Cảm xúc Trường Sa

Cảm xúc Trường Sa

NSNA Tuyết Minh|16:54 28/05/2024

Tháng 5/2024, Đoàn Công tác số 19 thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/7 thuộc tỉnh Khánh Hòa. Chuyến công tác ấn tượng đã để lại thật nhiều cung bậc cảm xúc, suốt đời không quên.

Trường Sa – nơi biết bao người hằng mong ước được một lần đặt chân đến, tôi cũng không ngoại lệ. Tháng 5/2024, tôi được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cử đi chuyến Đoàn Công tác số 19 thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa; Nhà giàn DK1/7 thân yêu thuộc tỉnh Khánh Hòa. Chuyến công tác thật ấn tượng đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc, suốt đời không quên.

vang-mai-khuc-quan-hanh-o-dao-truong-sa.jpg
Vang mãi khúc quân hành ở đảo Trường Sa

Chúng tôi đến Cam Ranh vào một ngày đẹp trời. Vừa hạ cánh xuống sân bay, Ban Tổ chức đón chúng tôi, đưa về ăn nghỉ tại Nhà khách X52. Cam Ranh nổi tiếng với biển xanh, cát trắng và nắng vàng. Vậy nên sau khi nghỉ ngơi, ăn uống xong, chúng tôi dạo quanh. Cam Ranh thật tĩnh lặng, yên bình, một trong những điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng của Việt Nam. Chúng tôi cảm động trước sự quan tâm chu đáo, nhiệt tình của Ban tổ chức.

Sáng hôm sau, 11/5, chúng tôi tập trung khám sức khỏe trước khi lên tầu ra đảo. Trong phòng khám có hai bác sĩ ngồi đo huyết áp, tim mạch. Bước vào phòng ai nấy đều hồi hộp, lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt. Chắc hẳn mọi người giống như tôi đều sợ không được đi. Ấy vậy mà đoàn chúng tôi cũng có một người bị rớt lại vì tăng huyết áp mặc dù đã đo hai lần. Khi nghe tin bị rớt lại, bạn ấy buồn lắm. Chúng tôi đều cảm thấy ái ngại và tiếc cho bạn ấy.

Chiều cùng ngày Lãnh đạo Đoàn Công tác số 19 tổ chức Hội nghị Quán triệt nhiệm vụ của đoàn đi thăm và tặng quà quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 năm 2024 tại hội trường khách sạn Trường Sa do Đại tá Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Phòng Chính trị Bộ Tham mưu Hải Quân chủ trì. Trong khuôn khổ Hội nghị, Toàn đoàn chia thành các tổ nhỏ, phát động phong trào thi đua giữa các tổ rất sôi nổi, phấn khởi. Sau đó Đoàn dâng hương tại Đài tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Linh Nguyên, một không gian tâm linh bên vịnh Cam Ranh. Chùa Linh Nguyên mang vẻ đẹp mộc mạc của một ngôi chùa cổ ở làng quê Việt Nam.

doan-cong-tac-so-19.jpg
Đoàn Công tác số 19
le-dang-huong-tuong-niem-64-liet-si-hy-sinh-trong-su-kien-gac-ma.jpg
Lễ dâng hương tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma

Hành trình của Đoàn Công tác số 19 chúng tôi khởi hành ra khơi ngày 12/5 và kết thúc vào ngày 18/5/2024 do Đại tá Lê Hoàng Việt, Phó Chủ nhiệm Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn. Đoàn đại biểu có 197 thành viên ở các khối cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Văn Phòng, các cơ quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Khối thi đua các Bộ, ngành Nội chính Trung ương; Kiểm toán Nhà nước; tỉnh Nam Định; tỉnh Tuyên Quang; Trường Đại học Y Dược Thái Bình; các doanh nghiệp. Văn nghệ sĩ gồm nhóm Văn nghệ sĩ chúng tôi: 05 thành viên trong đó 04 người thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam: NSNA, Nhà giáo Nguyễn Thị Tuyết Minh; Nhạc sĩ, NSNA, Đại tá Nguyễn Trọng Lưu; NSND, Biên đạo múa Nguyễn Hồng Phong; Nhà văn Niê Thanh Mai; NSNA Trương Vĩnh Sửu; Báo chí; Đoàn Văn công tỉnh Nam Định… xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh lần lượt đến các đảo Song Tử Tây – Sinh Tồn – Cô Lin – An Bang – Đá Đông B – Đá Tây B – Trường Sa – nhà giàn DK1/7 và trở về cảng Quốc tế Cam Ranh trên con tầu Kiểm Ngư 491 (KN 491).

