"Thập diện mai phục" trong quán trà đạo

Bảo Trân|17:21 30/11/2023

Những giai điệu trầm ấm, sâu lắng đi vào không gian, đi vào tâm hồn của người nghe... nhưng người nghệ sĩ ấy vẫn cứ chơi như vậy, chơi như chỉ có mình và âm nhạc.

Một chiều nọ, tôi có dịp đi đến một quán trà đạo qua lời giới thiệu của một người bạn. Đây là một trong những chi nhánh của quán trà đạo Phạm Nghiêm Trai - địa điểm về không gian chay, trà và Phật giáo khá là có tiếng ở TP. HCM. 

Trước đó, tôi được biết kiến trúc của nơi này khá đặc biệt so với quán trà khác. Kiến trúc của nơi đây toàn bộ là đại thừa Phật giáo và trưng bày rất nhiều tượng Phật cổ.

dnt-onecmscdn-com_111011948_1278387352496681_5556618211264261924_n(1).jpeg
Không gian trà đạo tĩnh lặng với cổ vật Phật giáo tại quán trà Đạo - Phạm Nghiêm Trai . Ảnh: PNT

Vào bên trong quán, tôi gọi nhẹ nhàng set menu ấm trà và khay bánh chay, để cảm nhận trọn vẹn hơn không khí nơi này. Trời bắt đầu tối, tưởng là sẽ cứ như vậy thưởng thức cho đến khi quán đóng cửa thôi. Thì bất chợt xa xa, một thanh niên có lẽ là còn khá trẻ, lặng lẽ đi vào, dáng đi nhanh nhẹn mặc dù đang vác sau lưng món đồ gì đó cũng khá là to nên gây sự chú ý cho mọi người. Rồi cậu ấy đến một góc phòng, mở và lấy ra mấy cây đàn. Thì ra, ở đây có chơi nhạc sống và cậu ấy là một nghệ sỹ chơi nhạc đàn dân tộc. Qua hỏi thăm, được biết nơi này 1 tuần sẽ có 2 ngày chơi nhạc, đây là nghệ sỹ chính ở đây, mình cậu ấy có thể chơi 8 nhạc cụ khác nhau. Thật bất ngờ nhưng không kém phần thú vị, trẻ tuổi mà tài năng quá.

nghe-si-nguyen-hoang-trung-choi-nhac-trong-nhac-trong-quan-tra-dao.jpg
Nguyễn Hoàng Trung - nghệ sĩ đàn Tỳ bà tại Đạo quán

Được biết, nam thanh niên này tên là Nguyễn Hoàng Trung, sinh năm 1997, quê ở Bình Thuận, từng học tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh khoa Âm nhạc Dân tộc, chuyên ngành đàn Tỳ bà. Thời gian đầu biểu diễn, với không gian trầm tĩnh, nhã nhặn như thế nào Trung chủ yếu chơi những thể loại đa phần là: Nhạc thiền, nhạc hoa nhẹ nhàng hiện đại, nhạc cổ, nhạc phim cổ trang trung hoa...

nghe-si-nguyen-hoang-trung-choi-nhac-trong-nhac-o-quan-tra-dao.jpg
Nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Trung đang trình diễn tại Đạo quán

Trong lúc nhạc đang chơi thì thực khách vẫn cứ vừa thưởng thức vừa nghe nhạc, khá lịch sự không mấy ồn ào...Những giai điệu êm dịu đi vào không gian, đi vào từng ly trà và miếng bánh, Trung vẫn cứ chơi như vậy, chơi như chỉ có mình và âm nhạc thôi.

Giờ giải lao, tôi tranh thủ vài phút để gặp và nghe anh tâm sự: “Trung làm việc ở đây được mấy năm rồi, cũng đi diễn thêm ở nhiều nơi khác, ngoài ra quan trọng là đi dạy đàn thêm mới sống nổi ở Sài Gòn. Trung thích chơi đàn ở đây lắm, mặc dù là một quán trà nhưng họ trang trí giống như ở chùa vậy (cười). Khi chơi đàn mình thường nhìn tượng Phật, khắp nơi đều là tượng và tranh Phật, nó làm mình thấy an yên trong lòng, thảnh thơi. Nhiều lúc mình còn cảm giác rằng giống như mình chơi nhạc cho Phật nghe chứ không phải cho khách".

nghe-si-nguyen-hoang-trung-choi-dan-ty-ba-trong-phong-thu-am.jpg
Ngoài biểu diễn ở chùa và sân khấu. Trung còn thu âm các bài quê hương, nhạc Phật giáo cho chùa.

Những chương trình biểu diễn ở chùa đôi khi vào dịp gì đặc biệt mới có, còn ở đây tuần nào Trung cũng diễn, tuần nào cũng có cảm giác thích thú, hân hoan. Còn biểu diễn chỗ khác thì không phải ở đâu cũng có không gian bài trí giống như vầy, sân khấu khác, phòng thu khác. Trung chơi được đàn tỳ bà Việt nam, tỳ bà Trung quốc, đàn tranh Việt Nam, đàn tranh Trung Quốc, sáo trúc Việt Nam, tiêu Trung Quốc, đàn nhị Trung Quốc (đàn Hồ) và đàn cò Việt Nam.

nghe-si-nguyen-hoang-trung.jpg
“Thập diện mai phục” được  Nguyễn Hoàng Trung trình diễn tại quán.

Gần đến giờ về, có khách quen yêu cầu Trung chơi bài “Thập diện mai phục”, 1 bài nhạc phim khá quen thuộc từ bộ phim nổi tiếng cùng tên của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, vị khách vui tính nói rằng: “Ở Sài gòn muốn nghe bài này hay thì chỉ có Trung tỳ bà mới đàn cho nghe được thôi, nghe xong tỉnh ngủ đi về mới ngủ tiếp được (cười)”.

Quả thật là tỉnh ngủ, đang nghe mà tôi cứ tưởng như mình đang ở trong phim, trong rừng trúc rồi hồi hộp chờ đợi màn phóng dao của Chương Tử Di, tiếng trống trận, tiếng vó ngựa, tiếng người kêu la, toàn bộ được mô phỏng qua âm thanh cây đàn tỳ bà và ngón đàn điêu luyện của người nghệ sỹ trẻ. Một buổi tối đa hương vị, và kết thúc bằng “ma trận” âm thanh hoành tráng, giống như dùng âm nhạc để đưa mọi người lên cõi Phật, rồi đến khi kết thúc âm nhạc lại đưa ta quay về cõi của ta.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
"Thập diện mai phục" trong quán trà đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO