NSNA Lâm Tấn Tài - tấm gương truyền lửa cho thế hệ tiếp nối

18:24 21/03/2022

Sáng 18-03-2022, nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (1953-2022) Hội Nhiếp ảnh TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Cuộc đời và Sự nghiệp NSNA Lâm Tấn Tài” đồng thời khánh thánh và an vị tượng đồng cố NSNA Lâm Tấn Tài tại địa chỉ 122 Sương Nguyệt Anh, Q.1, Tp. HCM.

NSNA Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội NSNAVN phát biểu tại Hội thảo

Tính đến thời điểm tháng 3 năm 2022, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài đã vĩnh biệt giới ảnh Thành phố và cả nước đúng 21 năm. Ông sinh năm 1935 và về cõi vĩnh hằng năm 2001, thọ 67 tuổi.

Tang lễ NSNA Lâm Tấn Tài được tổ chức ngay tại trụ sở Hội. Ngày di quan, hàng trăm lẵng hoa từ hầu hết các ban ngành, tỉnh-thành ông từng kinh qua đã gửi đến chia buồn kéo dài tận ngã tư đường.

Đặt những viên gạch, tạo nền móng đầy riêng biệt và đặc sắc cho Nhiếp ảnh TP.HCM từ ngày đầu thành lập, “cuộc chia tay cõi tạm” của NSNA Lâm Tấn Tài đã để lại dấu ấn sâu đậm. Không chỉ đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý, phóng viên chiến trường Lâm Tấn Tài còn để lại những tác phẩm giá trị với 2 công trình sách “Ảnh thời chiến” (xuất bản năm 2007, gồm 500 ảnh đen trắng) và “Đường Hồ Chí Minh” (xuất bản năm 2009, 332 ảnh đen trắng),…

Suốt thời gian dài cho đến tận hôm nay, vào những bữa tiệc họp mặt vui nhộn và kể cả lúc tâm hồn lắng đọng nhất, ông vẫn được nhắc đến như tấm gương để tìm sự sẻ chia, truyền lửa với thế hệ tiếp nối…

Để tìm hiểu một cách sâu sắc, làm rõ chân dung đa dạng của NSNA Lâm Tấn Tài hẳn cần có một Ban biên tập giàu tâm huyết và nhiều thời gian thu thập, xác minh tài liệu. Được gắn bó với hoạt động Hội Nhiếp ảnh TP hơn 20 năm, bài viết có đôi dòng phác thảo ngắn giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của ông gói trọn trong lĩnh vực quản lý.

Một sự nghiệp xứng đáng vinh danh

Nhận trọng trách lãnh đạo Hội Nhiếp ảnh TP.HCM theo quyết định số 274 QĐ-UB của Ủy ban Nhân dân Thành phố, từ ngày đầu thành lập (28-11-1981), Tổng Thư ký Lâm Tấn Tài (tương đương chức vụ Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố hiện nay) liên tiếp trải qua 3 nhiệm kỳ, kéo dài tổng cộng 19 năm (từ 1981 đến 2000).  

“An cư lạc nghiệp” ổn định trụ sở là suy nghĩ đầu tiên của ông khi bắt tay nhận nhiệm vụ. Ông đã khéo léo kết nối, thuyết phục thương gia Thái Trí Y hiến tặng quyền sử dụng căn nhà gồm 3 tầng lầu trở thành nơi sinh hoạt, mái nhà chung của những người yêu nhiếp ảnh thành phố. Trong thời điểm hiện tại, ngôi nhà số 122 là một vị trí đắc địa “vàng” theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Kết nối hòa hợp - hòa giải, chung tay xây dựng

Với tầm nhìn rộng mở và hướng tới mục tiêu dài hạn, khởi đầu nhiệm kỳ NSNA Lâm Tấn Tài đến tận nhà gặp gỡ, thăm hỏi các nhiếp ảnh gia Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Thị Thu Hồng, Tôn Lập, Phạm Văn Mùi, Trịnh Đình Thu, Trần Xán Vinh… mời tham gia cộng tác, chung tay xây dựng Hội. Cần lưu ý, đây còn là giai đoạn sử dụng máy ảnh phim, nhiếp ảnh mang tính bí truyền và đậm đặc chất thủ công. Ông ứng xử chân tình, đầy thiện cảm với văn nghệ sĩ, không phân biệt vùng miền, cũ - mới… Nhờ sự kết nối hòa hợp, hòa giải từ rất sớm mà hoạt động nhiếp ảnh Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM có được sự chuyển tiếp mượt mà, không đứt gãy…

Chú trọng đào tạo - bồi dưỡng thế hệ trẻ

Khi nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông từ trại học tập về gợi ý tổ chức các lớp đào tạo nhiếp ảnh cho thế hệ trẻ, ông thống nhất ngay chủ trương và tín nhiệm giao luôn nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông điều hành Giáo vụ (kéo dài hơn 25 năm đến khi nghỉ hưu).