Sáng sớm 12/5, xe bon nhanh trên đường đưa Đoàn Công tác số 19 chúng tôi tới cảng Quốc tế Cam Ranh. Trước mắt chúng tôi là con tàu khổng lồ mang tên Kiểm Ngư 491. Các thủy thủ, chiến sĩ giúp chúng tôi đưa hành lý tới từng phòng trên tầu. Còn chúng tôi, ai cũng thấy xốn xang, rộn ràng, hết lên tầu lại xuống; ríu ra ríu rít thi nhau chụp ảnh với con tầu cứ như chưa bao giờ được thấy con tầu to đến vậy. Khoảng nửa tiếng sau, chúng tôi được lệnh lên tầu để chuẩn bị rời bến.

Điều ấn tượng nhất là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh đoàn quân đứng dàn hàng ngang nghiêm trang vẫy chào đoàn khi chuẩn bị tầu nhổ neo ra khơi. Một cảnh tượng xúc động thật đẹp, thật vinh dự, tự hào và rất nhân văn. Đúng 8h10, con tầu nhổ neo, từ từ rời bến lướt sóng ra khơi.

Trong chuyến đi thỉnh thoảng gặp cơn sóng lừng nhẹ khiến con tầu hơi chòng chành. Chạy hơn một ngày một đêm, chiều 13/5, Đoàn Công tác số 19 đặt chân lên đảo Song Tử Tây bằng những chiếc xuồng máy nhỏ. Cán bộ, chiến sĩ, người dân nơi đây đã xếp hàng chờ đón đoàn chúng tôi. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, cảm động rơi nước mắt trước tình cảm của những người lính, người dân nơi biển đảo đầu sóng ngọn gió.

doan-cong-tac-so-19-tham-dao-song-tu-tay.jpg
Đoàn Công tác số 19 thăm đảo Song Tử Tây
nsna-tuyet-minh-tang-can-bo-chien-si-sach-anh.jpg
NSNA Tuyết Minh tặng cán bộ chiến sĩ sách ảnh

Song Tử Tây là một trong những đảo có mạch nước ngầm. Không chỉ có thế, Song Tử Tây còn có Đài Khí tượng, ngọn Hải đăng, Trạm xá Quân y 108, trường học, còn có vườn rau xanh tốt. Trên đảo có khá nhiều loại cây: phong ba, bàng vuông, phi lao, dừa… và một số loại cây ăn quả như đu đủ, chanh, mướp, bầu, bí, rau xanh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt nơi đây có Chùa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bảo đảm đời sống tâm linh của quân, dân. Sau khi nghe lãnh đạo báo cáo, giao lưu văn nghệ, đoàn tỏa ra thăm hỏi động viên quân và dân trên đảo. Nhiều người còn tìm đồng hương chia sẻ nỗi vất vả, hy sinh của quân, dân nơi đây. Vừa tới sân, tôi gặp Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Nguyễn Thiên An. Anh mời tôi vào uống nước. Trò chuyện một hồi, tôi tặng sách ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho UBND xã và ngỏ ý muốn thăm lớp học và các gia đình...

