Tôi đi làm Tổng biên tập - Một câu chuyện dài...

18:04 28/11/2018

NADSO - Khi tôi đang làm Trưởng phòng Phóng viên biên tập Chính trị ngoại giao, Văn hóa - Xã hội của Ban biên tập ảnh Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN), vừa là phóng viên chuyên trách của Chủ tịch nước và Tổng bí thư thì được anh Lê Phức, Tổng thư ký Hội NSNA Việt Nam mời về Tạp chí Nhiếp ảnh làm Tổng biên tập thay anh Vũ Huyến nghỉ hưu. 

NSNA Cao Phong - Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh
Nhớ lại khi tôi nhận nhiệm vụ Phó TBT phụ trách Tạp chí là lúc tòa soạn đang trong thời kỳ khó khăn nhất. Cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, tiền trong tài khoản Tạp chí không có một đồng, nhân sự chỉ có 4 người, ngoài tôi là TBT, có Thư ký tòa soạn, 1 biên tập tổng hợp, 1 phóng viên kiêm in ấn phát hành. Tạp chí hàng tháng in giấy thường, khoảng hơn 60 trang, đóng gáy gập và phát hành 1000 - 1500 cuốn.

Muốn phát triển và đổi mới Tạp chí Nhiếp ảnh, tôi cùng anh em bàn bạc đề ra phương hướng và quyết phải thực hiện 5 biện pháp:

1. Tổ chức nhân sự, kiện toàn bộ máy Tạp chí.
Nhân sự là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi việc nên sau khi đề bạt các chức danh: Thư ký tòa soạn, Trưởng phòng biên tập, thiếu Biên tập viên, tôi nhờ NSNA Trần Mạnh Thường - nhà Lý luận phê bình nhiếp ảnh (người từng hợp tác với tôi làm công tác biên tập, biên soạn sách ở Nhà xuất bản Thông tấn) làm biên tập chính cho Tạp chí. Với ý tưởng lập các Văn phòng đại diện của Tạp chí Nhiếp ảnh tại các tỉnh của NSNA Hùng Cường (đã mất), chỉ sau 1 năm, Tạp chí Nhiếp ảnh đã có Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú ở hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đây chính là đầu mối để tập hợp Cộng tác viên, lấy bài, ảnh, xin tài trợ, quảng cáo và là cơ sở phát hành Tạp chí.

2. Đổi mới Tạp chí

Nhằm đáp ứng yêu cầu và thị hiếu bạn đọc, phù hợp với cơ chế thị trường, Tạp chí cần phải thay đổi cả hình thức và nội dung. Thời kỳ đầu anh em Phóng viên, Biên tập, Thư ký tòa soạn thậm chí cả TBT cũng phải liên hệ đặt bài và khai thác ảnh. Khó nhất nhất là chọn ảnh bìa 1, bìa 4. Điều cần làm ngay cho sự đổi mới là phải tăng số trang để Tạp chí có thể chuyển từ đóng gáy gập sang đóng gáy vuông. Ảnh bìa 1 được tuyển chọn kỹ, đẹp, tính nghệ thuật cao, nhìn bắt mắt, phù hợp với thị hiếu bạn đọc và xu thế của thị trường. Các trang ruột được họa sĩ thiết kế theo style thống nhất, tạo ra một phong cách riêng và độc đáo.

Sau hơn 1 năm Tạp chí thực sự lột xác, từ diện mạo đến chất lượng nội dung. Các bài viết được đăng tải hay hơn, phản ánh sự phát triển sôi động của phong trào nhiếp ảnh cả nước. Bên cạnh đó, có những bài viết chuyên sâu về chuyên môn cũng như về học thuật, phản ánh những trào lưu và khuynh hướng mới của nhiếp ảnh thế giới hoặc cập nhật sự phát triển đột phá của khoa học công nghệ đã tạo ra các ứng dụng kỹ thuật mới, những phát minh sáng chế ra các công cụ, máy móc thiết bị liên quan đến lĩnh vực nhiếp ảnh.

3. Khâu in ấn, phát hành

Tất cả đều tốt nhưng đến khâu in không đạt chất lượng, in ra một ấn phẩm xấu thì tất cả công lao của Phóng viên, Biên tập, Họa sỹ… đều đổ xuống sông xuống biển. Nên việc chọn nhà in có uy tín cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, phát hành cũng là yếu tố sống còn của Tạp chí. Số lượng phát hành nhiều hay ít chính là sự phản ánh thái độ tiếp nhận hay không tiếp nhận của bạn đọc và sự chấp nhận của thị trường đến mức nào. Nó là nguồn thu để tái tạo sức “sản xuất” cho Tạp chí, là nguồn kinh phí để nuôi sống bộ máy Tạp chí, là cơ sở để Tạp chí tồn tại.



