Cây mận tam hoa được du nhập vào trồng tại huyện Kỳ Sơn Nghệ An từ những năm chín mươi của thế kỷ trước nhằm thay thế một số cây trồng khác, trong đó có cây thuốc phiện. Nguồn gốc giống được UBND huyện chỉ đạo bà con mua từ Bắc Hà (Lào Cai) về trồng tại các xã Mường Lống, Nậm Cắn, Đọoc Mạy, Na Ngoi, Tây Sơn, Nậm Càn, Huồi Tụ… Với tổng diện tích gần 50 ha, năng suất đạt 4,5 tấn/ha, sản lượng thu hoạch từ 170-200 tấn/năm. Mùa vụ thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7, cây mận đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Ngày hội hái mận Kỳ Sơn năm 2022, lần đầu tiên được tổ chức tại xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, nghệ An) đây là sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân và du khách gần xa về sự phong phú, đa dạng, đặc sắc của nhiều loại sản vật riêng có ở vùng cao, biên giới, dân tộc Kỳ Sơn (Nghệ An) một huyện có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc mông sinh sống. Đặc biệt với Mận Tam Hoa – Kỳ Sơn, nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, mỗi ngày có 4 mùa nên được mệnh danh “Đà Lạt xứ Nghệ”. Hội thi hái Mận diễn ra trong thời gian 3 ngày, ngoài thi hái mận đẹp, mận ngon còn có các hoạt động dân gian như: Biểu diễn văn nghệ, trải nghiệm văn hóa ẩm thực các dân tộc, chọi bò, trình diễn khèn Mông…Qua cuộc thi ban tổ chức đã xét tặng 5 giải thưởng cho các vườn mận gia đình nông dân: Lầu Chìa Và (giải nhất), Hờ Chồng Pò (giải nhì), Xồng Chồng Xử (giải 3) và 2 giải khuyến khích cho gia đình ông Xồng Lìa Tría, Hờ Nỏ Trừ.
Ngày hội hái mận Kỳ Sơn cũng là dịp để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, tạo sự gắn kết tương hỗ giữa phát triển nông nghiệp xanh, sạch với sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách, đồng thời tạo ra chuỗi các sản phẩm nông nghiệp có giá trị đạt chất lượng OCOP, khảng định vị thế, thương hiệu, mở rộng thị trường nơi vùng cao biên giới Nghệ An.
Trần Duy Ngoãn