Chạy suốt đêm, sáng 14/5/2024, Đoàn Công tác số 19 tiếp tục tới đảo Sinh Tồn. Từ xa chúng tôi đã thấy một vùng đất cây cối xanh tươi sum suê. Được biết đảo Sinh Tồn nằm xen kẽ giữa các đảo của nước ta; phía Bắc cách 17 hải lý là đảo Nam Yết; phía Tây – Nam cách 08 hải lý là đảo Cô Lin; phía Đông – Nam cách 06 hải lý là đảo Len Đao; phía Đông cách 14 hải lý là đảo Sinh Tồn. Cây xanh lớn trên đảo chủ yếu là bàng vuông, dừa, phong ba, mù u để chống sóng cùng các loại cây ăn quả và rau xanh.

lop-hoc-tren-dao-sinh-ton.jpg
Lớp học trên đảo Sinh Tồn
nsna-tuyet-minh-tang-can-bo-chien-si-tren-dao-sinh-ton-sach-anh.jpg
NSNA Tuyết Minh tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn sách ảnh

Theo Trung úy Nguyễn Đình Cảnh cho biết: Đảo Sinh Tồn ở một vị trí cực kỳ quan trọng trong quần đảo Trường Sa, như một lá chắn giữa biển Đông. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn tin rằng Sinh Tồn sẽ trường tồn vĩnh cửu. Đồng thời chúng cháu xin hứa với Đảng, với nhân dân cả nước, với đoàn sẽ nỗ lực hết mình bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo Sinh Tồn là một trong ba đảo trên quần đảo Trường Sa có UBND xã, trường học, có các hộ dân sinh sống; được Đảng, Nhà nước chăm lo sức khỏe, đời sống của quân, dân trên đảo. Đảo Sinh Tồn còn có âu tầu để ngư dân đánh bắt hải sản vào tránh trú bão với sức chứa khoảng 60 – 70 tầu. Đảo còn được trang bị phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn.

Chiều 14/5/2024, Đoàn Công tác số 19 có mặt trên vùng biển đảo Cô Lin, Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Toàn đoàn kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ trong sự kiện ngày 14/3/1988 ngay trên khu vực sân bay của tầu. Sau lễ dâng hương, Đoàn thực hiện nghi lễ thả vòng hoa, hoa cùng lễ vật với gần 2.650 cánh hạc giấy do các cháu học sinh tỉnh Nam Định và Văn phòng Chính phủ gấp để tưởng nhớ, biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

mot-goc-dao-co-lin.jpg
Một góc đảo Cô Lin

Cô Lin là đảo đá chìm thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý; phía Đông Bắc cách 08 hải lý là đảo Sinh Tồn, phía Tây Nam khoảng 07 hải lý là đảo Len Đao, phía Nam cách 04 hải lý là đảo Gạc Ma. Cái tên Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma mãi là khúc tráng ca bất tử đấu tranh giành độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam.

“Đảo Cô Lin giống như một ngọn hải đăng khổng lồ, tràn đầy sức sống giữa vùng biển trời Trường Sa cô ạ. Tuy khó khăn về nguồn nước ngọt, song chiến sĩ trên đảo đã cố gắng tự túc gần như hoàn toàn dựa vào nguồn nước mưa với lượng nước ngọt dự trữ nhiều nhất trên quần đảo Trường Sa.”, Chỉ huy trưởng đảo Cô Lin Võ Đình Đại tâm sự.

Lại qua một đêm lênh đênh trên sóng biển, sáng sớm 15/5, đoàn chúng tôi tới đảo An Bang. Từ trên boong tầu, tôi thấy đảo An Bang thật oai hùng, sừng sững giữa muôn trùng sóng biển khơi, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Đảo An Bang giống như một tòa lâu đài cổ đồ sộ lung linh, huyền diệu, đầy sức cuốn hút mê hoặc.

tang-sach-can-bo-chien-si-dao-an-bang.jpg
Tặng sách can bộ chiến sĩ đảo An Bang

Trung tá Trần Lộc, Chỉ huy trưởng đảo An Bang chia sẻ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng và Quân chủng Hải quân, không chỉ đảo An Bang mà các đảo khác trên quần đảo Trường sa ngày càng đổi mới và hoàn thiện với những hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ An Bang còn chăm sóc vườn cây, bảo đảm rau xanh bảo đảm sinh hoạt hàng ngày.”