Bìa Tạp chí Nhiếp ảnh số 253 tháng 3/2009 (một trong các sô của thời kì Tổng biên tập Cao Phong

4. Xây dựng đội ngũ Cộng tác viên

Tạp chí tồn tại được là nhờ đội ngũ Cộng tác viên hùng mạnh. Nếu chỉ có mình TBT, Thư ký tòa soạn, Trưởng phòng phụ trách phóng viên, Biên tập, một phóng viên ảnh dù có “ba đầu sáu tay” cũng không thể đủ bài vở, hình ảnh làm nên nội dung cốt yếu của Tạp chí. Bởi vậy, phải có danh sách những Cộng tác viên, nhất là các Cộng tác viên ruột thường đóng góp những bài viết hay, hình ảnh đẹp có nội dung tốt cho Tạp chí. Anh Bùi Hỏa Tiễn làm Thư ký tòa soạn, giúp tôi trong việc lập đề cương, khai thác tin bài từ các Cộng tác viên. Sau này, khi chị Chu Thu Hảo đảm nhiệm chức vụ Thư ký tòa soạn, đã nắm rất chắc đội ngũ Cộng tác viên. Chị biết rất rõ và tường tận từng Cộng tác viên ai viết tốt lĩnh vực nào.

5. Vừa làm chuyên môn vừa làm kinh tế

Là một tờ Tạp chí chuyên ngành thường phải chịu nhiều sức ép về chuyên môn cũng như về kinh tế. Tạp chí muốn đẹp và chất lượng cần phải có tiền để chi trả việc in ấn, trả nhuận bút, Cộng tác viên, trả lương cho Phóng viên, Biên tập, Họa sĩ làm hợp đồng. Báo càng tăng trang, tăng số lượng in ấn, tăng chất lượng nghệ thuật của tờ báo cần phải có tiền, rất... nhiều tiền. Mỗi năm nhà nước chỉ cấp cho Tạp chí Nhiếp ảnh 50 triệu đồng. Số tiền này để in 1 số tạp chí thì thừa, mà in 2 số thì thiếu... Cơ quan Hội hàng năm không cấp kinh phí mà chỉ mua giúp mỗi kỳ 600 - 800 cuốn phát cho các Hội viên cả nước. Số Tạp chí “bán” cho Hội chỉ lấy giá vốn tiền in ấn xuất xưởng. Giá đó chưa tính đủ giá trị nội hàm của nó gồm: công Phóng viên, Biên tập, nhuận bút, trả lương nhân viên hợp đồng, họa sĩ thiết kế và các chi phí phát sinh khác… Thời gian này cũng là khởi đầu bước vào thời kỳ “thoái trào” của báo giấy, báo điện tử bắt đầu lên ngôi. Vì vậy, việc xin tài trợ và quảng cáo bấy giờ muôn vàn khó khăn. Muốn Tạp chí tồn tại vừa đẹp, vừa phải hay, phải chất lượng... thì cần phải có tiền. Bởi vậy, với vai trò người phụ trách Tạp chí, TBT phải hai tay hai súng - một tay làm chuyên môn, một tay làm kinh tế. Giá như được rảnh một tay, để tập trung cho công tác chuyên môn thì hay biết mấy. Một năm (thời điểm bấy giờ) nếu không chạy được tài trợ và quảng cáo để có 1 tỷ đến 1,5 tỷ đồng thì đừng nói chuyện Tạp chí vừa hay lại vừa đẹp mà hãy nghĩ ngay đến chuyện Tạp chí có “tồn tại hay không tồn tại”.  Khắc nghiệt và gian nan là vậy, nên từ TBT đến anh em Phóng viên, Biên tập, nhân viên tạp chí cùng chạy xin tài trợ, quảng cáo. Nhưng để giữ được sự cân đối hài hòa về dung lượng bài ảnh giữa nhiệm vụ chuyên môn đáp ứng tiêu chí chính trị của Hội với bên tài trợ, nhà quảng cáo mang yếu tố “thị trường” là 2 điều gần như là “mâu và thuẫn”. Cho nên, tất cả mọi người trong tòa soạn luôn cố gắng để điều tiết 2 yếu tố này hài hòa, vừa giữ được “vẫn là chính mình” nhưng “mình vẫn phải tồn tại” trong thời buổi kinh tế thị trường.

Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm ở cương vị TBT, từ thuở chập chững ban đầu tới lúc lớn mạnh trưởng thành, Tạp chí đã được Hội NSNA Việt Nam trao tặng Bằng khen, Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập. Điều đó khẳng định vị trí của mình trong đội ngũ các báo, tạp chí chuyên ngành nghệ thuật.

Nhân kỷ niệm 40 năm Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống, chúc Tạp chí ngày càng phát triển, tiếp tục vững bước đi lên, phục vụ tốt các mục tiêu nhiệm vụ của Hội, yêu cầu của các hội viên và yêu cầu của xã hội.

Cao Phong
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tôi đi làm Tổng biên tập - Một câu chuyện dài...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO