Lưu giữ hồn Việt trong ống kính nghệ thuật của nhiếp ảnh gia người Pháp

Lưu giữ hồn Việt trong ống kính nghệ thuật của nhiếp ảnh gia người Pháp

Tạ Nhật Mai, Nguyễn Yến Nhi|16:11 06/01/2023

Việt Nam ngày càng được nhiều người nước ngoài lựa chọn là địa điểm du lịch, sinh sống lý tưởng nhờ cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ và con người hiếu khách. Đó cũng chính là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều nghệ sĩ nước ngoài khi đến Việt Nam.

ong-frederic-astich.jpg
Ông Frederic Astich và vợ, bà Perine Astich Barre

Ông Frederic Astich (67 tuổi) và bà Perine Astich Barre (71 tuổi), là hai vợ chồng nghệ sĩ người Pháp, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Khi ở Pháp, ông bà là đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật với công việc chính là sáng tạo, thiết kế đạo cụ, bối cảnh cho các bộ phim. Sau khi nghỉ hưu, ông bà đến Việt Nam và đã gắn bó ở đây trong gần 10 năm qua. Hiện tại, ông Frederic Astich là nhiếp ảnh gia đường phố ở Hà Nội. Ông bà dành phần lớn thời gian để đi khám phá Việt Nam và lấy tư liệu tạo nên các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Khi Việt Nam không chỉ là điểm dừng chân…

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình đến với Việt Nam, ông bà cho biết họ đã đặt chân đến rất nhiều nước trên thế giới để du lịch trải nghiệm. Nhưng chỉ khi đến Việt Nam, một sự gần gũi lạ thường đã “níu chân” ông bà ở lại rồi dần dần coi mảnh đất này là “ngôi nhà thứ hai” của mình.

ong-frederic-va-ba-perine-cung-nhung-nguoi-ban-viet-nam.jpg
Ông Frederic và bà Perine cùng những người bạn Việt Nam

Việt Nam có điểm gì thu hút khiến ông bà quyết định sinh sống ở đây?

Bà Perine: “Đối với chúng tôi, cuộc sống ở Việt Nam khác hẳn so với bên Pháp. Kể cả khi có nhiều tiếng ồn xung quanh, như việc mọi người bấm còi inh ỏi ngoài đường, thì nơi đây vẫn có một nét gì đó rất riêng, rất yên bình, giản dị. Chắc bởi vậy mà tôi thấy con người Việt cũng ôn hoà, thân thiện, gần gũi như chính nơi họ sống. Và chính những điều đơn giản, bình dị ấy đã níu giữ vợ chồng tôi ở lại đất nước này trong suốt 10 năm qua.

Sau một thời gian ở Hà Nội, chúng tôi đã thay đổi rất nhiều, cảm giác thư giãn, nhẹ nhàng giống người Việt Nam vậy. Bởi cả hai đều đã về hưu nên một cuộc sống an yên cùng tâm trạng thoải mái thực sự là điều tuyệt vời. Có lẽ vì thế mà khi quay trở lại Pháp, bạn bè đều thấy chúng tôi trở nên thư thái và tĩnh tâm hơn rất nhiều”.

4mot-so-buc-anh-cua-ong-frederic-astich.jpg

Con người Việt Nam có khác gì so với tưởng tượng của ông bà không?

Ông Frederic: “Trước khi đến Việt Nam, chúng tôi đã không ít lần nghe nói về sự hiếu khách của người nơi đây. Và đúng như tưởng tượng, khi sống ở đất nước này, đi đến đâu vợ chồng tôi cũng được chào đón và giúp đỡ rất nhiệt tình. Nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả lại là sự đáng yêu, bình dị, giản đơn mà rất đỗi đặc biệt của họ. Ở đây, vợ chồng tôi cũng đã làm quen và gặp gỡ khá nhiều người bạn Việt Nam. Dần dần, tôi yêu con người Việt và muốn được lưu giữ vẻ đẹp đó trong những bức ảnh của mình”.

“Tôi không đi tìm kiệt tác nghệ thuật, mà chỉ muốn lưu giữ, nâng niu những vẻ đẹp tự nhiên, đời thường nhất của họ”.

Khi được hỏi về các tác phẩm của mình, ông bà hào hứng dẫn chúng tôi đi tham quan ngôi nhà - nơi mà mọi ngách đều treo những tấm ảnh được đóng khung ngay ngắn trên tường. Ông Frederic tâm sự rằng, hai vợ chồng coi mỗi bức ảnh trong nhà như một lời gợi nhớ kỷ niệm về nơi cả hai cùng đặt chân đến khi ở Việt Nam.

ong-fred-estamour-va-nhung-buc-anh-ve-con-nguoi-viet-nam.jpg
Ông Fred Estamour và những bức ảnh về con người Việt Nam

Ông có thể giới thiệu đôi điều về chủ đề chính trong tranh ảnh của mình không?

Điều tôi muốn thể hiện qua những bức ảnh là nét đẹp văn hoá Việt. Nét văn hoá trong tranh ảnh của tôi có thể là tập tục truyền thống, là thói quen sinh hoạt của người Việt, hay chỉ đơn giản là những khoảnh khắc tình cờ bắt gặp trên đường phố. Tôi thường ghi lại tranh ảnh về cuộc sống thường ngày một cách ngẫu hứng, không rập khuôn hay sắp đặt để tìm ra được những vẻ đẹp tự nhiên nhất trong văn hoá và con người Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cũng có một số triển lãm tại Hà Nội để lưu lại kỷ niệm và đưa những bức ảnh về cuộc sống Việt Nam đến với nhiều bạn bè trong nước và quốc tế hơn.

mot-so-buc-anh-tai-trien-lam-mes-tet-a-moi-cua-ong-frederic-astich.jpg
Một số bức ảnh tại triển lãm “Mes Têt à moi” của ông Frederic Astich

Đâu là bức ảnh khiến ông tâm đắc nhất? Có câu chuyện, thông điệp đặc biệt nào ông muốn truyền tải qua đó không?