den-dao-da-tay-b.jpg
Đến đảo Đá Tây B

Tiếp đó, con tầu lại rẽ sóng đưa chúng tôi đến đảo Đá Đông B, Đá Tây B. Cuộc sống trên đảo xa nhà, xa gia đình, xung quanh toàn nắng, gió và sóng biển, cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn coi nhau như anh em một nhà, yêu thương, giúp đỡ, động viên nhau khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Trên các đảo có nhiều loại cây bàng vuông, dừa, phong ba, phi lao, một vài loại cây dây leo cỏ dại.

tang-sach-tram-hai-dang-da-tay-b.jpg
Tại Trạm Hải đăng Đá Tây B

Trong buổi báo cáo công tác của cụm đảo với các Thủ trưởng và các đại biểu Đoàn Công tác số 19, Trung tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên cụm đảo Đá Tây xúc động hứa: “Luôn xây dựng tốt mối quan hệ, đoàn kết máu thịt với nhân dân; luôn vững vàng, bản lĩnh chính trị, xây dựng tinh thần trách nhiêm và tự hào người chiến sĩ hải quân… Quần đảo Trường Sa có vị trí quân sự chiến lược quan trọng ở phía Đông Nam nước ta. Vì vậy bất luận trong mọi điều kiện hoàn cảnh nào chúng tôi có phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.”.

Ở đây tôi gặp các bạn Trạm Hải đăng Đá Tây B. Trò chuyện một hồi, bạn Lưu Dũng Linh mạnh dạn hơn tâm sự: “Chúng cháu bên Trạm Hải đăng, có năm anh em cũng buồn nhưng chúng cháu vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Hôm nay bên này đông vui quá nên chúng cháu rủ nhau sang chơi, một bạn phải ở nhà trực. Anh em chúng cháu vẫn thường xuyên qua lại nhau chơi những lúc rảnh rỗi cô ạ. Có những ngày nước cạn chúng cháu đi bộ sang. Gặp được các cô chú, anh chị từ đất liền ra chúng cháu vui, cảm động lắm và luôn là động lực để chúng cháu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Chúc cô cùng đoàn luôn vui khỏe, hạnh phúc ạ.”

“Cảm ơn các cháu. Các cháu cố gắng hoàn thành nhiệm vụ và giữ gìn sức khỏe nhé. Tạm biệt các cháu! Cô và mọi người tin yêu các cháu.”

Chiều 16/5, con tầu KN 491 từ từ cập cảng đảo Trường Sa. Trường Sa là thủ phủ của quần đảo Trường Sa, đẹp như chuỗi ngọc với hệ thống hành chính thị trấn đảo tràn đầy sức sống nhưng cũng đầy sóng gió. Đảo Trường Sa cách quân cảng Cam Ranh về hướng Đông Nam 254 hải lý và là đảo lớn nhất, bằng phẳng nhất trên quần đảo. Trên đảo có giếng nước lợ dùng sinh hoạt, tăng gia rau xanh, trồng cây bóng mát. Nơi đây quanh năm xanh tươi, rợp bóng mát của hàng dừa, bàng vuông, nhàu, phong ba, đu đủ, các loại cây dây leo…

Các chiến sĩ Trần Quốc Lân, Võ Cát Tình, Bùi Văn Quảng, Phạm Quang Vinh tranh nhau kể: “Trên đảo Trường Sa chúng cháu có phòng đọc sách báo với gần 5.000 đầu sách, trên 30 đầu báo, một tủ sách pháp luật. Không chỉ có thế đâu cô ạ, đảo Trường Sa còn có các công trình như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Chùa Trường Sa, nhà truyền thống, nhà khách, trường tiểu học cơ sở, khu vui chơi v.v… là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa, giáo dục truyền thống cho quân, dân thị trấn đảo Trường Sa.”

