Ngày 24/7, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Dương Anh Đức đã có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan giải quyết tình hình chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.
Được biết, thời gian qua trên địa bàn TP. HCM vẫn còn nhiều doanh nghiệp chậm đóng các loại bảo hiểm gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, ảnh hưởng đến các quyền lợi của người lao động .
Cụ thể tính đến hết ngày 30/6/2023, có hơn 82 ngàn doanh nghiệp chậm đóng hơn 6.200 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 7,26% số với kế hoạch thu. Do đó, UBND TP chỉ đạo các cơ quan phối hợp bảo hiểm xã hội tổ chức kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp chậm đóng và xây dựng kế hoạch xử lý.
Ngoài ra, UBND TP. HCM giao CATP tiến hành xác minh, cũng cố hồ sơ để khỏi tố một số doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm cho người lao động theo điều 216 Bộ luật hình sự nếu doanh nghiệp không cam kết thực hiện nộp tiền, khắc phục hậu quả.
Theo bà Trần thị Diệu Thúy - Chủ tịch liên đoàn Lao động TP. HCM: Nguyên do doanh nghiệp chậm bị xử lý, ít bị khởi tố, đưa ra Toà xét xử vì quan điểm không phải “trốn đóng” mà là “chậm đóng” hoặc không tiền đóng vì tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Mặc dù Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có Nghị Quyết 05 - năm 2019 giải thích thế nào là trốn đóng BHXH nhưng thực tế chưa áp dụng được. BHXH mang lại lợi ích to lớn nhưng nhiều người sử dụng lao động không tuân thủ pháp luật, tìm cách tránh né, nợ đóng BHXH. Các chính sách BHXH và BH YT liên mật thiết với người lao động nên doanh nghiệp trốn đóng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khiến họ mất niềm tin khi tham gia các hệ thống bảo hiểm.