Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, ông Đinh Su Giang, chủ tịch Hội VHNT tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Đảng ta luôn luôn khẳng định “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”; xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển chính trị, kinh tế, xã hội. Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn học, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm mục tiêu và động lực của sự phát triển, góp phần hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam, hướng đến giá trị cốt lõi của dân tộc - giá trị chân - thiện - mỹ.
Lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo có tính đặc thù cao, mang đậm dấu ấn cá nhân, thể hiện rõ bản lĩnh, tài năng và tâm huyết, trách nhiệm của mỗi văn nghệ sĩ. Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ trí tuệ và tinh thần dân chủ để phát triển văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, văn hóa, con người Việt Nam. Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, đất nước và nhân dân giao phó.
Đọc tham luộn tại buổi tọa đàm, các văn nghệ sĩ đại diện các chi hội, các trưởng chuyên ngành Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Múa và biểu diễn, VHNT các dân tộc thiểu số… đã khẳng định Văn học nghệ thuật là bộ phận tinh túy của văn hóa, có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa thế giới. Các tác phẩm VHNT là cầu nối quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Bên cạnh đó, thông qua VHNT góp phần quảng bá văn hóa, thiên nhiên, đất nước, con người để thu hút du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Đảng xác định nhiệm vụ của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế là phải phát triển toàn diện và mạnh mẽ. Phấn đấu nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người; vừa có tác dụng định hướng, vừa đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp
văn hóa nói chung, phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng. Kể từ khi có Đảng, nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam có bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ, thực hiện tốt sứ mệnh cao quý trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, bồi dưỡng, phát triển con người toàn diện.
Ở bất kỳ thời kỳ, giai đoạn phát triển nào, văn học, nghệ thuật cũng luôn đồng hành cùng với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; kịp thời truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ thông tin tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống. Sự nghiệp đổi mới đất nước đang đi vào chiều sâu, nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng các giá trị văn hóa, VHNT của công chúng ngày càng cao, đòi hỏi văn hóa, VHNT có sự phát triển tương xứng. Góp phần xây dựng “Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.