Đại diện Bảo tàng tiếp đón và nhận hiện vật có nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Cùng dự lễ tiếp nhận hiện vật và tham quan bảo tàng có nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, Nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng, Nguyên Trưởng Ban ảnh TTXVN, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út, tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951, tại Long An, là người Mỹ gốc Việt. Năm 16 tuổi, ông được nhận vào làm việc cho Hãng tin Associated Press (AP của Hoa Kỳ).
Ông là tác giả của bức ảnh huyền thoại "Em bé Napalm" chụp em bé Phan Thị Kim Phúc và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom Napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972. Vào khoảnh khắc lịch sử đó, bé Kim Phúc mới 9 tuổi.
Sau khi chụp bức ảnh này, nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út đã đưa Kim Phúc vào bệnh viện và em đã được cứu sống.
Bức ảnh “Em bé Napalm” ngay sau đó đã được đăng trên trang nhất rất nhiều tờ báo lớn, được coi là một tác phẩm ảnh báo chí xuất sắc về đề tài chiến tranh. Bức ảnh đã cho cả thế giới thấy sự thật về cuộc chiến mà Mỹ đang thực hiện tại Việt Nam vào thời điểm đó, chiến tranh đã tấn công phụ nữ và trẻ em như thế nào.
Năm 1973, bức ảnh này đã đạt giải Pulitzer - giải thưởng danh giá của Mỹ, được xếp thứ 41 trong số 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Năm 2010, bức ảnh “Em bé napalm” của ông được tờ New Statesman bình chọn là bức ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại. Năm 2019, "Em bé Napalm" tiếp tục được bình chọn là bức ảnh có sức lay động nhất thế giới. Cuộc bình chọn được thực hiện bởi kênh truyền hình Anh quốc History để ra mắt loạt phim "Những bức ảnh thay đổi thế giới".