Đồng hành cùng các hoạt động sáng tác, triển lãm, lý luận phê bình… việc xem trọng công tác đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ ngay từ đầu nhiệm kỳ đã góp phần quan trọng trong việc “trồng người”, luôn bổ sung cho Hội những nhân tố mới, những tác giả trẻ tham gia các cuộc thi, liên hoan khu vực, trở thành NSNA Việt Nam (VAPA) và hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP). Góp phần giữ vững truyền thống thương hiệu Nhiếp ảnh Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trong cả nước và trên trường ảnh quốc tế.

Tổ chức lực lượng, gầy dựng cơ sở vững mạnh
Tiếp bước các thế hệ đàn anh, các nghệ sĩ của Hội với quá trình tham gia hoạt động nhiếp ảnh trên 20 năm đã được Hội NSNAVN trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam (đợt trao tặng được tổ chức cùng thời điểm Hội tổ chức Lễ Kỷ niệm 69 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam vừa qua tại Tp. HCM)

Không nề hà gian khó, ngoài TP.HCM, anh Tám Tài còn là cánh chim đầu đàn, xây dựng nên phong trào Nhiếp ảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ.

Giai đoạn 1981 -1991, chưa có điện thoại di động, ông trực tiếp đi gầy dựng cơ sở, di chuyển đến các tỉnh chủ yếu toàn bằng xe Honda. Có đợt công tác liên tỉnh kéo dài tận cả tháng, mỗi lần về đến Hội là người ông đen nhẻm, tóc mọc dài đầy bụi đỏ…

Sáng lập “Liên hoan ảnh nghệ thuật Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”

Tháng 2 năm 1986, cùng nhà thơ Bảo Định Giang, NSNA Lâm Tấn Tài lên ý tưởng và thể nghiệm Liên hoan ảnh nghệ thuật dành cho 13 tỉnh khu vực ĐBSCL lần thứ nhất tại Hậu Giang. Đến nay Liên hoan đã tổ chức được 38 lần và mô hình Liên hoan nhiếp ảnh khu vực do ông đồng sáng lập cũng phát triển rộng ra 8 khu vực trên cả nước.

Ông cũng là trưởng Ban Tổ chức kiêm giảng viên chủ trì lớp Tập huấn ảnh nghệ thuật đầu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 1985, tại Long An.

Ý thức sưu tập, lưu trữ hiện vật

Tốt nghiệp khoa Sử chuyên ngành khảo cổ, hiểu rất rõ giá trị thông tin của các hiện vật, nên ngay khi đương nhiệm, ông cẩn thận lưu trữ sắp xếp ngăn nắp từng thư mời khai mạc triển lãm, từng vỏ phim, từng huy hiệu hay chỉ là chiếc móc khóa quảng cáo của hãng Konica, Kodak, Fujifilm… Năm 1985, ông thành lập “Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nhiếp ảnh” chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài này.

Lối sống giản dị, yêu món ăn Nam bộ

Trong cuộc sống thường nhật, khi rảnh rỗi, NSNA Lâm Tấn Tài thích nhất là được vào bếp, tự tay làm món tóp mỡ kho quẹt, chỉ đến khi từng miếng tóp mỡ rán phồng nhai ròn rụm ông mới vừa ý…! “Nếu không làm được việc lớn hãy làm việc thật nhỏ cho gia đình, xóm làng mình” ông thường dí dỏm nhắn nhủ đại ý như vậy trong mỗi dịp trò chuyện thân mật với các tay máy trẻ…

Là nhà quản lý, người thầy, người đồng nghiệp góp phần đặt nền móng, khai mở ánh sáng nhiếp ảnh cho vùng đất phương Nam, những cống hiến không quản ngại mệt mỏi của ông hẳn sẽ còn nhiều thông tin giá trị và kỷ niệm thú vị dần được phát lộ.
Lãnh đạo Hội NSNAVN, Hội Nhiếp ảnh Thành phố và các nghệ sĩ chụp ảnh lưu niệm bên tượng chân dung cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài tại trụ sở Hội Nhiếp ảnh Thành phố 

NSNA Lâm Tấn Tài là biểu tượng sinh động, minh chứng cho mối quan hệ máu thịt giữa nhiếp ảnh và xã hội, nghệ sĩ sáng tác và trách nhiệm quản lý. Kết nối “Quá khứ - Hiện tại - Tương lai” tượng đồng chân dung NSNA Lâm Tấn Tài (tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Thanh Nam) là công trình giàu ý nghĩa văn hóa, gìn giữ quá khứ, giáo dục thế hệ tương lai khi tình yêu và trái tim nghệ sĩ hòa nhịp với cuộc sống tìm được niềm vui hạnh ngộ giữa Trao và Nhận…/.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
NSNA Lâm Tấn Tài - tấm gương truyền lửa cho thế hệ tiếp nối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO