Kết thúc cuộc thi cuộc thi ảnh về các loài chim tại Việt Nam, Ban tổ chức đã chọn hơn 40 tấm ảnh xuất sắc để triển lãm tại VP Công ty Lê Bảo Minh (184 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP. HCM).
Giải Nhất là tác phẩm "Giao lưu cò thìa Á - Âu" của tác giả Lê Đức Hiền (Hà Nội) dù có nhiều ý kiến tranh luận, nhưng với giới nhiếp ảnh chuyên chụp chim thì ai cũng khẳng định: bảo đây là bức ảnh "ngàn năm có một"!
Theo ông Nguyễn Hoài Bảo (giáo viên Trường ĐH KHTN TP. HCM), Trưởng ban tổ chức: "Bức ảnh chụp hai con cò thìa châu Âu (trái) và cò thìa mặt đen tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định). Điều cực kỳ hiếm là cò thìa mặt đen (Black-faced Spoonbill, tên khoa học Platalea minor) là một loài có nguy cơ tuyệt chủng cao, hiện ước tính chỉ còn khoảng 4.000 con trên toàn cầu. Ở Việt Nam, chúng sinh sống ở vùng đầm lầy khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhưng do làn sóng đô thị hóa nên ngày càng ít đi.
Còn cò thìa châu Âu (Eurasian Spoonbill, tên khoa học Platalea leucorodia) là chim di cư. Tuy nhiên, cò thìa châu Âu có mặt ở Việt Nam, theo tôi là có một vài con đi lạc, chứ Việt Nam không phải là nơi chúng đến trú đông. Vì vậy, một bức ảnh chụp được khoảnh khắc của hai con cò tưởng rằng không thể nào gặp nhau ở Vườn quốc gia Xuân Thủy là một điều vô cùng hiếm có".
Tác giả Lê Đức Hiền (Hà Nội) kể lại: "Tôi chụp bức ảnh này vào tháng 12/2022. Thời điểm đó nhiều anh em trong hội chụp chim ở miền Bắc kháo nhau rằng có hai con cò thìa châu Âu xuất hiện ở Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tôi lên đường đi tìm. May mắn cho tôi là đã gặp được nó.
Đầu tiên, khi tôi thấy chúng há mỏ, lắc lư đầu với cò thìa mặt đen thì cứ nghĩ là chúng gây gổ nhau. Nhưng hóa ra không phải, chúng gặp đàn nào cũng tỏ ra như thế, theo kiểu như con người mình gặp nhau thì bắt tay chào hỏi vậy.
Và thật sự đôi cò thìa châu Âu này hết sức thân thiện với các đàn cò có mặt ở Vườn quốc gia Xuân Thủy.
Chứng kiến được hình ảnh hiếm có này, tôi cứ nghĩ chim cũng giống người, gặp nhau là tay bắt mặt mừng"!
Đánh giá về cuộc thi, Đại tá, NSNA Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP. HCM khẳng định, có thể đánh giá cuộc thi đã thành công tốt đẹp, tạo ra sân chơi mới cho những nhiếp ảnh gia yêu thích chụp chim và đặc biệt đề cao việc bảo tồn các loài chim quý hiếm.
"Tôi rất thích Tác phẩm Hải Âu đồng giải ba của tác giả Nguyễn Quốc Toàn (nghệ danh Lý Gia Đại), chụp tại vùng biển Rạch Giá, Kiên Giang. Hình ảnh chú chim cổ còn dính những sợi cước vừa thoát khoải sự đánh bắt như một thông điệp cần chung tay bảo vệ các loài chim thiên nhiên. Các tác phẩm được giải và trưng bày triển lãm rất đáng trân trọng về sự đam mê các nhiếp ảnh gia săn tìm các khoảnh khắc đẹp các loài chim quý hiếm", NSNA Hoài Trung nói.
Trao đổi về cuộc thi chuyên về ảnh chim lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh (thành viên ban giám khảo) cho biết, "Tôi bắt đầu chụp thể loại chim thiên nhiên hoang dã từ năm 2004, và hồi ấy người chụp thể loại này còn đếm trên đầu ngón tay. Nhưng bây giờ, người chơi đã rất đông, trải đều từ Bắc chí Nam.
Tôi cho rằng sự phát triển này không chỉ có giá trị về mặt nhiếp ảnh, mà quan trọng hơn, nó giúp lan tỏa những hình ảnh đẹp, quý giá về các loài chim ở Việt Nam đến với mọi người. Và hy vọng từ đó con người sẽ yêu quý thiên nhiên nói chung, chim muông nói riêng".
Một số hình ảnh tại buổi triển lãm: