Tây Ninh: Phát huy niềm tự hào, dấn thân cho nghệ thuật để phát triển cùng đất nước

Đức An|16:52 17/03/2023

(NADS) - 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam là dịp để nhìn lại những bài học bổ ích, giúp cho những người đam mê “nghệ thuật thứ 8” sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới, cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Bà Đặng Thị Phượng- Chủ tịch Hội VHNT tỉnh thừa uỷ quyền trao tặng cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của UBND tỉnh cho Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT tỉnh

Sáng 14.3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, ôn lại lịch sử vẻ vang của ngành Nhiếp ảnh, qua đó giúp những người đam mê “nghệ thuật thứ 8” này đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm mới, góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Lịch sử đáng tự hào của nhiếp ảnh Việt Nam

Ngày 15.3.1953, tại Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên thuộc Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam với mục đích: “Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ; Nêu cao những thành tích, những gương chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam; Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh kiến thiết của nhân dân nước bạn; Giáo dục văn hoá và chính trị cho nhân dân”.

Đây là mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển và định rõ hướng đi cho nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam.

Nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam bắt nguồn từ các Hội Ái hữu nhiếp ảnh ở Hà Nội, Sài Gòn trong giai đoạn 1937-1938, và phát triển mạnh mẽ trong Cách mạng tháng Tám, toàn quốc kháng chiến, rồi phát triển rực rỡ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

Các tác phẩm tiêu biểu của Nhiếp ảnh Việt Nam trong giai đoạn này hầu hết là đề tài chiến tranh và cách mạng. Rất nhiều tác phẩm ảnh quý trở thành tư liệu vô giá, là bằng chứng lịch sử, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trước những kẻ thù tàn bạo.

Ngày 16.12.2002, Nhà nước đã cho phép chính thức lấy ngày 15.3 hằng năm làm ngày truyền thống của giới nhiếp ảnh Việt Nam. Với đặc thù của nghệ thuật nhiếp ảnh là có công chúng rộng rãi, hoạt động nhiếp ảnh những năm gần đây đã được xã hội hoá mạnh mẽ, có sự hỗ trợ của các ngành, các địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ vậy, có thể nói nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật có khả năng bám sát cơ sở nhất, được quần chúng yêu thích và hưởng ứng.

Tiêu biểu là các tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước rất đỗi tự hào về những chiến sĩ trong công cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là tiêu điểm sáng chói mà các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi lại, phản ánh một thời oanh liệt, chịu đựng gian khổ và hy sinh của dân tộc ta. Đó là hình ảnh cao đẹp, là di sản vô giá của đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng nhiếp ảnh được tập hợp và tổ chức lại. Từ 30 người hoạt động nhiếp ảnh thời kỳ Đồi Cọ, cho tới nay đã có hàng ngàn người hoạt động trên các lĩnh vực nhiếp ảnh báo chí, văn hoá, thể thao du lịch, ảnh nghệ thuật, dịch vụ và kinh doanh ngành ảnh.

Ngoài việc trưng bày triển lãm, ảnh đã được sử dụng rộng rãi trong việc truyền thông, báo chí, xuất bản và đặc biệt lưu giữ kỷ niệm ngày sinh, ngày cưới, gặp gỡ người thân, tham quan du lịch…

Đặc biệt, ảnh được người sử dụng thường xuyên cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội. Phải nói rằng nhiếp ảnh làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn, có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc và giáo dục thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đúng như tinh thần mà Sắc lệnh 147/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành cách đây tròn 70 năm.

Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sáng tác ảnh tại Long Thành Nam, thị xã Hoà Thành. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Nhiếp ảnh Tây Ninh phát triển cùng đất nước

Tại tỉnh Tây Ninh, bộ môn nhiếp ảnh hình thành từ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là Tổ Nhiếp ảnh thuộc Ban Tuyên huấn- Tỉnh uỷ Tây Ninh… tác phẩm ảnh chủ yếu là phục vụ cho Bản tin thời sự và Báo Tây Ninh trong kháng chiến. Sau ngày 30.4.1975, số người cầm máy từ chiến khu về tiếp tục công tác trong ngành Văn hoá Thông tin và Báo Tây Ninh (chủ yếu là ảnh thời sự).

Đến năm 1981, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức lớp học bồi dưỡng sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật dành cho các tỉnh phía Nam, trong đó có Tây Ninh. Trong quá trình hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật, tỉnh có 7 hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và được cho phép thành lập Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh vào năm 2009.

Chi hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh 5 năm liền là đơn vị dẫn đầu trong khối thi đua các chi hội chuyên ngành và được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng 4 bằng khen tập thể (2017-2019) và 1 cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua” (2020). Có 10 hội viên đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động được Chủ tịch UBND tỉnh khen tặng 22 bằng khen (2017-2021); 1 hội viên được Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL khen tặng bằng khen (2017); 1 hội viên được tặng 2 bằng khen của Tổng cục Chính trị - QĐND Việt Nam và Chính uỷ - Bộ Tư lệnh Quân khu 7.

Trong những năm qua, Chi hội Nhiếp ảnh tham gia hầu hết các hoạt động do các Hội VHNT các tỉnh, khu vực và toàn quốc tổ chức như: Giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với Chi hội Nhiếp ảnh các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên…

Tổ chức cho hội viên thâm nhập thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh mỗi năm 2 đợt. Tham gia các cuộc thi, liên hoan, trưng bày triển lãm ảnh do các tỉnh, quốc gia, quốc tế tổ chức.

Chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, có 17 tác phẩm ảnh nghệ thuật của hội viên Chi hội Nhiếp ảnh Tây Ninh được các tổ chức quốc tế chọn trao giải hoặc triển lãm tại các cuộc thi, liên hoan; 173 tác phẩm đoạt giải từ cấp tỉnh, khu vực và quốc gia.

Hội viên Chi hội Nhiếp ảnh- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sáng tác ảnh tại Nhà máy đường Bourbon. Ảnh: Đỗ Thành Nhân

Những kết quả trên là minh chứng rất sinh động cho thấy 70 năm qua, nhiếp ảnh Việt Nam nói chung và nhiếp ảnh Tây Ninh nói riêng đã có những bước tiến dài. Vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam trên thế giới đã được nâng cao.

70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam là dịp để nhìn lại những bài học bổ ích, giúp cho những người đam mê “nghệ thuật thứ 8” sáng tạo ra nhiều tác phẩm mới, cùng nhân dân cả nước xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh.

Đức An


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Tây Ninh: Phát huy niềm tự hào, dấn thân cho nghệ thuật để phát triển cùng đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO