tạp chí Nhiếp ảnh - “Không khí đổi mới báo chí đã cuốn tôi vào cuộc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO