Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống ra số đầu tiên, chúng ta điểm lại những khó khăn như trên, để thấy rằng, về mặt tài chính, Hội NSNA Việt Nam cùng Tòa sọan Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống đã phải kiên trì phấn đấu xây dựng tờ Tạp chí vất vả như thế nào. Tạp chí tồn tại và phát triển tới ngày nay là kết quả công sức vượt khó của tập thể các thế hệ Phóng viên, Biên tập viên, Cộng tác viên, Cán bộ lãnh đạo Tạp chí qua các thời kỳ. Niềm tự hào đó được định hình trên những trang in đẹp suốt 40 năm, mà chúng ta có thể tóm lược như sau:
Tạp chí đã có công sưu tầm, giới thiệu, ghi nhận, và nêu gương những tác phẩm, tác giả nhiếp ảnh Việt Nam từ buổi ban đầu nhiếp ảnh du nhập vào nước ta cho đến ngày nay. Đặc biệt, tập hợp được nhiều tác phẩm, tác giả nhiếp ảnh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh, cũng như ảnh về công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình; Giới thiệu đầy đủ về các tác phẩm, tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Đọc Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống là người ta nhận ra thành tựu một ngành nghệ thuật luôn luôn gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tuy chưa tập hợp thành hệ thống, nhưng Tạp chí đã giới thiệu được những tác phẩm, tác giả nhiếp ảnh thế giới tiêu biểu từ ngày nhiếp ảnh ra đời đến nay, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, phong phú về sự phát triển đa dạng, vượt trội của nhiếp ảnh thế giới. Từ đó rút ra những bài học bổ ích cho nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.
Tạp chí đã góp phần định hướng sáng tác đúng đắn cho nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hiện đại, đó là việc nêu cao tiêu chí Chân - Thiện - Mỹ
Ngay từ những số đầu tiên, Tạp chí đã đề cập tới tính chân thật của nhiếp ảnh, coi đó là đặc điểm vượt trội của nghệ thuật nhiếp ảnh. Cái đẹp của sự thật xuất hiện trong khoảnh khắc lịch sử, thể hiện được bản chất sự việc, con người luôn luôn là cái đẹp đầy sức sống và thuyết phục, và nó càng lắng đọng hơn trong lòng bạn đọc khi tác phẩm ảnh đó mang đậm tính nhân văn. Chân - Thiện - Mỹ là mục đích sáng tạo, đồng thời cũng là động lực sáng tạo. Nó chính là sức sống lâu bền của nghệ thuật nhiếp ảnh. Các bài viết phân tích, bình luận ảnh, các dẫn chứng hình ảnh xưa và nay, Đông và Tây trên Tạp chí đều xoay quanh tiêu chí đó. Vẻ đẹp thiên nhiên, con người và truyền thống văn hóa Việt Nam được nhiếp ảnh đưa lên tầm cao thế giới, đúng với thực chất của nó là cả một quá trình lao động sáng tạo của các nhà nhiếp ảnh, của các nhà lý luận phê bình, và cũng là quá trình đồng hành bền bỉ của Tạp chí với sự phát triển mạnh mẽ của nền nhiếp ảnh Việt Nam.
Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống là cầu nối kiến thức nhiếp ảnh thế giới với độc giả Việt Nam
Những năm trước đây, các bản dịch nhiếp ảnh thế giới từ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung sang tiếng Việt về tác giả, tác phẩm, cũng như về lý thuyết nhiếp ảnh là rất quý. Những bản dịch đó đã góp phần tạo dựng nên khuôn diện nhiếp ảnh thế giới trong lịch sử phát triển gần 200 năm với 2 loại hình nhiếp ảnh cơ bản là dòng nhiếp ảnh chụp trực tiếp và dòng nhiếp ảnh kỹ xảo (ảnh được làm trong hậu kỳ, có người gọi là ảnh chụp, và ảnh làm), chúng có các đặc trưng, phương thức thể hiện và mục đích cụ thể khác nhau. Quan niệm này rộng mở hơn quan niệm nông cạn trước đây. Ở Việt Nam chỉ giới hạn trong 2 lĩnh vực: ảnh Báo chí và ảnh Nghệ thuật. Vì thực chất ảnh Báo chí chỉ là một lĩnh vực của nghệ thuật nhiếp ảnh. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước trở lại đây, khái niệm mới này lại được một số CTV là những nhà nhiếp ảnh từng du học ở Đức, ở Nga và một số nước khác viết cho Tạp chí đã khiến cho khuynh hướng nhìn nhận, đánh giá nhiếp ảnh gần gũi hơn với quan điểm phổ biến của thế giới. Ngày nay, khi Internet phát triển, nhiều thông tin nhiếp ảnh không dùng phương tiện in giấy để chuyển tải nữa, điều đó khiến cho Tạp chí mất đi địa vị độc quyền. Tuy nhiên, với nhiều người, văn hóa đọc vẫn còn là một nhu cầu thiết yếu, nên Tạp chí giấy vẫn có chỗ đứng.
Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống là nơi giao lưu, kết nối các nhà nhiếp ảnh với nhau
Từ ngày Tạp chí ra số đầu tiên đến nay, các hội viên, các nhà nhiếp ảnh, và bạn đọc đều coi Tạp chí là biểu tượng sức sống của nghề nghiệp và của Hội. Có tờ Tạp chí của ngành trong tay, tức là có tuyên ngôn với mọi người, có sự tự hào và hãnh diện với các ngành nghề khác. Ở một chừng mực nhất định, Tạp chí như một ngôi nhà chung của các nhà nhiếp ảnh, vì ở đó có tác phẩm của họ, có tiếng nói của họ, có sự trao đổi nghề nghiệp và thông tin về đồng nghiệp của họ. Nó là tín hiệu sống của một tổ chức, một ngành nghề. Người ta không thể hình dung nổi một tổ chức, một ngành nghề rộng lớn gắn liền với đời sống chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội và cá nhân con người như nhiếp ảnh lại không có tiếng nói riêng.
Vì lẽ đó, chúng tôi rất vui mừng, “Tạp chí Nhiếp ảnh” đã được khôi phục bởi tên gọi mới “Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống” và đang lấy đà phát triển.
Chúc Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống thành công, thu được nhiều thắng lợi mới.
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Nhiệm kỳ V, Nguyên Chủ tịch Hội NSNAVN nhiệm kỳ VI