Tham dự chương trình Thúc đẩy văn hóa đọc với chủ đề Hành trang tri thức có đồng chí: ông Lê Doãn Hợp, nguyên UV BCH TW Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn; GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Giáo dục và phát triển Nghề BnD Edu.
Triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần giáo dục và phát triển nghề nghiệp BnD Edu phối hợp tổ chức chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” năm 2022 và phát động chương trình nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trên toàn quốc.
Sách là kho tàng tri thức quý giá lưu giữ khối kiến thức khổng lồ của nhân loại, đem lại và khai sáng cho trí tuệ con người. Sách cung cấp những kiến thức giúp giúp chúng ta hiểu được lịch sử phát triển của dân tộc, của một đất nước và cả thế giới. Sách đúc kết và ghi lại các thành tựu trên mọi lĩnh vực, đời sống xung quanh ta, bồi dưỡng cho chúng ta về tư tưởng, tình cảm, công việc như hạt giống tâm hồn đem lại cho ta những cảm xúc trong cuộc sống. Đặc biệt sách giúp ta tự học, tự đọc, tự bồi dưỡng, nuôi dưỡng ước mơ, sách là chìa khóa mở rộng kiến thức đưa tất cả trong đó có thế hệ trẻ đi đến thành công. Sách là hành trang có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của chúng ta và nhân loại. Với ý nghĩa quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284 lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày “Sách Việt Nam” nhằm khuyến khích và phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, phong trào đọc sách trong cộng đồng, giáo dục, rèn luyện nhân cách của con người. Văn hóa đọc là góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ và tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, trí thức trong mỗi con người của chúng ta.
Kế hoạch tổ chức chương trình “Mỗi thanh niên một cuốn sách làm bạn” nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên về giá trị của việc đọc sách, đồng thời xây dựng thói quen, kỹ năng đọc sách, góp phần nâng cao dân trí, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh, tạo sức lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng thúc đẩy hình thành xã hội học tập; Xây dựng môi trường giao lưu, chia sẻ sử dụng thông tin, của hội viên, thanh niên của chương trình “Mỗi Thanh niên, một cuốn sách làm bạn” năm 2022.
- Phát động Chương trình Thúc đẩy Văn hóa đọc với chủ đề “Hành trang tri thức” nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, thanh niên và tầm quan trọng của văn hóa đọc; Vận động khuyến khích các đối tượng là sinh viên, thanh niên và các thế hệ trẻ duy trì thói quen đọc (Nhà trường, thư viện, nhà xuất bản, nhà sách...) Tổ chức chuỗi chương trình tọa đàm, giao lưu, đối thoại với chủ đề về văn hóa đọc, phương pháp đọc, kỹ năng sống các lĩnh vực nghề nghiệp… Dự kiến tổ chức 05 chương trình tại các tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định, Thái Nguyên và TP Cần Thơ. Ngoài ra còn sẽ tổ chức chương trình bình chọn những cuốn sách được giới trẻ yêu thích nhất.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông đam mê đọc sách trong thanh niên như xây dựng các trang mạng...
Tại buổi phát động chương trình Thúc đẩy văn hóa đọc với chủ đề Hành trang tri thức, TS Lê Doãn Hợp phát biểu:
“Tôi được rất vinh dự được nhiều tổ chức trên cả nước mời nói chuyện chuyên đề về văn hóa đọc trong nước trong đó có Trung ương Hội LHTN Việt Nam cùng với trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở các cuộc nói chuyện tôi đều chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hoá đọc đối với thế hệ trẻ.
Giá trị và chuẩn mực đọc của thế hệ trẻ hiện nay là lành mạnh, có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thân thiện cho mọi người dân dễ dàng tiếp cận với đọc sách có chất lượng cao.
Văn hoá đọc là phát triển thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc cho mọi thành viên trong xã hội. Văn hoá đọc còn là yếu tố tạo ra môi truờng thuận lợi cho mọi người dân tiếp cận tài liệu đọc chất lượng cao; là môi trường tôn vinh người viết sách, người đọc sách và người truyền thụ kiến thức, kể cả hướng dẫn và giáo dục mọi người dân có ứng xử đọc.
Chủ động giáo dục kỹ năng đọc cho mọi người dân là yếu tố quyết định thành bại của quá trình phát triển nền văn hoá đọc của mỗi người mỗi thành viên trong xã hội chúng ta. Tôi cũng là người tự tin khi tiếp cận với các cuộc tọa đàm, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, trả lời phỏng vấn… không bao giờ phải cầm giấy từ trong nước ra Quốc tế. Trước mọi yêu cầu của công việc, diễn giải tập trung, chặt chẽ, ngắn gọn, làm chủ thời gian cho phép. Tôi đã từng tổng kết: Có thể đọc báo để làm giàu nhanh hơn, đọc tạp chí để làm nghề nhanh hơn, đọc sách để làm người tốt hơn. Đọc là cách tốt nhất để tự cải tạo và tôn vinh mình, tôn vinh để cải tạo và cải tạo để tôn vinh. Qua đây cũng khuyên các bạn trẻ là: Phải luôn luôn làm tốt “Bốn chịu” là chịu học, chịu đọc, chịu nghe, và chịu đi cơ sở để tổng kết thực tiễn nhằm có vốn sống thiết thực hữu ích cho mình. Tất cả mọi lợi thế này đều bắt nguồn từ vốn liếng yêu sách và ham đọc của tôi…”
Nhân dịp này, Ban tổ chức chương trình đã trao học bổng cho các Liên chi Đoàn, Liên chi Hội và các Câu lạc bộ xuất sắc thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Trường Đào tạo Quản lý Doanh nghiệp – CBAM trao 100 suất học bổng khởi nghiệp.
Nguyễn Khang