le-dieu-binh-o-dao-truong-sa.jpg
Lễ diễu binh ở đảo Trường Sa

Được chứng kiến cảnh diễu binh hoành tráng đón Đoàn Công tác số 19 chúng tôi của quân, dân nơi đây. Vâng, đảo Trường Sa thật sự mạnh về phòng thủ, sạch đẹp về cảnh quan môi trường – Một thị trấn đảo mẫu mực, đoàn kết góp phần bảo bệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện đảo Trường Sa.

dem-giao-luu-vawn-nghe.jpg
Đêm giao lưu văn nghệ

Thật ấn tượng về đêm giao lưu văn nghệ của Đoàn cùng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa. Chương trình rất phong phú, đặc sắc với nhiều màn trình diễn của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo; Đoàn Văn công tỉnh Nam Định, đặc biệt các tiết của các cháu thiếu nhi nơi đây. Ngoài ra còn có top ca nam phòng 229 trình diễn bài hát “Cảm xúc Trường Sa” do Đại tá, Nhạc sĩ, NSNA Nguyễn Trọng Lưu sáng tác ngay trong chuyến đi nhằm động viên các chiến sĩ chân cứng đá mềm, mạnh khỏe để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Chia tay đảo Trường Sa đầy xúc động khiến tôi cũng như nhiều thành viên Đoàn Công tác số 19 không cầm nổi nước mắt khi cán bộ, chiến sĩ cùng người dân trên đảo Trường Sa vẫy chào và cất cao lời ca:

“Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh

Anh em ơi vì nhân dân quên mình…”

Trở về tầu và cho đến tận bây giờ mà dư âm trên các đảo – nơi chúng tôi đến vẫn đọng mãi trong tôi, trong các bạn Đoàn Công tác số 19.

tren-nha-gian-dk1-7.jpg
Trên Nhà giàn DK1-7
huyen-tran-oai-hung-sung-sung.jpg
Huyền Trân oai hùng sừng sững

Điểm cuối hành trình của Đoàn Công tác số 19 là Nhà giàn DK1/7 (Huyền Trân) canh giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam vào sáng 17/5; cũng là điểm khó chinh phục nhất của đoàn chúng tôi. Thật may mắn được tận mắt chứng kiến cuộc sống trên nhà giàn của lính hải quân, cán bộ đèn biển, tôi cùng các đại biểu Đoàn Công tác số 19 thật sự cảm phục, mến mộ trước ý chí ngoan cường, bám trụ nhà giàn, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tá Đoàn Văn Long tâm sự: “Chúng tôi rất hồi hộp, ai nấy đều thấy vui như đi trẩy hội, đầy xúc động được gặp các anh chị em khi có đoàn công tác đến thăm hỏi, mang hơi ấm tình thân, tình người đến với biển đảo xa xôi; tiếp thêm nghị lực, sức mạnh cho người lính biển đảo chúng tôi vững vàng nơi đầu sóng. Đây là nguồn cổ vũ lớn lao, giúp anh em nhà giàn thêm vững tâm công tác, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo quê hương…”.

Đến các đảo, nhà giàn, Đoàn Công tác số 19 đều được nghe Chỉ huy đảo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 trong không khí hân hoan, phấn khởi, nghiêm túc và khẩn trương. Lãnh đạo Đoàn Công tác số 19 ghi nhận thành tích của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và các lực lượng trên đảo, nhà giàn; đồng thời chia sẻ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

doan-cong-tac-so-19-tang-qua.jpg
Đoàn Công tác số 19 tặng quà

Sau khi nghe xong báo cáo, Đoàn Công tác số 19 tặng quà, giao lưu văn hoá, văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc, phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, người dân cùng tham gia rất sôi nổi, gần gũi, ấm áp. Trong đó tỉnh Tuyên Quang tặng Quân chủng Hải quân 01 vườn rau trên đảo trị giá 250 triệu đồng, 09 thùng nhu yếu phẩm; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng Quân chủng Hải quân 50 triệu đồng, 07 ti vi, 01 máy in, 04 quạt tích điện cho các đảo, nhà giàn. Tỉnh Nam Định tặng 62 thùng nhu yếu phẩm trị giá 186 triệu đồng; tặng hàng trăm lá cờ Tổ quốc…

