Dự buổi gặp mặt có các ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành ủy TP.HCM.
Cùng dự có các nguyên ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước; Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng; Lê Hồng Anh, nguyên thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM.
Trong buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lắng nghe các ý kiến, hiến kế, góp ý tâm huyết của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Tại đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên báo cáo những kết quả nổi bật, những dấu ấn của TP.HCM trong năm 2024.
Ông Nên bày tỏ thành phố biết ơn Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát và hiệu quả; cảm ơn các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành, các bộ, ngành trung ương, các địa phương đã chia sẻ, hỗ trợ để thành phố có được như ngày hôm nay.
TP.HCM cũng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp quý báu của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và toàn thể người dân, cộng đồng doanh nghiệp suốt thời gian qua, nhất là những thời điểm khó khăn, thử thách lớn.
Năm 2021, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 và đến nay vẫn khắc phục những hậu quả của đại dịch để lại. Song với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng và sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, TP.HCM đã từng bước phục hồi. Đến nay kinh tế TP.HCM tăng trưởng trở lại với nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực vào thành quả chung của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM năm 2024 đạt 7,17%, đóng góp 19% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. TP.HCM lần đầu tiên thu ngân sách vượt mốc 500.000 tỉ đồng. TP.HCM đóng góp vào ngân sách nhà nước chiếm 25%, tăng 13% so với cùng kỳ.
Nhiều công trình tồn đọng, vướng mắc nhiều năm đã được tháo gỡ. Nhiều dự án được khởi động lại, hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là tuyến metro số 1 đã đưa vào khai thác thương mại sau gần 20 năm chờ đợi. Các dự án lớn như dự án đường vành đai 3, vành đai 4, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề án đường sắt đô thị, Trung tâm Tài chính quốc tế và các tuyến cao tốc kết nối liên vùng được khởi động ráo riết.
Song song đó, phát triển văn hóa - xã hội cũng được chú trọng, tập trung nhiều mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được hình thành và lan tỏa rộng khắp. An sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh giữ vững, trật tự xã hội ổn định, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Quy hoạch TP.HCM vừa được công bố cùng với Ban chỉ đạo Trung tâm Tài chính quốc tế cũng vừa công bố.
“Đây là điều kiện mới, động lực mới để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế để TP.HCM hoàn thành sứ mệnh của thành phố”, bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh và khẳng định kết quả này là thành quả của quá trình nỗ lực, tâm huyết của nhiều thế hệ, nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XI của thành phố và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; là năm của các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với những khó khăn, vướng mắc nội tại bên trong của thành phố phải tiếp tục giải quyết. Song đứng trước thời cơ, vận hội mới, TP.HCM đã quyết tâm phấn đấu đề ra mức tăng trưởng hai con số.
Ông Nên bày tỏ tin tưởng TP.HCM sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, tiếp tục là đầu tàu kinh tế, trung tâm tài chính, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đến năm 2030 trở thành thành phố dịch vụ công hiện đại, đầu tàu kinh tế số - xã hội số, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và đến năm 2045 phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.