Đình chính có kết cấu kiến trúc hình vuông hay còn gọi là kết cấu chữ “khẩu” gồm 4 dãy nhà liên thông và 54 cột bằng gỗ lim (có chu vi 0,9m-0,8m) và 4 cột xây bằng gạch vững chắc nối nhau theo hàng dọc, hàng ngang thẳng, ở giữa là một sân trời nhỏ. Xung quanh Đình được thưng che bằng ván Lim bởi các khung đố chắc chắn. Vật liệu làm Đình là gỗ mít và gỗ lim, mái Đình lợp bằng ngói mũi hài. Cổng Đình có kết cấu theo kiểu Đình làng Bắc Bộ cổ truyền với 4 trụ cổng vững chãi tạo thành 1 cổng chính và 2 cổng phụ tả, hữu.
Đình Võ Liệt là một di tích văn hóa có kiến trúc khá độc đáo trong hệ thống Đình làng Việt Nam. Đây là nơi sinh hoạt của Hội Văn tổng Võ Liệt. Là nơi lưu danh 445 người đỗ đạt của Tổng Võ Liệt, trong đó có 377 Tú tài, 63 Cử nhân, 2 Tiến sỹ và 3 Phó bảng của tổng từ Triều Lê đến Triều Nguyễn.
Năm 1929, Đình là địa điểm hội họp của Đảng Tân Việt ở Thanh Chương. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, nơi đây là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng, nơi tập trung mít tinh, đấu tranh của nhân dân. Đặc biệt sau cuộc tổng biểu tình toàn huyện vào ngày 01/9/1930 Đình là một trong những địa điểm thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh. Năm 1947, tại đây đã diễn ra Đại hội Đại biểu Khu ủy Khu 4 để chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trải qua bao biến thiên của thời gian, lịch sử và chiến tranh, thiên tai Đình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, được nhà nước quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo, nâng cấp. Đình được coi là “Văn miếu huyện” đã trở thành biểu tượng cho lòng tự hào dân tộc của người dân Thanh Chương và tỉnh Nghệ An. Với những giá trị to lớn đó Đình Võ Liệt đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia ngày 16/11/1988.
Đình Võ Liệt, một trong những ngôi đình có kiến trúc độc đáo trong hệ thống Đình làng Việt Nam, đã trở thành biểu tượng cho lòng tựu hào về truyền thống Khoa bảng của dân tộc, của quê hương. Không chỉ là di tích lịch sử Văn hóa, kiến trúc mà còn là di tích lịch sử Cách mạng của người dân Nghệ An nói chung và người dân Thanh Chương nói riêng.
Nơi đây, nếu ngành Du lịch, Văn hóa Nghệ An cùng huyện Thanh Chương biết phối hợp khai thác, phát huy các giá trị Văn hóa, lịch sử, kiến trúc…của Đình Võ Liệt và các đình chùa trong quần thể du lịch Văn hóa tâm linh như Đền Bạch Mã (Võ Liệt), Nhà thờ họ Đặng và nhà lưu niệm Đặng Thai Mai (Thanh Mai), Đền Thờ Trần Hưng Học, Trần Hưng Nhượng (Thanh Xuân) Nhà thờ họ Lê Kim ở (Ngọc Sơn), Đền Bà Chú Chè, Đình làng Thượng (Hạnh Lâm), Nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Thế Bình (Cát Văn) kết hợp với du lịch sinh thái Hồ Sông Rộ, Đảo chè Hồ Cầu Cau, Cửa khẩu Thanh Thủy… thường xuyên tổ chức các hoạt động thu hút du khách trong và ngoài tỉnh thì Đình Võ Liệt sẽ là một điểm đến trung tâm hấp dẫn ở Thanh Chương.
Phóng sự ảnh: Trần Duy Ngoãn