Ngay từ ngày đầu, người tôi gặp đã để lại trong tôi nhiều tình cảm và ấn tượng nhất là cậu bé có đôi mắt sáng tròn to, khuôn mặt hiền hậu. Khi tôi bước vào buồng lái cũng lại gặp bạn ấy. Bẩy ngày trên tầu, lênh đênh trên biển, ban ngày lên thăm các đảo là thời gian trải nghiệm thật đáng nhớ. Ngày cuối tôi mới biết cậu bé để lại trong tôi nhiều điều đáng nhớ chính là Đại uý Trần Minh Anh, Phó Thuyền Trưởng tầu KN 491, quê Nghệ An; Thiếu tá Hỗ Sỹ Hưng, Phó Thuyền Trưởng tầu KN 491 cùng Thượng úy Đỗ Đăng Đại, quê Chương Mỹ, Hà Nội; Thượng úy Trần Văn Bảo, Thiếu úy Nguyễn Anh Phương …

chuyen-tam.jpg
Chuyên tâm

Ngoài giờ chỉ huy con tầu, Minh Anh cùng anh em trên tầu lại lái xuồng, hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi lên đảo. Tôi có cảm giác các bạn trên tầu, kể cả tổ bếp dường như không có mấy thời gian để ngủ nghỉ. Ai vào việc nấy, mặc dù rất mệt nhưng không hề ca thán lấy nửa lời. Ấy vậy mà các bạn vẫn luôn cởi mở chào hỏi thân thiện, lúc nào cũng nở nụ cười tươi trên môi mỗi khi gặp chúng tôi. Tôi rất sự cảm kích trước sự tận tâm của cán bộ, thủy thủ, chiến sĩ tầu KN 491. Tôi yêu các bạn, cả nước yêu các bạn. Các bạn cố lên và nhớ giữ gìn sức khỏe nhé. Yêu các bạn thật nhiều!

Chuyến thăm nghĩa tình, tặng quà các bộ, chiến sĩ, nhân dân trên 07 đảo và nhà giàn DK1/7 của Đoàn Công tác số 19 đã thành công tốt đẹp; đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Đến đâu đoàn chúng tôi cũng nhận được sự đón tiếp cởi mở, thân tình, nồng hậu như đón những người thân trong không khí phấn khởi, ấm áp và rất yên bình. Hầu hết các đảo đều có điện năng lượng mặt trời, điện gió, có sóng 2G; nước ngọt đủ dùng, tự túc thịt và rau xanh… Một số đảo có chùa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trường học, nhà Văn hóa khiến đời sống tinh thần, vật chất và tâm linh của quân, dân trên đảo, nhà giàn được bảo đảm; giữ vững niềm tin công tác nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ vững chắc biển đảo của Tổ quốc.

van-nghe-si-va-bao-chi-tren-boong-tau-kn-491.jpg
Văn nghệ sĩ và báo chí trên boong tầu KN 491
ky-niem-ngay-den-truong-sa.jpg
Kỷ niệm ngày đến Trường Sa

Đến với Trường Sa là điều vinh dự và tự hào không chỉ của riêng tôi. Qua chuyến đi, các đại biểu được chứng kiến sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, không những của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân mà còn là kết quả to lớn của các phong trào rộng lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã hướng về biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Chúng tôi càng thấy trân quý, cảm phục và tự hào trước sự phấn đấu hy sinh, khắc phục khó khăn gian khổ, giữ vững niềm tin, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/7.

Chuyến công tác đặc biệt này mãi in đậm trong trái tim tôi cũng như các thành viên trong đoàn. Một chuyến đi đầy ắp những kỷ niệm đẹp, ấn tượng, đáng nhớ và rất hữu ích đã để lại trong tôi nhiều cung bậc cảm xúc thân thương suốt đời không quên.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Cảm xúc Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO