Hằng năm, Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony được tổ chức với mục tiêu khuyến khích các nhiếp ảnh gia trên con đường sự nghiệp và thúc đẩy tác phẩm nghệ thuật của họ chạm tới những tầm cao mới. Với phạm vi toàn cầu, Sony mong muốn đem đến cho khán giả những câu chuyện đương đại thông qua những tác phẩm nhiếp ảnh sâu sắc và độc đáo.
Tốc độ đô thị hóa gia tăng chóng mặt, con người ta quên mất rằng không chỉ họ phải gồng mình thay đổi mà các loài động vật cũng đang dần phải học cách thích nghi khi mất đi môi trường sống tự nhiên của chính mình. Vậy nên, Ban tổ chức Sony đã lựa chọn "Động vật hoang dã & thiên nhiên" là một trong những thể loại của Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony 2023 để nói lên về vẻ đẹp và những vấn đề cấp bách đang diễn ra trong đời sống hoang dã và thiên nhiên.
Bộ ảnh "Thế giới hoang dã trong đô thị" của Corey Arnold đã đoạt giải Nhất cho thể loại này. Những bức ảnh này đã chân thực ghi lại cuộc hành trình khám phá ba loài động vật có khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của môi trường sống là: gấu đen, chó sói và gấu trúc. Từ đó, khán giả có thể thấy rõ được tác động của đô thị hóa lên những động vật hoang dã nói riêng và cả môi trường thiên nhiên nói chung.
Những chú gấu lạc lối giữa thành thị
Với loài gấu, chúng có thể trú ẩn trong các ngôi nhà bỏ hoang, dưới những gốc cây lớn hay đào hang. Những con gấu sống ở những khu đô thị chỉ cần đến những khu rác thải sinh hoạt là có thể tìm thấy thức ăn từ đồ ăn dư thừa mà con người đổ đi hàng ngày. Những con gấu sống trong thị trấn có trọng lượng nặng hơn khoảng 25% so với những con gấu sống trong các khu vực hoang dã và dường như chúng đã sống rất sung sướng ở các thành phố lớn tại Mỹ.
Ở Asheville, người dân dần quen với sự xuất hiện của những chú gấu. Họ ôm ấp, trò chuyện thậm chí để gấu trèo lên boong tàu và trước hiên nhà của mình. Với số lượng cá thể gấu lên 800.000 con, người dân Bắc Mỹ dần quen và thích nghi với việc có những người bạn hàng xóm đặc biệt. Tuy nhiên, theo thống kê trong 4 năm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy số lượng gấu trong thành phố đã giảm đi 40%, phần lớn nguyên nhân đến từ các vụ tai nạn giao thông.
Sự dịch chuyển lối sống
Nhiều loài động vật khác cũng học được các kỹ năng sinh tồn ở đô thị. Chó sói biết cách nhìn xe khi băng qua đường, gấu đen biết thời gian đổ rác cụ thể để tìm kiếm thức ăn, gấu mèo biết cách mở nắp thùng rác... Năm 2020, một nghiên cứu về động vật hoang dã sống ở đô thị được thực hiện ở 83 thành phố và thị trấn trên khắp sáu lục địa đã chỉ ra rằng: 93% động vật sống ở đô thị có hành vi khác hẳn với những con sống ở môi trường tự nhiên.
Chó sói là loài có khả năng thích nghi cao. Chúng có thể ăn bất cứ thứ gì có trong thành phố như rác và vật nuôi trong nhà. Chúng có thể tự tìm nơi trú ẩn phù hợp khi ở trong thành phố y như lúc chúng còn ở trong rừng.
Qua những nghiên cứu về loài gấu và chó sói, các nhà nghiên cứu đồng thời cũng làm thí nghiệm để đo lường khả năng thích ứng với thành thị của gấu mèo. Sau nhiều tháng, dữ liệu của các nhà nghiên cứu cho thấy gấu mèo sống ở thành thị có xu hướng thích khám phá hơn người anh em đồng loại của chúng ở nông thôn.
Hành trình kiên trì nghiên cứu và tìm tòi trong 8 năm về những sự dịch chuyển lối sống của những loài động vật bậc cao đã đem đến một kết quả xứng đáng cho Corey Arnold và các cộng sự của ông. Bộ ảnh đã đem đến cho người xem đa góc nhìn về cuộc sống của các loài động vật hoang dã, đồng thời hiểu hơn những ảnh hưởng bởi đô thị hóa những loài động vật sống trong tự nhiên.