Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức, Ths. NSNA Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có bài phát biểu đề dẫn nêu ra một số vấn đề trong thực trạng nhiếp ảnh hiện nay cũng như gợi ý cho các đại biểu tham dự nhằm tháo gỡ những điểm hạn chế để thúc đẩy nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển với một tầm cao mới. Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu đề dẫn của NSNA Trần Thị Thu Đông.
Như quý đại biểu đã biết, năm 2023 Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức hai sự kiện lớn và đã thành công rất tốt đẹp. Đó là tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngành Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam; và Lễ kỷ niệm 45 năm Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống xuất bản số đầu tiên, đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp. Cũng trong năm nay, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 75 ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, ngày 25/7/2023. Trong buổi lễ trọng thể này, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Đảng và Nhà nước đã đến dự và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng. Tổng Bí thư đã biểu dương: “Đội ngũ văn nghệ sĩ gắn bó mật thiết với đời sống của Nhân dân, say mê với nghề nghiệp, dồn hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới. Sự cống hiến của anh chị em đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của anh chị em đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tựu, đóng góp to lớn đã nêu trên đây, chúng ta cũng không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém cần được khắc phục... Những thành tựu VHNT mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn.
Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11 năm 2021 và tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, quán triệt sâu sắc tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh; các Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, những năm gần đây và căn cứ vào thực trạng, thực tiễn của nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay, Ban Chấp hành Hội quyết định tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nào để có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao” với mong muốn, qua cuộc Tọa đàm này, chúng ta xác định được hướng đi đúng, những việc cần phải làm để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong những yêu cầu mới của đất nước. Đặc biệt là, chúng ta phải có thành quả cụ thể để chuẩn bị Tổng kết 50 năm Văn học nghệ thuật Việt Nam và báo cáo nhân kỉ niệm 50 thống nhất non sông.
Toạ đàm của chúng ta cần trả lời câu hỏi “Vì sao nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu rất đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn còn ít tác phẩm xứng tầm với sự phát triển của đất nước, ít văn nghệ sĩ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia?”. Tại Toạ đàm này chúng ta cần tập trung đưa ra giải pháp để trong thời gian tới có nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng cao.
Chúng ta cần lý giải những yếu tố cơ bản góp phần làm nên những tác phẩm có chất lượng cao, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu nhiếp ảnh. Để trả lời câu hỏi trên, phải chăng chúng ta cần nhìn nhận một cách đồng bộ các phương diện sau:
1. Về yếu tố tài năng nghệ thuật: Trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển. Nuôi dưỡng những khát vọng cống hiến cho dân tộc và đất nước; rèn luyện tinh thần lao động nghệ thuật tận hiến để trở thành những văn nghệ sĩ lớn, có nhiều tác phẩm hay, để đời, có giá trị sâu sắc, cao đẹp về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần cho xã hội, củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp Cách mạng của Đảng, chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ.
2. Tác phẩm chất lượng cao là do con người - văn nghệ sĩ sáng tạo ra. Người nghệ sĩ với tài năng và lao động cùng sự rung động trái tim trước cuộc sống, đi sâu vào đời sống nhân dân, thở cùng nhịp thở của nhân dân. Đặc biệt là chính bản thân các nghệ sĩ phải tự đổi mới mình, tìm ra hướng đi mới hay hơn, đẹp hơn và có giá trị hơn.
3. Cần mạnh dạn thảo luận, đề xuất những giải pháp hữu hiệu về kiện toàn tổ chức Hội, đào tạo cán bộ quản lý Hội, Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Nghệ thuật, công tác lý luận phê bình, đáp ứng những đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý; chăm lo phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, sử dụng thế hệ văn nghệ sĩ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp; hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sĩ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để các nghệ sĩ nhiếp ảnh khởi nghiệp, phát triển tài năng, tạo lập uy tín thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, khu vực quốc tế.
Song song với việc đổi mới sáng tạo, cần khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, yếu kém trong sáng tác, giám khảo, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật, hoàn thiện thống nhất tổ chức bộ máy và hoạt động đi vào nề nếp của Hội với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Cuộc đời và sự nghiệp của các nghệ sĩ lớn với những kiệt tác để đời luôn khơi nguồn nguyên khí quốc gia, là bài học về sáng tạo cho lớp người đi sau. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau giữ trong mình ngọn lửa khát vọng sáng tạo, đam mê. Sự nghiệp nhiếp ảnh nghệ thuật của đất nước sẽ mãi trường tồn, sẽ mãi là niềm tự hào của bản sắc văn hóa dân tộc, bắt rễ từ truyền thống lâu đời của Việt Nam.
Trên đây là một số gợi ý chính để các nghệ sĩ, các vị đại biểu cùng nhau tham khảo và bàn bạc trong buổi tọa đàm ngày hôm nay. Nhằm tháo gỡ những điểm hạn chế để thúc đẩy nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam vượt qua khỏi sự trì trệ, vươn lên phát triển với một tầm cao mới, một niềm tin mới, một khí thế mới, góp phần xây dựng một nền nghệ thuật nhiếp ảnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước và sự nghiệp chấn hưng văn hoá trong thời kỳ đổi mới. Quý vị nào không có bài tham luận có thể có ý kiến trực tiếp về những khía cạnh của chủ đề Tọa đàm mà mình tâm huyết, trăn trở lâu nay. ☐