“Đầu tiên, tôi muốn giới thiệu một bức ảnh khá thú vị với cảnh tượng một cậu bé đang “ngấu nghiến” thật nhanh chiếc bánh hamburger - một món ăn đặc trưng của phương Tây. Nhưng bạn thấy đấy, điều đặc biệt ở đây là cậu đang ngồi trên vỉa hè đường phố Việt Nam rất bình dị, và phía sau là bức tranh người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của dân tộc.

3mot-so-buc-anh-cua-ong-frederic-astich.jpg

Còn về bức ảnh thứ hai, dễ thấy nhất hẳn là hình ảnh người phụ nữ đang cho con ăn. Nhưng nếu nhìn kĩ phía sau, bạn sẽ thấy một người đàn ông đang tập thể dục, trông rất khoẻ mạnh phải không? Ngay lúc đó, tôi đã có một liên tưởng khá hay ho rằng, đứa bé đang được mẹ chăm sóc kia chắc chắn cũng trở nên cao lớn, khỏe mạnh giống người đàn ông ấy. Khi suy nghĩ đó vừa xuất hiện, tôi đã thật nhanh cầm máy ảnh để lưu lại cảnh tượng đáng yêu này.”

Ông Frederic chia sẻ thêm, điểm chung của hai bức ảnh này là “gói gọn được nhiều nét đẹp văn hoá”, nhiều hình ảnh, hoạt động khác nhau chỉ trong một khung hình. Dù ông đã chụp khá nhiều về con người Việt, nhưng không phải lúc nào cũng “nắm bắt” được những khoảnh khắc đặc biệt như vậy. Quả thực, những cảnh tượng tuy đối lập nhưng đã nên một tổng thể rất hài hoà, thể hiện đúng chất con người và cuộc sống đời thường tại Việt Nam.

Có điều gì đặc biệt ẩn sau những bức ảnh của ông không?

Điều đặc biệt trong những tác phẩm này có lẽ bắt nguồn từ những suy nghĩ, ý tưởng của tôi trước khi bấm máy. Những dòng suy nghĩ đó được tôi ghi lại phía sau mỗi khung ảnh bằng cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Nó thể hiện thông điệp và chủ ý của tôi về bức ảnh. Tôi hy vọng với những dòng chữ đó, người xem có thể hiểu được ý nghĩa tôi muốn truyền tải và có thêm một góc nhìn mới mẻ về bức ảnh ấy. Vì đó chỉ là những tấm ảnh được chụp ngẫu hứng trên đường phố, nên dòng chữ này có thể coi là lời giải thích, mô tả rõ ràng giúp chúng hiện lên chân thật và sống động hơn.

5mot-so-buc-anh-cua-ong-frederic-astich.jpg

Giữa khá nhiều chủ đề, vì sao ông lại lựa chọn con người là trung tâm trong những bức ảnh của mình?

Bạn biết đấy, con người hoàn toàn khác với phong cảnh thiên nhiên, không đứng yên một chỗ mà luôn thay đổi và chuyển động. Đó cũng là lý do tôi chọn con người làm trung tâm trong mỗi bức ảnh của mình. Từng hành động của họ chỉ diễn ra trong phút chốc, không thể miễn cưỡng sắp đặt và cũng khó xảy ra lần thứ hai. Và điều một nhiếp ảnh gia cần làm chính là nắm bắt thật nhanh những khoảnh khắc tuyệt vời ấy.

Trong mắt tôi, con người Việt Nam thực sự bình dị và mộc mạc. Ở đây, tôi không đi tìm kiệt tác nghệ thuật, mà chỉ muốn lưu giữ, nâng niu vẻ đẹp tự nhiên, đời thường nhất của họ trong từng bức ảnh.

2.-mot-so-buc-anh-tai-trien-lam-mes-tet-a-moi-cua-ong-frederic-astich.jpg

Ông có thể chia sẻ về dự định thực hiện các tác phẩm nghệ thuật về con người Việt Nam trong tương lai không?

Sắp tới chúng tôi dự định sẽ xuất bản tranh ảnh dưới dạng sách. Ở đó chứa đựng câu chuyện về những cuộc hành trình và những nơi chúng tôi đã đi qua trên mảnh đấtnày. Mỗi bức ảnh sẽ là một câu chuyện trải nghiệm của riêng chúng tôi. Điều này thật sự có ý nghĩa rất lớn bởi đây chính là cuốn sách tổng kết, ghi dấu chặng đường 10 năm chúng tôi định cư ở Việt Nam.

Ngoài dự định in sách, gần đây, tôi được một người đồng nghiệp giới thiệu tham gia Câu lạc bộ Nhiếp ảnh gia Hà Nội để thực hiện một số các dự án. Điều này có thể khiến chúng tôi bận rộn hơn trong thời gian tới, nhưng chắc chắn trong những dự định ấy vẫn sẽ có sự hiện diện của cuộc sống và con người Việt Nam.

Xin cảm ơn ông Frederic Astich và bà Perine Astich Barre đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện chân tình này!


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Lưu giữ hồn Việt trong ống kính nghệ thuật của nhiếp ảnh gia người Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO