Cầu Long Biên: Một di sản kiến trúc - văn hoá

TS Nguyễn Hữu Mạnh|11:35 28/08/2022

Cầu Long Biên là “chứng nhân lịch sử” gắn bó với bao biến cố của lịch sử và nhiều sự kiện vẻ vang, đáng nhớ của người dân Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Có một điều ít người biết về cây cầu đó chính là việc nó đã từng là cây cầu dài thứ hai trên thế giới khi hoàn thành năm 1902. Sau hơn 100 năm, mang trong mình nhiều biến cố của lịch sử, cây cầu đang bị rơi vào quên lãng, đã đến lúc đối xử với cầu Long Biên như một di sản chứ không phải một cây cầu dùng để đi lại.

Cầu Long Biên: Một di sản kiến trúc - văn hoá
Cầu Long Biên - kỳ tích của thế giới. Ảnh: Flickr Mạnh Hải

Hà Nội mang vẻ đẹp lịch sử ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ văn hoá, kết tinh văn minh của đất nước. Hà Nội cũng là nơi sản sinh nhiều loại hình văn hóa dân gian; quê hương của các anh hùng hào kiệt dân tộc, nơi tụ hội các di tích văn hóa vật thể và phi vật thể được cả nước công nhận. Cùng với Văn Miếu, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn thì một trong những hình ảnh đặc trưng, độc đáo mà chúng ta không thể không nhắc tới khi đề cập tới Hà Nội là cầu Long Biên - cây cầu được ví như “tháp Eiffel nằm ngang” vắt qua dòng sông Hồng.

Paul Doumer và cầu Long Biên

Paul Doumer (1857-1932) là vị Toàn quyền trẻ nhất nước Pháp (39 tuổi) khi được chỉ định làm Toàn quyền Đông Dương trong giai đoạn từ năm 1897 đến năm 1902. Sau này, ông trở thành Tổng thống Pháp. Ông đã để lại một khối di sản lớn ở Đông Dương, đặc biệt tại Việt Nam với các công trình kiến trúc tiêu biểu như cầu Tràng Tiền (TT-Huế), cầu Bình Lợi (TPHCM), cảng Hải Phòng. Ông cũng cho xây dựng khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Đà Lạt, các trường học, trong đó, việc xây dựng cầu Long Biên là quyết định cực kỳ sáng suốt của ông vì ông muốn kết nối tuyến đường sắt xuyên Đông Dương chạy dài tới tận Vân Nam (Trung Quốc).

Nguyễn Thế Anh trong cuốn “Việt Nam dưới thời Pháp đô hộ” cho biết: “Đường xe lửa, ngay từ đầu, được coi như là dụng cụ cần thiết cho sự khai thác xứ Đông Dương. Chương trình thiết lập năm 1898, gọi là chương trình Doumer, dự trù sự thực hiện một hệ thống chung gồm xe lửa xuyên Đông Dương (Transindochinois) nối liền Hà Nội với Nam Vang và một đường xe lửa xâm nhập tỉnh Vân Nam”. Người Pháp muốn nhanh chóng đầu tư, xây dựng một hệ thống giao thông nhằm phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Đồng thời, đây cũng là con đường di chuyển quân đội để đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta.

Từ “ý tưởng điên rồ” tới “kỳ tích sông Hồng”

Paul Doumer đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu lớn bằng sắt bắc qua sông Hồng dài 1.600m và đã vấp phải rất nhiều ý kiến cho rằng đây là một ý tưởng điên rồ và không thể thực hiện được; nhiều người còn đả kích, châm biếm ý tưởng đó: “Đặt một cây cầu ngang sông Hồng à? Thật là điên rồ! Thật y như muốn chồng lên núi để lên trời.

Tờ Le Courrierd’Haiphong (Thư tín Hải Phòng), cơ quan ngôn luận của giới thương gia thành phố này, sau khi châm chọc tính vĩ cuồng của Doumer, tờ báo này còn nói thêm: Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, liệu có bắc ngang qua được một con sông hay không. Thế nhưng ông ta không nghĩ tới điều đó, không nghĩ tới sự thay đổi của sông Hồng. Ông ta không nghĩ con sông có tính khí thất thường này thay đổi lòng sông cực kỳ dễ dàng. Hơn thế nữa, ông ta phải biết chuyện tòa công sứ Hưng Yên đã bị dòng sông nuốt chửng, phải biết trong tỉnh Sơn Tây có một lòng sông cũ cách lòng sông hiện tại 5km; ông ta có biết rằng một sáng mở mắt ra người ta sẽ thấy một cây cầu, đẹp, nằm trên đất rắn chắc, cách dòng chảy quỷ quái của sông Cái hàng trăm mét”. Bỏ ngoài tai những lời đả kích, phê phán, chế diễu của dư luận, Paul Doumer vẫn quyết định xây cầu. Cây cầu này được Hãng Daydé & Pillé thiết kế và thi công. Cây cầu Long Biên dài 1.682m được thiết kế theo u rầm chìa và kỹ thuật này đã được sử dụng lần đầu tiên để xây dựng cầu Tolbiac trên tuyến đường sắt từ Paris đến Orléans.

Ngày 13.9.1889, viên đá đầu tiên được Toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại vị trí mố cầu bên bờ tả ngạn sông Hồng trong lễ khởi công. 2 năm 5 tháng sau, ngày 28.2.1902, cây cầu xây xong, một thời gian nhanh kỷ lục so với một cây cầu tầm cỡ như thế, với nền tảng kỹ thuật ở thời điểm ấy. Khi hoàn thành, cầu Long Biên trở thành cây cầu dài thứ hai thế giới sau cầu Brooklyn bắc qua sông East được xây năm 1883. Đồng thời, cầu Long Biên cũng là cây cầu được xây dựng với những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Tấm biển “1899 - 1902 Daydé & Pillé Paris” vẫn còn nguyên vẹn như muốn nhắc nhở mọi người hãy biết tôn trọng quá khứ.

Được xây dựng và hoàn thành sau 4 năm từ 1898 - 1902, cầu Long Biên đã trải qua hai thế kỷ với 120 tuổi, cây cầu già nua đã đứng đó chậm rãi chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, trên cây cầu không biết bao nhiêu máu xương những người con ưu tú dân tộc đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập hòa bình cho tổ quốc. Khôi phục cầu Long Biên là việc cần phải làm. Nhưng bảo tồn thế nào thì lại vẫn là một câu hỏi lớn.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Cầu Long Biên: Một di sản kiến trúc - văn hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO